Cái chết được báo trước

Vụ khám xét, bắt giữ là kết quả sau gần một năm lập chuyên án. Từ cách đây một tháng, mọi động thái, đường đi nước bước của anh em Nguyễn Thái Luyện và các nhân vật chủ chốt trong Công ty  Alibaba đều đã bị Cơ quan Công an giám sát chặt chẽ. Gần trưa 18-9, Nguyễn Thái Lĩnh - Tổng giám đốc Alibaba được nhân viên dùng ô tô chở đi thị sát một dự án “ma”. 

Lúc này cũng đã cận thời điểm phá án, phán đoán có khả năng Lĩnh thấy bị động, sẽ bỏ trốn, 6 trinh sát đã chặn xe trên phố, yêu cầu Lĩnh hợp tác. Không nghe theo, Lĩnh ra lệnh cho tài xế phóng xe vun vút về trụ sở Alibaba ở số 120-122 Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Ngay lúc đó, nhiều xe chở CSCĐ cũng ập tới, vây chặt trụ sở công ty này. Cùng thời điểm, Công an cũng tiến hành khám xét hàng loạt văn phòng, trụ sở thuộc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...

Bên trong trụ sở chính, Công an đã khám xét, niêm phong hồ sơ sổ sách, két sắt, tài liệu của Alibaba dưới sự chứng kiến của Nguyễn Thái Luyện và em ruột Nguyễn Thái Lĩnh cùng nhiều nhân viên công ty.

Bên ngoài, dù trời mưa vẫn có rất đông phóng viên, người dân hiếu kỳ dầm mưa tụ tập theo dõi. Từ 14 giờ ngày 18-9 đến gần 4 sáng ngày 19-9, công việc khám xét mới hoàn tất. Cơ quan chức năng đã đọc lệnh khởi tố, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Lĩnh và lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Luyện cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt giữ.
Nguyễn Thái Luyện lên xe về trụ sở Công an.

Đáng nói là, đến trước nửa đêm 18-9, ngay khi Công an vẫn đang phong tỏa trụ sở, làm việc với anh em Luyện, Lĩnh ở bên trong thì bên ngoài, không ít nhân viên của Alibaba vẫn tiếp tục làm nhiễu loạn thông tin để phủ nhận chuyện bắt giữ, khám xét. Nhiều nhân viên cho đăng hình ảnh Công an phong tỏa, đọc lệnh, kiểm tra... nhưng đi kèm các nội dung giải thích là “Cơ quan điều tra trao đổi trực tiếp” với anh em Luyện, Lĩnh. Việc hàng trăm CSCĐ vây vòng trong vòng ngoài chỉ nhằm “để điều phối an ninh trật tự” và “để bảo đảm buổi làm việc giữa... Các cán bộ Công an với Ban Giám đốc Công ty  diễn ra suôn sẻ, đạt kết qua như mong đợi...”(!).

Sáng hôm sau, 19-9, Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại công ty này còn tổ chức ngay một buổi livestream đối thoại giải đáp thắc mắc của khách hàng. Trong buổi này, bà Như đã cho rằng Alibaba bị cơ quan chức năng và giới truyền thông “vu khống”. Bà Phó Tổng giám đốc này đã nhận được giấy của Cơ quan Công an triệu tập lên làm việc vào sáng 20-9!

Những động thái không đúng đắn này chỉ là cách nối dài các hành vi ngông cuồng, thách thức luật pháp, lừa dối khách hàng và dư luận, đã thành “truyền thống” của Công ty Alibaba.

Ngày 13-6, UBND xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu)  tổ chức cưỡng chế một dự án bất động sản trái phép của Công ty Alibaba. Khi xe múc đang phá dỡ các con đường trải nhựa thì Nguyễn Huỳnh Tú Trinh - Giám đốc văn phòng luật của Alibaba và hàng chục nhân viên mặc đồng phục Tập đoàn địa ốc Alibaba đã kéo đến la hét, chống đối việc cưỡng chế.

