Của chồng công vợ

Thứ Ba, 16/11/2004, 20:08

Nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi đã đi xa nhưng tác phẩm của các ông vẫn sống mãi với độc giả. Thi thoảng một vài di cảo của các nhà văn lại được tìm thấy và ra mắt công chúng. Đó là nhờ những người vợ của các ông đã ngày ngày góp nhặt, gìn giữ và nâng niu những gì các ông để lại.

Với bà Nguyễn Thị Doanh, vợ cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, ông mất đi đã để lại trong bà một khoảng trống không gì bù đắp nổi. Thời gian rảnh, bà tìm đọc những tác phẩm ông để lại. Bà hiểu ông hơn, hiểu cả những hạnh phúc, những trăn trở với nghề viết ông mang nặng trong lòng.

Bà kể, thuở ông viết văn, đời sống còn khó khăn nên một mẩu giấy ông thường viết hai mặt, mỗi mặt một truyện khác nhau nên rất khó khăn để ghép chúng lại với nhau. Có khi chỉ là một mẩu giấy ghi chép vội vàng nơi chiến trường mà nắng mưa đã làm cho nhòe nhoẹt nhưng bà vẫn cố gắng đọc. Giờ đây, công việc ấy là thú vui của bà. Mỗi khi Tết đến, xuân về, anh em bạn bè của chồng lại bảo bà có tìm được chuyện gì mới của ông để đem in.

Sau những tháng ngày cần mẫn ấy, bà đã phát hiện ra truyện ngắn Sân cỏ Tây Ban Nha, hồi ức về lần ăn Tết ở chiến trường cùng với các chiến sĩ, trong đó có chi tiết cảm động như những người lính đã lấy máu ở vết thương để quét lên giấy, làm hoa đào cho đỡ nhớ nhà. Bà đã đóng góp một phần không nhỏ để hoàn thành tập 5 trong Nguyễn Minh Châu toàn tập.

Sắp tới, bà cho ra đời quyển Những bức ký họa mà Nguyễn Minh Châu viết về những số phận ông gặp trên khắp nẻo đường. Dự kiến, cuốn sách sẽ dày hơn một trăm trang, gồm 60 truyện ngắn và chia làm 3 phần: những bức ký họa, phần rút trong nhật ký và phần ghi chép lại nhật ký của các liệt sĩ.

Theo bà, di cảo của nhà văn còn khá nhiều, bà chỉ mong mình luôn mạnh khỏe để sắp xếp bản thảo và công bố những sáng tác ấy vào những thời điểm thích hợp. Công việc ấy, bà làm với một ước nguyện duy nhất: Giúp ông trả ơn cho những người lính đã ngã xuống nơi chiến trường và cũng là để bổ sung vào sự nghiệp văn học của ông.

“Sống bên nhau 30 năm không hiểu ông bằng bây giờ”, bà Doanh tâm sự. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ông vốn là một nhà văn hiền lành, ít nói. Mọi suy nghĩ, tâm lực đều dồn hết vào trang viết. Hiểu tính ông, với vai trò là một người vợ, bà tảo tần, thu vén, chăm lo cho con cái học giỏi, ngoan ngoãn để ông yên tâm sáng tác.

Để ông có thể toàn tâm, toàn ý với văn chương, bà xin về hưu sớm để chăm sóc con cái. Thương chồng thức đêm viết vất vả, bà thường làm những món ăn ngon phần chồng, nhưng rồi khi về, ông lại chẳng ăn mà để dành phần con. Phần lớn những tác phẩm của ông đều được "thai nghén" trên chiếc bàn kê riêng ngoài hiên mà theo ông để đỡ ảnh hưởng đến giấc ngủ mấy mẹ con.

