“Thợ” đắt hàng hơn “thày”

Thứ Hai, 15/11/2004, 01:10
Tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung học chiếm từ 3,8% - 4,4%. Trong khi đó, lao động được đào tạo tại các trường dạy nghề thất nghiệp chưa tới 1,8%. Đó là kết quả điều tra do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện.

Ông Lê Văn Thông - Phó Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ và Giao thông vận tải III (thuộc Bộ GTVT), cho biết: "Doanh nghiệp thích tuyển dụng học viên đào tạo tại trường nghề vì nguồn lao động này vững tay nghề chuyên môn. Hơn nữa, các trường nghề đào tạo nhiều ngành nghề mà doanh nghiệp cần như: điện công nghiệp, điện tử, điện lạnh, cơ khí, luyện kim, gò, hàn, đúc, mộc… Vì thế, ngoài nguồn tuyển dụng lao động có tay nghề tại các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp thường tìm đến trường đào tạo để 'xin' lao động với số lượng lớn".

Trường Trung học Công nghiệp TP. HCM được các doanh nghiệp đăng ký trước hơn 1.000 công nhân, kỹ thuật viên sau khi ra trường, nhưng trường chỉ có hơn 200 lao động để cung cấp; Trường Kỹ thuật nghiệp vụ và Giao thông vận tải III, 100% học viên nghề hàn vỏ tàu thép sau khi ra trường có nơi tiếp nhận và trong nhiều khóa liên tiếp, Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn phải "đặt hàng" trước khi tuyển sinh mới có lao động để cung ứng. Công ty Cổ phần cơ khí Bình Triệu, phải "đặt cọc" trước từ đầu khóa học, mới nhận được lao động có tay nghề hàn. Hơn 50% học viên khóa 1 Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng được doanh nghiệp tuyển dụng, 30 lớp nghề ngắn hạn với 4.500 sinh viên ra trường có việc làm ổn định…

Hầu hết nguồn lao động có tay nghề đã qua đào tạo hiện rất dễ dàng tìm việc tại các doanh nghiệp, mức lương khá cao và công việc ổn định. Trong khi đó, nguồn lao động tốt nghiệp tại các trường đại học ngày càng nhiều (cứ 1 lao động có trình độ đại học ra trường thì có 2,5 lao động trung cấp và 3,5 công nhân qua đào tạo). Các sinh viên mới ra trường rất khó tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo, mức lương cũng không tương xứng.

Khi nào nguồn lao động được cân đối?

Cả nước hiện có 226 trường dạy nghề, 320 trung tâm và gần 1.000 cơ sở, lớp học nghề phân bố ở 62 tỉnh, thành phố (các tỉnh mới thành lập đang xây dựng trường nghề). Nhưng trên thực tế, từ trước đến giờ, các trường dạy nghề chưa thu hút nhiều học viên tham gia do công tác tuyên truyền chưa thuyết phục. Ngoài ra, cơ sở vật chất của hầu hết các trường nghề còn yếu kém nên chất lượng đào tạo không theo kịp yêu cầu công việc của các doanh nghiệp.

Nhưng do thị trường lao động khan hiếm, nhiều doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng học viên trường nghề và đào tạo nâng cao tay nghề. Nhất là trong thời điểm hiện nay, các địa phương đang đầu tư phát triển khu công nghiệp - khu chế xuất, mở rộng trang trại và phát triển nhiều công ty sản xuất, dịch vụ nên rất cần lực lượng lao động có tay nghề cao. 

Hiện nay, số lao động được đào tạo chỉ đạt 22,5% (tăng 1,5% so với năm 2003) và theo chỉ tiêu của Bộ LĐTB&XH thì tỷ lệ này sẽ nâng lên 30% vào năm 2005. Bộ LĐTB&XH cũng đang hướng tới việc cân đối nguồn lao động theo tỷ lệ 10 lao động kỹ thuật/1 lao động đại học

Thúy Hà
.
.
.