Cơn đau đầu của Joachim Loew

Chủ Nhật, 12/06/2016, 14:54
ĐT Đức là đương kim vô địch thế giới, tới Pháp với tư cách ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vương EURO 2016. Đấy là một sự thật không thể chối bỏ.

Song nhiều tháng qua, tại kinh đô luyện thép thế giới, người Đức đã dồn sự quan tâm vào một chủ đề khác.

Cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu kéo theo những chính sách đón nhận người tị nạn trái ngược của các quốc gia EU. Với cá nhân nước Đức, họ chọn con đường “mở cửa”. Hơn 1 triệu người từ Syria và nhiều quốc gia khác thuộc thế giới Hồi giáo tiến vào nước Đức như chiếc phao cứu sinh cuối cùng cho vận mệnh của họ.

Ở Berlin, những phố Ả-rập mọc lên như nấm. Nước Đức, hay đúng hơn là người dân Đức với lòng tự tôn dân tộc nổi tiếng, coi mình là dân tộc thông minh nhất thế giới không chấp nhận những giá trị lai tạp xâm lăng vào nền văn hóa đậm sắc.

Đội tuyển Đức được kỳ vọng tái hiện được điều họ đã làm trên đất Anh cách đây 20 năm.

Thủ tướng Angela Merkel và chính phủ Đức bị dân chúng lên án gay gắt, đỉnh điểm là khi nhiều phụ nữ cáo buộc bị dân nhập cư giở trò đồi trụy trong lễ đón năm mới.

Chưa bao giờ, nội tại nước Đức lại ẩn chứa nhiều xung đột đến thế. Luồng suy nghĩ phổ quát những ngày gần đây của đại bộ phận dân chúng là “tẩy chay dân nhập cư”.

Tại quảng trường Đức mẹ Marienplatz, thi thoảng lại xuất hiện những cuộc biểu tình. Dù chỉ ở dạng manh mún, nhưng những cảnh tượng đó cho thấy ở mọi ngóc ngách, từ Berlin sang Munich, khát khao cháy bóng của người Đức là quốc gia hãy là chính mình.

Nhưng ĐTQG Đức, một thành tố quan trọng trong xã hội, chủ đề được ưu ái bậc nhất trong lĩnh vực truyền thông giải trí khoảng vài tuần trở lại, chưa bao giờ thoát lệ thuộc “dàn lính đánh thuê”.

Đức vẫn giữ lại bộ khung giúp họ vô địch World Cup 2014. Ảnh: Reuters.

Kể từ World Cup 2002, khi LĐBĐ Đức (DFB) phát động chiến dịch truy tìm tài năng bóng đá, mở rộng phạm vi tìm kiếm sang tận vùng biên giới, trào lưu cầu thủ nhập tịch nở rộ.

Những cầu thủ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan hay xa hơn là Brazil nhanh chóng khẳng định tên tuổi. Klose, Podolski, Khedira, Oezil và Boateng, các cá thể có giao điểm chung “dân nhập cư” là những người chắp cánh cho ước mơ phục hưng nền bóng đá.

10 năm qua, Đức từ chỗ đứng trước nguy cơ lụi tàn sau hai thất bại ở World Cup’98 và EURO 2000 dần chuyển mình, vươn lên thành thế lực hàng đầu làng cầu thế giới. Cúp vàng World Cup 2014 tại Brazil đánh dấu một trang sử mới trong tiến trình phát triển của bóng đá Đức.

Tuy nhiên, trước mắt họ còn một dấu tích cần chạm tới, là EURO 2016. Lần gần nhất Đức vô địch châu Âu đã cách đây 20 năm. Một thập kỷ phát triển bền vững đầy ắp vinh quang, nhưng đỉnh lục địa luôn khước từ Die Mannschaft. Đội về nhì ở EURO 2008, bị Italia loại ở bán kết EURO 2012.

Muốn cụ thể hóa ước mơ ấy, công cụ của Joachim Loew, một lần nữa phải kể tới nhóm cầu thủ ngoại lai. Nhưng vấn đề là ông thầy 56 tuổi có dám tin dùng những gương mặt ấy không? Đó mới là câu hỏi lớn nhất.

Oezil càng đá càng sa sút. Podolski và Gomez đều đã qua thời kỳ đỉnh cao. Khedira chẳng mấy khi tạo cảm giác yên tâm vì tiền sử bệnh án. Duy nhất Boateng còn giữ được phong độ, nhưng một dây chuyền không thể vận hành trơn tru nếu mất đi mắt xích đầu tiên – người án ngữ trước vòng 16m50.

Nhức nhối trong lòng xã hội Đức vô tình truyền sang Joachim Loew, để rồi ông đang đối mặt với cơn đầu tai hại nhất từng đối mặt: Nên hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch?

Thôi thì đành phải chờ xem đường đi nước bước của ĐT Đức trong ra quân gặp ĐT Ukraina đêm nay.

Khải Huyền
.
.
.