Bác sĩ pháp y và hành trình tìm sự thật các vụ án

Thứ Hai, 15/11/2004, 16:01

Nhận dạng nạn nhân trong vụ cháy Trung tâm Thương mại ITC, TP. Hồ Chí Minh, năm 2002, là một thách thức đối với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với phương pháp giám định ADN, các bác sĩ pháp y đã trả lại tên cho 60 người thiệt mạng. Giám định ADN là một thành tựu khoa học mới của thế giới, được triển khai tại Việt Nam từ năm 1999.

Nói đến pháp y, nhiều người cứ nghĩ đơn thuần là công việc mổ xẻ tử thi. Song ngoài việc giải phẫu tử thi thì pháp y còn bao gồm cả công việc giám định dấu vết súng đạn, giám định cháy nổ, giám định tài liệu, giám định độ tuổi, giám định hóa chất các loại và giám định sinh học.

Trước đây, từ các dấu vết lông, tóc, máu, tinh dịch, nước bọt... chúng ta chỉ xác định được nhóm máu và cao hơn là nhóm men, vì thế hiệu quả phục vụ công tác điều tra chưa cao. Kể từ khi triển khai phương pháp giám định ADN, Tổ giám định sinh học, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, đã thực sự là một địa chỉ tin cậy và hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra, phá án. Vụ giám định gen cho 60 người bị chết trong vụ cháy Trung tâm thương mại ITC là một ví dụ điển hình.

Khi nhận được lệnh, chỉ có đồng chí Vị và đồng chí Thơm trực tiếp đến nhà xác bệnh viện 175 để lấy mẫu mô của các nạn nhân. 60 xác chết bị lửa thiêu biến dạng nên rất khó khăn trong việc nhận dạng, có xác chỉ còn là nắm xương cháy đen. Sau này có thêm đồng chí Hà Quốc Khanh, Phó phòng từ Hà Nội, tăng viện. Ba người cùng nhau làm việc ròng rã suốt 4 ngày. Lúc đầu, tổ công tác định lấy mẫu tóc, thế nhưng nhiều người bị cháy hết tóc, tế bào bị biến dạng do nhiệt. Vì thế, họ phải lấy mô ở lồng ngực hoặc xương đùi mới đủ mẫu để phục vụ công tác giám định.

Tổ công tác tiếp tục vật lộn với số mẫu mô ấy hơn một tháng mới xác định và đưa ra kết luận được ADN của 60 người đã chết. Kết quả, 60 thi hài các nạn nhân được đưa về đúng địa chỉ.

Phương pháp giám định ADN đặc biệt phát huy tác dụng trong các vụ án hiếp dâm trẻ em. Từ các mẫu máu thu được tại hiện trường và các mẫu máu lấy từ kẻ tình nghi, tổ giám định đã lôi cổ được rất nhiều con "yêu râu xanh" ra trước vành móng ngựa để trừng trị trước pháp luật.

Năm 2002, Vũ Hoàng Dũng ở Đồng Nai quan hệ với cháu P. khi cháu chưa tròn 16 tuổi.  Phát hiện cháu P. có thai được 17 tuần, gia đình cháu đã đến nhà Dũng để bàn hướng giải quyết. Tên Dũng và gia đình trở mặt. Quá uất ức, gia đình cháu P. đã tố cáo đến cơ quan Công an. Anh em Viện Khoa Học Hình sự lại phải vào cuộc. Các anh đã phối hợp với Công an Đồng Nai vào Bệnh viện Phụ sản chờ lấy mẫu bào thai để giám định ADN. Kết quả giám định bào thai mà cháu P. mang chính là con đẻ của tên Dũng. Đến khi đó, quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội "giao cấu với trẻ vị thành niên" mới được ký và tên Dũng hết đường chối tội.

Mới đây, A., một nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, có vợ rồi nhưng vẫn quan hệ lăng nhăng với một cô gái tên H. Năm 2002, cô H. sinh một cậu con trai. Nghĩ về tương lai của đứa con, H. đã không yêu cầu A. cưới cô mà chỉ mong sao A. có trách nhiệm với đứa con ruột của mình. Thế nhưng A. từ chối và cho rằng cháu bé không phải là con của mình. Cô H. đành phải nhờ đến cơ quan pháp luật. Ngày 1/10 vừa qua, Viện Khoa học Hình sự đã có kết luận đứa trẻ đó chính là con ruột của nghệ sĩ nhiếp ảnh A.

Không riêng nghệ sĩ A. mà Viện Khoa học Hình sự đã từng khui ra nhiều ông bố chối bỏ trách nhiệm. Ngược lại, có nhiều nỗi oan của cánh mày râu mà chỉ có các giám định viên mới minh oan được cho họ. Đó là một trường hợp ở Cần Thơ. Một cô gái chưa chồng nhưng có thai, gia đình tố cáo lên cơ quan Công an. Khi được hỏi, cô gái khai ra tới 4 ông hàng xóm, cả 4 vị hàng xóm được mời lên lấy mẫu mô để thử ADN. Sau khi Viện Khoa học Hình sự giám định và đưa ra kết luận cả 4 ông hàng xóm đều không phải là cha của đứa trẻ trong bụng cô gái kia thì cả 4 ông hàng xóm mới thở phào.

Hầu hết các giám định viên ở Tổ giám định sinh học đều được đào tạo cơ bản về sinh học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), sau đó được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài để tiếp nhận công nghệ mới. Hàng ngày, anh em phải tiếp xúc với các mẫu máu, mẫu phủ tạng người và những loại hóa chất độc hại như Benzidin (với loại hóa chất này, chỉ sơ sẩy là bị triệt sản ngoài ý muốn ngay). Trong khi đó, chế độ bồi dưỡng độc hại như hiện nay rất khó để họ có thể cải thiện sức khỏe

Thanh Hải - Minh Thúy
.
.
.