Theo lệnh Trinh, những nhân viên này đã đập phá, làm hư hỏng xe cuốc do chính quyền điều đến cưỡng chế. Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, quê Tiền Giang) và Trần Quốc Tĩnh (24 tuổi, quê Quảng Nam) cùng một số đối tượng đã được đưa về trụ sở công an. Nguyễn Thái Luyện đã dẫn đầu hàng chục người đồng phục của “Tập đoàn Alibaba” kéo đến trụ sở Công an Thị xã Phú Mỹ hô hào gây áp lực đòi Công an thả người!

Ngày 22-6, Cơ quan CSĐT Công an Thị xã Phú Mỹ đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Nguyễn Thái Luyện cũng là người trực tiếp viết sách hướng dẫn cách vay tiền, cách kinh doanh đất đai theo phương thức đa cấp, đào tạo nhân viên. Luyện thường xuyên phát ngôn gây sốc cho cấp dưới, còn tự nhận mình là người giỏi hơn cả Thành Cát Tư Hãn. Công ty Alibaba đã thu hút được gần 3.000 nhân viên. Kết cấu kinh doanh đa cấp gắn chặt cả  quyền lợi lẫn nguy cơ nên số nhân viên này rất trung thành và răm rắp nghe lời.

Ngay khi Công an đang khám xét, một nhân viên bán hàng còn chia sẻ: “Nhờ có anh Luyện mà biết bao con người có công ăn việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, nhà nước giàu lên nhờ Alibaba đóng thuế...”(!).

Bị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu triệu tập lên làm việc, Luyện vẫn không xin lỗi, còn đăng đàn giải thích kiểu ngông nghênh, chấp nhận bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Từng là nhân viên môi giới bán hàng cho một công ty bất động sản, Luyện đã  lập công ty riêng tháng 5-2016. Từ không có cục đất chọi chim, chỉ sau hơn 3 năm, Nguyễn Thái Luyện và Công ty Alibaba đã có số vốn điều lệ lên đến con số 5.600 tỉ đồng. Thời điểm tăng vốn điều lệ, Công ty Alibaba có 3 cổ đông chính là Luyện (80%, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty Alibaba, 10%), bà Võ Thị Thanh Mai (10%). Lĩnh vừa là em ruột, vừa là cánh tay phải đắc lực cho Luyện trong hoạt động kinh doanh.

Phải thừa nhận, Nguyễn Thái Luyện không phải dạng vừa. Luyện đã nghĩ ra, tổ chức, chỉ đạo hàng ngàn nhân viên Alibaba “lách” qua nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm” để bán cái mà mình không có, biến đất đai của người khác thành một món hàng buôn bán đa cấp, biến cổ đông thành nhân viên, đồng thời cũng là khách hàng thứ cấp kiêm... nạn nhân của chính Luyện.

Sau vụ Tóc Tiên, Bộ Công an đã vào cuộc. Cơ quan Công an xác định ở tỉnh Đồng Nai, 600 khách hàng đã mua đất nền ở những dự án khu dân cư, khu đô thị “ma” của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba. Số khách hàng trên mua đất nền hoặc góp vốn vào 29 dự án “ma” (27 dự án tại huyện Long Thành, 1 dự án ở huyện Xuân Lộc và 1 dự án ở huyện Nhơn Trạch) tại Đồng Nai.

29 dự án này thực chất là 21 khu đất đều do hộ gia đình, cá nhân đứng tên sử dụng. Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần khẳng định tỉnh chưa cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào cho Công ty Alibaba nhưng công ty này vẫn tiếp tục quảng bá để bán hàng loạt dự án đất nền không có thực tại Đồng Nai trên website của công ty.

Đầu tháng 9-2019, Công ty Alibaba đã rầm rộ khai trương, treo biển văn phòng mới tại số 96B, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngay sau đó, UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt chi nhánh này số tiền 15 triệu đồng, vì sử dụng biển hiệu của công ty không đúng quy định của pháp luật, buộc tháo dỡ bảng hiệu...

Với chiêu quảng bá “bán đất nền giá rẻ”, chỉ từ khoảng 120-190 triệu đồng/nền, Alibaba đã thu hút rất nhiều khách hàng - nhà đầu tư tham gia, kể cả khách hàng là người có thu nhập thấp. Để tạo niềm tin, cứ mỗi dự án chào bán, công ty đều tổ chức xe đưa rước khách hàng đến tận nơi dự án để tham quan.