Trong số 4 nhà văn được coi như  "Cỗ xe tứ mã" (đều tuổi ngựa, sinh năm 1930) của nhà số 4, phố Lý Nam Đế (Hà Nội) là Hồ Phương, Nguyễn Khải, Xuân Thiều và Nguyễn Minh Châu thì ông là người ra đi sớm nhất, khi vừa tròn 59 tuổi. Chỉ một năm chiến đấu nơi chiến trường nhưng hành trang ông mang theo khi ra khỏi nơi bom đạn ấy là ngồn ngộn những tư liệu sống về chiến tranh, về người lính.

Nhắc tới ông, người ta không thể không kể tới những tác phẩm như: Dấu chân người lính, Cửa sông và một loạt các truyện như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Mảnh trăng cuối rừng. Chiến tranh đã được ông lý giải không chỉ bằng những trận đánh mà còn thông qua những số phận, những mảnh đời nơi hậu phương. Nhưng điều đặc biệt là sự lý giải ấy hết sức nhân văn và trong trẻo.--PageBreak--

Người vợ với 24 lá thư từ chiến trường

Khu tập thể 3B Ông Ích Khiêm là nơi ở của gia đình cố nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi. Là người gốc miền Bắc nhưng ông lại được coi như là nhà văn của miền Nam với các tác phẩm tiêu biểu như Người mẹ cầm súng, Đôi bạn. Ông cũng là một trong số ít nhà văn quân đội vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bà Hoàng Thị Xuân, vợ cố nhà văn kể, ông mất được 3 năm thì mọi người trong cơ quan mới cho bà hay tin và cũng phải lần thứ 3, người mang tin dữ đến nhà, bà mới tin ông đã đi xa mãi mãi. Ngày ông ra đi, bà có trong tay hai tủ đầy bản thảo của ông. Được sự giúp đỡ của nhiều nhà văn, những tập tài liệu ấy đã hoàn chỉnh thêm tuyển tập Nguyễn Thi.

Hiện nay, bà chỉ còn giữ lại cho mình 24 lá thư ông gửi cho bà từ chiến trường. Lá thư nào cũng đầy ắp yêu thương hẹn ngày trở về. Ông dặn bà nếu ông không về thì nhớ đừng khóc. Khi bà còn làm công nhân ở Nhà máy Dệt 8-3, ông còn lo tóc bà dài dễ quấn vào máy... Bà coi những lá thư và những bức ảnh của ông như báu vật.

Ông lấy bà sau khi cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn. Khi ấy bà là một thôn nữ hiền lành, chất phác quê ở Hà Đông. Hai người sống với nhau được hai năm, khi cậu con trai đầu được hơn 5 tháng tuổi thì ông xung phong vào Nam. Và rồi năm 1968, ông đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Mậu Thân.

Mấy chục năm đã trôi qua, dù thời gian sống với ông vô cùng ngắn ngủi và cũng qua bao khuất khúc của cuộc đời nhưng trong bà vẫn đầy ắp những kỷ niệm về người chồng tài năng của mình. Đó là những tình cảm về sự quan tâm, chu đáo của ông với vợ con.

Bà kể, chưa người nào yêu vợ, thương con được bằng ông. Tóc bà dài, thường vương vài sợi vào nan xe đạp và bị đứt. Mỗi lần như vậy, ông thường tỉ mẩn gỡ từng sợi, lau sạch rồi gói cất đi. Mỗi lần đi công tác, ông thường mang theo bên mình. Khi nhớ nhà, khi rỗi rãi, ông mang những sợi tóc của bà ra ngắm với một niềm xúc động sâu sắc. Từng chiếc áo bà mặc, ông cũng muốn bà cắt theo thiết kế của ông. Bà ngồi đan nón, ông hý hoáy vẽ chân dung bà. Ông còn giúp bà học để nâng cao kiến thức...

Những người phụ nữ ấy, dù sống cả đời bên người chồng thân yêu hay chỉ là những năm tháng ngắn ngủi, dù họ có trong tay rất nhiều bản thảo hay chỉ còn ít ỏi những gì thuộc về chồng mình, thì với họ, những tài sản ấy cũng là vô giá

Thảo Duyên
.
.
.