Đường dây làm giả hồ sơ chiếm đoạt tiền BHXH ở Gia Lai:

Hơn 1 năm chưa bị xử lý

Thứ Ba, 16/11/2004, 22:10
Từ những giấy ra viện khống do y, bác sĩ ở 7 trung tâm y tế và 4 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai cấp, gần 300 đối tượng không đủ điều kiện đã được hưởng chế độ BHXH và nhận của Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Vụ việc đã được phát hiện từ tháng 8/2003, nhưng đến nay vẫn rơi vào… lãng quên?

Quyết định 60 ngày 1/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định tiêu chuẩn những người được hưởng chế độ mất sức lao động dài hạn và Công văn số 739, ban hành ngày 2/8/1997 của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, quy định tiêu chuẩn những trường hợp được giới thiệu đi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động để được hưởng trợ cấp mất sức lao động dài hạn.

Để đảm bảo hồ sơ hưởng chế độ mất sức lao động, một số người đã tìm cách "phù phép" thủ tục giấy ra viện dù rằng họ không hề nhập viện vì ốm đau... Để tiếp tay cho những việc làm sai trái ấy, một số cán bộ y tế đã cấp hàng trăm giấy ra viện khống để cho những kẻ cơ hội làm hồ sơ giả nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Cụ thể là Quân y 211, cấp 43 giấy ra viện khống, Bệnh viện 331 cấp 81 giấy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp 12 giấy, Trung tâm y tế huyện Kbang cấp 84 giấy, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cấp 28 giấy, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cấp 12 giấy, Trung tâm Y tế thị xã An Khê cấp 17 giấy… Từ tổng số 290 giấy ra viện khống này, các cá nhân đã được giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa Gia Lai để giám định lại sức khỏe và hợp lý hồ sơ để chiếm đoạt tiền chế độ chính sách BHXH.

Từ năm 1999 đến năm 2003, BHXH tỉnh Gia Lai đã có quyết định cho hưởng chế độ mất sức lao động dài hạn đối với 290 người với tổng số tiền Nhà nước đã bị chiếm đoạt trái phép tính đến tháng 11/2003 là  gần 1.920 triệu đồng. Trong đó phần lớn là những cán bộ, công nhân ở các công, nông, lâm trường trước đây đã được giải quyết chế độ nghỉ việc. Đến nay, tính bình quân, mỗi tháng, số người trên đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Điều đáng nói là vụ việc trên đã bị phát hiện từ tháng 8/2003 và ngày 20/11/2003, Công an Gia Lai đã có văn bản đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiếp tục phát hiện và làm rõ những sai phạm trong lĩnh vực này, nhưng xem ra vụ việc trên vẫn đang chỉ dừng lại ở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với ngành Y tế và cơ quan BHXH.

Ngoài những sai phạm đã bị cơ quan chức năng phát hiện nói trên, hiện nay, ở Gia Lai còn có 1.336 người đang được hưởng chế độ BHXH nhưng trong số họ, có một số người có nhiều nghi vấn vẫn chưa được làm rõ. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Tại sao việc xử lý vụ việc nêu trên chậm được tiến hành?

Ngọc Như
.
.
.