Trước đó, năm 2017, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Alibaba cũng tự xưng là chủ đầu tư của dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha thuộc khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, rao bán đất nền trái phép. Khi cơ quan chức năng phát hiện, vào cuộc điều tra, Công ty Alibaba đã bán cho 493 khách hàng (mỗi khách đặt giữ chỗ 50 triệu đồng). UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi các sở, ngành yêu cầu đề nghị biện pháp không cho Công ty Alibaba tham gia vào các dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, do thái độ thiếu hợp tác với cơ quan chức năng.

Phần lớn đất Alibaba rao bán là đất nông nghiệp, đất rừng... chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án, chỉ ở trên giấy, không có trên thực tế. Công ty này đã bán nền, thu tiền của hơn 7.000 khách hàng với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn S. (SN 1957, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), bức xúc: “Để thực hiện hành vi lừa đảo, Luyện đã đánh vào lòng tham của nhiều người, bằng cách cùng người của mình vẽ ra một viễn cảnh giúp khách hàng giàu lên nhanh chóng. Khách hàng mua đất nền tại các dự án của Alibaba sẽ được chia lại khoản lợi nhuận lớn lên đến 38%/năm. Người khác tham gia cùng mua, thì khoản lợi nhuận của khách hàng sẽ được tăng theo cấp số nhân. 

Với cách thức lấy tiền của người mua sau đem trả lợi nhuận cho người mua trước, nên Luyện ngày càng kéo nhiều người tham gia với con số hiện tại lên đến cả nghìn người”.

“Tôi là khách hàng thân thuộc của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, và được Luyện trực tiếp mời xuất hiện thường xuyên tại các chương trình, dự án do công ty tổ chức nhằm tăng niềm tin cho các khách hàng đến mua sau. Ban đầu, tôi đầu tư hơn 100 nền với hàng tỷ đồng. Sau khi biết mình bị lừa, tôi rút dần và còn khoảng 8 nền với số tiền gần 3 tỷ đồng. Khách hàng bị lừa nhiều còn do có niềm tin vào mối quan hệ rộng trong xã hội của Luyện. 

Nhìn vào tủ trưng bày, khách hàng thấy quà lưu niệm, kỷ vật của lãnh đạo cấp trung ương tặng Luyện. Ngoài ra, Luyện còn “đạo đức” với khách hàng mà không đặt mình ở vị trí một Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba như, dẫn xe vào cổng công ty cho khách, bưng đồ ăn sáng, nước uống…khiến ai cũng ngợi khen về cách sống đạo đức này”, ông S, nhấn mạnh.

Còn anh Trần Văn C. (ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ vui mừng. Anh C, cho biết: “Tôi may mắn khi đã kịp đòi lại tiền trước khi công ty bị cơ quan chức năng điều tra, phong tỏa tài khoản. Sau khi mua mua dự án bánh vẽ của công ty này, tôi mới biết mình bị lừa. Tôi dính bẫy vì sự quan tâm ân cần của các nhân viên bán hàng đã được Luyện đào tạo. Sáng nào, tôi cũng nhận được một lời chúc ngày mới an lành và hỏi thăm về ăn uống, ức khỏe và gia đình. Sau đó, là những lời thạm gia dự án này nọ của công ty để lấy lãi suất cao. Tôi đến công ty thì được dẫn xe, mời mọc ăn sáng, uống nước…trò chuyện thân mật như những người thân trong gia đình”.

