Cái Tâm cho người làm giáo dục

Thứ Bảy, 02/10/2004, 08:21
Nhà văn Nguyên Ngọc (72 tuổi) kêu gọi và được một nhóm doanh nhân ủng hộ, đầu tư hàng chục triệu USD "thí điểm mô hình đại học tư thục kiểu mới" ở một tỉnh miền Trung. Một nhà đầu tư ở tuổi 30 trong nhóm doanh nhân này chân thành bộc bạch với nhà văn: "Đầu tư vào đây cũng như để đức cho con cháu, cháu quyết không lấy một xu tiền lãi nào".

Về lâu dài, sự bền vững trong phát triển giáo dục vẫn cần lắm những nhà đầu tư, nhà giáo thực sự có tấm lòng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, ở mảng dân lập nói riêng. Nhưng trước mắt, khi mảng dân lập vẫn còn ở giai đoạn tranh tối tranh sáng thì vấn đề dư luận quan tâm là những quy định có tính cầm trịch "mang chất Bao Chửng" trong quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT).

Ví như việc Bộ GD-ĐT "kiên định" với mức điểm sàn ở độ không cao lắm. Việc làm này của Bộ nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các thí sinh. Nhưng có vẻ áp lực cần phải "tháo khoán" việc hạ điểm sàn ngày càng gia tăng lên các quan chức Bộ GD-ĐT.

Sự phản ứng có phần quyết liệt của không ít trường dân lập lại không khác là bao khi ta nhìn sang những "phản ứng, áp lực" nhắm vào vai trò quản lý Nhà nước đối với ngành Thép. Đó là lúc Nhà nước tỏ ra cứng rắn, cương quyết trị căn bệnh trục lợi quanh những cơn sốt giá thép. Không ít các đại gia trong ngành Thép (sản xuất và phân phối) bị "bắt mạch" có cơ ảnh hưởng đến "đất" làm… giàu, lập tức phản đối rầm rầm.

Thế mới hay, ở bất kỳ lĩnh vực gì, khi ra một quyết định quản lý, nếu không có sự kiên định vào cái đúng, vào lợi ích chung, sự phát triển bền vững cho cộng đồng thì sẽ rất dễ bị phân tâm trước những "áp lực" theo kiểu làm dâu trăm họ - nhất là với những cá nhân bị tước đi một số đặc quyền, đặc lợi. Trong những trường hợp quản lý không đơn giản này, buông xuôi, thây kệ một chốc, lập tức có thể lâm vào tình thế lúng túng, thụ động bởi cái sự không hiếm trong tâm lý ở không ít người đời: Được đằng chân, lân đằng đầu.

Với Bộ GD-ĐT, "áp lực" đang phải chịu có lẽ nặng nề nhất vẫn là những mũ, những mác "được" đội cho Bộ là: Tạo "Cơ chế xin - cho". Thật vậy sao? Thể hiện vai trò quản lý Nhà nước bằng một quy định với ngưỡng điểm sàn tối thiểu (không quá 5 điểm mỗi môn thi) làm ngưỡng tối thiểu cho những ai muốn vượt "vũ môn" để trở thành sinh viên, sao lại là "xin - cho" nhỉ!

Không  phải ngẫu nhiên mà tại cuộc họp hôm 27/9, do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các cán bộ giáo dục ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đã có ý kiến thẳng thắn được nêu lên: Cần tăng cường, chú tâm bồi dưỡng lực lượng cán bộ giáo dục hơn là quá chú trọng về phát triển quy mô.

Không chỉ "để mắt" tới vấn đề chất lượng đầu vào mà ngay cả những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất, tiền bạc, cũng như sự ổn định về số lượng và chất lượng của đội ngũ giáo viên cơ hữu, sự tuân thủ những quy định chung về tài chính, kế toán, thủ quỹ, về mối quan hệ ở đội ngũ những người quản lý (chẳng hạn mối quan hệ giữa Hội đồng Quản trị với Hiệu trưởng). Giải quyết triệt để mớ bòng bong kiểu Đại học Dân lập Đông Đô, Đại học Dân lập Hải Phòng thì giáo dục dân lập nói riêng, giáo dục nói chung mới có thể bình tâm đặt vấn đề: "Mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra" như nhiều quốc gia khác

Lâm Trường Thiên
.
.
.