Cần bảo tồn đàn voi ở Tây Nguyên

Chủ Nhật, 14/11/2004, 20:59

Hội Voi Buôn Đôn - tỉnh Đắc Lắc đã diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng. Thế nhưng, sau lễ hội, đàn voi ấy có được bảo tồn? Đó là nỗi lo ngại vì hiện nay voi nhà ở Tây Nguyên cứ ngày càng hao hụt, voi rừng lại càng hiếm vì bị săn bắn và không có môi trường sống thích hợp.

Khác với mọi năm tổ chức vào dịp tháng 3, Hội voi lần này được tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào tháng 11, nhân dịp Liên hoan phim toàn quốc lần thứ XIV - lần đầu tiên diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột. Chưa bao giờ Đắk Lắk tổ chức Hội voi lớn như năm nay.

Hàng chục ngàn người từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và du khách nước ngoài đã hội tụ về Buôn Đôn để tham dự Hội voi. Ba mươi chú voi thật to và khỏe mạnh, được huấn luyện khá thuần thục từ 5 đoàn voi ở 4 huyện Ea Súp, Lắk, Krông Bông và Buôn Đôn đã có mặt để thi tài. Hội voi thu hút 200 nghệ nhân, quản tượng tài hoa từ các địa phương trong tỉnh về trình diễn những màn "kịch voi" hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên.

Sau lễ cúng sức khỏe cho voi là những màn trình diễn voi chào khán giả, voi nhảy theo điệu nhạc Đing Năm và âm vang của chiêng. Tiếng nhạc, tiếng chiêng hòa lẫn "âm điệu voi" đầy ấn tượng đã để lại trong lòng khán giả những tình cảm khó quên. Trong tất cả các môn thi đấu như chạy nhanh, ném vật nặng, lội sông và đá bóng, các "diễn viên voi" đều đem đến cho khán giả sự tán thưởng tài năng độc đáo.

Nét đặc biệt trong Hội voi lần này là sự tham gia thi đấu của hai chú voi ở rừng Tánh Linh năm xưa, đã được đưa về Vườn quốc gia Yok Đôn thuần dưỡng. Cả hai đã được thuần phục và để lại nhiều ấn tượng khó quên tại hội thi.

Hội voi khép lại, có voi đạt giải, có số không đạt giải của Ban tổ chức, nhưng cái quan trọng hơn là tất cả những chú voi và quản tượng về dự Hội lần này đã để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho mọi người.

Nỗi lo hậu “Hội voi”

"Vua voi" Ama Kông trong ngày Hội voi đã thốt lên: "Nếu Tây Nguyên không còn voi thì trống rỗng biết chừng nào!". Không chỉ riêng Ama Kông mà tất cả những người có trách nhiệm ở Tây Nguyên đều lo lắng chuyện voi nhà ngày càng mai một dần. Sự "biến mất" của đàn voi nhà ở Tây Nguyên từ số lượng trên 500 con vào thời điểm năm 1997, đến năm 2004 chỉ còn khoảng hơn 50 con là một sự mất mát khủng khiếp.

Cùng với sự mai một gần hết của đàn voi nhà, đàn voi rừng ở Tây Nguyên cũng đã di chuyển vùng sống mới sang rừng Campuchia vì diện tích rừng Tây Nguyên bị thu hẹp quá nhanh. Theo khảo sát của ngành chức năng vào năm 1997, đàn voi rừng ở Tây Nguyên có hơn 40 con, nhưng đến nay thì sự xuất hiện của voi rừng ở đây chỉ còn vài ba con. Đặc biệt, chúng cũng biến động chỗ ở liên tục vì môi trường sống không đảm bảo và bị đe dọa sát hại.

Ông Y Nhom Kdon - Phó Chủ tịch xã Krông Na - bức xúc: "Voi nhà bây giờ mất hết là vì thả nổi cho dân muốn làm gì thì làm. Người dân lại nghèo lấy gì nuôi chu đáo, trong khi bọn trộm sẵn sàng giết voi để lấy ngà…".

Quản tượng Y Tlõ ở đoàn voi Ea Súp tham gia Hội voi ở Buôn Đôn đã thổ lộ: "Thi xong đưa voi về thả rừng cho nó tự kiếm ăn, ở nhà không đủ sức để nuôi".

Còn anh Y Ngưn ở huyện Lắk, người điều khiển voi Na Blu thi vượt sông Sê Rê Pôk đạt giải nhất tâm sự: "Voi Na Blu của mình thường ngày cũng chỉ cột ở rừng tự kiếm ăn, đến khi gần đi thi mới tập luyện vài hôm và chăm sóc kỹ một tí. Mình sợ nhất là bọn săn bắn lấy ngà thường bắn lén khi mình thả voi vào rừng". Có lẽ vì vậy mà các chú voi nhà tham gia Hội voi lần này đều bị cưa cụt ngà.

Cách đây chưa lâu, ở Ea Súp một chú voi đã bị bọn "đạo chích" sát hại để lấy ngà. Đau buồn trước cái chết của chú voi nhà, chủ của nó cũng đã ngã bệnh và ra đi theo… Nhiều người tâm huyết với voi đều cho rằng cách "bỏ mặc" voi nhà cho các gia đình tự quản như hiện nay thì chỉ vài năm nữa Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ không còn voi nữa.

Điều đáng mừng cho đàn voi nhà trong tương lai là tín hiệu từ động thái tích cực của ông Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ông khẳng định tới đây tỉnh sẽ thành lập các hợp tác xã quản lý, bảo vệ phát triển đàn voi nhà nhằm phục vụ du lịch, lễ hội. Tỉnh có chủ trương bảo tồn, phát triển đàn voi ở Đắk Lắk với quy mô lớn, và tháng 11 hàng năm sẽ tổ chức Hội voi mang tầm ngày hội văn hóa truyền thống của cả nước

Ngọc Như
.
.
.