Anh C. nói: “Nghe tư vấn có thể mua đất với giá rẻ, tôi rất thích. Họ hứa hẹn sẽ có sổ đỏ, thủ tục pháp lý đầy đủ. Do vậy, tôi cùng em ruột đã đầu tư 700 triệu vào một dự án đất nền ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhân viên bán hàng công ty này hứa là sau 12 tháng sẽ có sổ đỏ, nhưng chờ hoài vẫn không thấy hồi âm. Nóng ruột, tôi đã đến công ty hỏi. Họ không nói giật tiền của mình nhưng cứ hứa hẹn để kéo dài thời gian. Cứ mỗi lần tôi hỏi, nhân viên luôn trấn an như, anh cứ để đó, chắc chắn sẽ có lời hơn lãi suất của ngân hàng nhiều mà. Cứ như vậy mà họ hẹn đến mấy lần. Sau đó, nhận thấy tình hình không ổn, thời gian kéo dài hơn 1 năm mà sổ đỏ vẫn không có, đất sở hữu lại ở xa. Tôi quyết tâm đến công ty để lấy lại tiền vào tháng 12/2018. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ trao đổi, công ty Alibaba mới chịu hoàn trả tiền gốc”.

Theo anh Nguyễn Hồng Điệp, người chuyên mua bán bất động sản, phân tích: Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị phân phối, ăn hoa hồng từ chủ đất. Tuy nhiên, họ lại sẵn sàng trả lợi nhuận lên đến 45%/15 tháng để nhằm lôi kéo khách hàng.

Hiện nay, tiền hoa hồng môi giới mỗi dự án cao nhất cũng chỉ 8-10%/tổng giá trị dự án. Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba lấy đâu ra tiền để trả cho khách hàng cao hơn nhiều. Như vậy, nếu không phải là lấy của những khách hàng sau trả cho khách hàng trước ?

Sáng 19-9 trụ sở chính của Công ty Alibaba, số 120-122, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và nhiều chi nhánh khác vẫn làm việc bình thường. Một nhân viên an ninh cho biết, khách hàng có đông hơn ngày thường. Nhiều khách hàng đến để đòi giải thích vì không yên tâm sau sự cố lãnh đạo công ty bị bắt.

Cầm tờ hợp đồng trên tay, một nữ khách hàng tìm đến chúng tôi trình bày, nét mặt buồn, lo lắng: “Hợp đồng của em chưa đến hạn trả lãi. Bao nhiêu vốn liếng, cả vay mượn thêm, gần 1 tỉ đồng, em đầu tư hết cả vào dự án của Alibaba ở Đồng Nai. Giờ mà không lấy lại được vốn chắc cả nhà em ra đường...!”.

Hơn 3 tiếng đồng hồ chờ hẹn, chúng tôi mới được gặp bà Huỳnh Thị Ngọc Như. Bà Như mong chúng tôi thông cảm, cho biết: “Từ sáng đến giờ, lãnh đạo và các nhân viên chúng tôi tất bật tiếp khách hàng để giải thích tình hình. Tôi đang phụ trách công ty. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thành viên chủ chốt khác của công ty, cần phải lấy ý kiến của họ và sẽ phản hồi sau”.

Tại trụ sở, chúng tôi ghi nhận,  dù được các nhân viên bán hàng từ thấp đến cao trấn an, giải thích cặn kẽ, khách hàng họ vẫn muốn được nghe trực tiếp giải thích từ Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Thị Ngọc Như.

Ông D. (ngụ TP Hồ Chí Minh), một khách hàng bức xúc: “Tôi “theo” Alibaba ngay từ những ngày đầu, đã đầu tư vào đây hàng chục lô đất trị giá hàng tỉ đồng. Họ chi trả lãi rất sòng phẳng. Nay, tôi chỉ còn vài lô ở TP Bà Rịa vì đã rút dần vốn. Số vốn còn lại không biết có thu hồi được không. Nhân viên bán hàng không đưa ra được lý do thuyết phục. Tôi sẽ ra Công an quận Thủ Đức để tố cáo hành vi lừa đảo của công ty này”.

Nhân viên bán hàng Phạm Thị Lành khẳng định: “Chúng tôi phải có trách nhiệm, làm sao có thể bỏ rơi gần 7 ngàn khách hàng”. Tuy nhiên, chịu trách nhiệm thế nào thì cô nhân viên này chịu, không trả lời được.

Một nhân viên khác, chị Nguyễn Thị Yến Phi bày tỏ quyết tâm: “Em có 3 khách hàng với 15 lô đất (mỗi lô đầu tư hơn 300 triệu đồng). Nếu công ty không có tiền trả nợ, em sẽ kiếm tiền trả nợ cho họ!”.