Hai người nông dân xuất ngoại, "học mót" công nghệ

Thứ Hai, 15/11/2004, 10:04

“Trong mấy tháng mà anh em tôi mỗi người đóng hết hai quyển hộ chiếu để... đi Tây liên tục. Ra Nội Bài đi “tàu bay”, anh nào cũng xách catáp nghiêm chỉnh, đến nỗi bao nhiêu người đồn thổi anh em chúng tôi đi buôn ma túy. Làm trang trại ma túy thì bