Khắc họa chân dung ai?

Thứ Ba, 16/11/2004, 20:30

"Khắc họa chân dung" là một gameshow ăn khách của Truyền hình Hà Nội (HTV). Thoạt nghe, đây là một chương trình lành tính và cần được nhân rộng. Nhưng không hẳn vậy. Chân dung của chương trình là ca sĩ thị trường. Các đội chơi khắc hoạ họ bằng cách bắt chước những điệu nhảy, cử chỉ của họ và hát theo những bài hát không phải ai cũng muốn nghe.

Trong mỗi chương trình, HTV sẽ chọn một gương mặt ca sỹ của dòng nhạc trẻ để khán giả "vẽ" chân dung. Bước đầu tiên là người dự thi sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến lý lịch trích ngang của ca sỹ như:  tham gia ca hát từ khi nào, ra bao nhiêu album hay  theo dòng nhạc nào…

Tiếp theo, các đội dự thi sẽ tham gia một phần thi tạm gọi là "bắt chước thần tượng xem ai giống ca sỹ nhất", tức là tập nhảy múa theo các ca sỹ trong băng hình.

Một phần tiếp sau, cả 3 đội phải hát theo ca sỹ một bài hát. Nếu ai hát không đúng, không giống ca sỹ mà họ đang "khắc họa" sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và không được điểm… Với những phần thi này, khán giả sẽ thu lượm được những gì để tạm gọi là kiến thức âm nhạc?

Với đa số các câu hỏi về ca sỹ, người chơi sẽ trả lời một cách dễ dàng. Nhưng với dòng nhạc mà ca sỹ đang theo đuổi, quả là khán giả đôi khi rất khó khăn để nói chính xác. Mà ngay chính các ca sỹ được mời để "khắc họa" cũng không mấy tự tin khi nói về dòng nhạc của mình.

Đơn giản như Hồng Ngọc, thời gian gần đây, cô nói đang theo đuổi dòng nhạc hip - hop. Thế nhưng, cô có thực sự hát được hip - hop, có đọc rap được hay không? Việc cô chọn một bản tình ca sâu lắng và trữ tình của Nga là Triệu bông hồng để "hip - hop hoá" là một sai lầm rất rõ ràng. Và cái "tài sản" hip - hop của Ngọc cũng chỉ bấy nhiêu đó. Bởi vì không phải cứ hú hét, cứ nhảy breakdance là thành hip-hop. Cô vẫn hát Triệu bông hồng theo kiểu tình ca, vậy thì kiểu tóc tết cứng, áo thụng, quần tụt và dàn múa phụ họa của cô phỏng có ích gì? Làm sao những người am hiểu âm nhạc có thể công nhận đó là hip - hop?

Từ sự thật trên cho thấy, các ca sỹ trẻ hiện nay đang chạy theo trào lưu, từ pop sang rock, rồi gần đây là loạn nhịp hip - hop… mà thiếu một tư duy sâu, một nền tảng vững chắc về dòng nhạc mà mình đang theo đuổi. Về sự nghiệp, họ chỉ là những ca sỹ trẻ mới vào nghề được vài năm. Không ít trong số này nổi tiếng không phải vì thực lực mà nhờ công nghệ lăng-xê.

Với những điều đã nói về các ca sỹ trẻ, vậy thì những phần thi sau có cần thiết nữa hay không? Bởi vì tại sao lại có phần thi bắt chước những điệu nhảy, những cử chỉ của các ca sỹ trên sân khấu khi chính những ca sỹ đó phong cách còn chưa ổn định, nếu không muốn nói là chưa định hình? Tại sao lại bắt những người chơi phải bắt chước đến mức sao chép các ca sỹ trẻ, trong khi nghệ thuật biểu diễn luôn cần sự sáng tạo?

Việc bắt các đội chơi phải hát cùng và hát giống ca sỹ mà họ "khắc họa" là một việc rất thiếu sáng tạo. Xem phần này khiến người ta liên tưởng tới việc ca sỹ đang luyện bài cho các fan của mình để họ đi cổ vũ tại các chương trình ca nhạc và nhận được quà tặng. Đó là chưa kể đến việc các ca sỹ vẫn chọn các ca khúc não tình để bắt người chơi hát cùng mình, như một cách lăng-xê các bài hát đang "nóng" trên thị trường ca nhạc.

Thời gian qua, truyền hình là một kênh lý tưởng để các ca sỹ trẻ tiếp cận với công chúng cả nước. Thế nhưng, qua đó cũng thấy rõ một điểm yếu, nhiều ca sỹ còn rất non nớt và không hề có sự sáng tạo ở lần xuất hiện sau so với lần trước. Vậy thì có cần dành quá nhiều thời gian trong ngày cuối tuần để buộc khán giả phải xem HTV "khắc họa" chân dung họ như vậy không?

Nếu so các ca sỹ này với những nghệ sỹ của nhân dân, đã gần trọn một đời ca hát cho người lao động thì thật khập khiễng. Nhưng nêu ra để thấy rằng, các ca sỹ trẻ còn cả một chặng đường dài để phấn đấu, để tăng độ dày trên hành trang nghề nghiệp. Để khi đó, những người làm chương trình cũng dễ tìm được những điểm nhấn đáng nhớ, những đóng góp của họ cho âm nhạc Việt Nam hơn là để khán giả khắc họa. 

Chúng ta còn quá nhiều nhân vật, những người đang thầm lặng góp nhặt những mầm thiện, gom những điều tốt đẹp còn đang ẩn khuất trong cuộc đời này. Họ hoàn toàn xứng đáng được dành khoảng thời gian quý báu này để khắc họa. Còn các ca sỹ, hãy để họ hát trên sân khấu và sống trong đời thường một cách chân thật nhất. Đó là một cách "khắc họa" sáng tạo của đời sống mà khi nhìn vào sự nghiệp của họ, bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ gật đầu

Tùy Phong
.
.
.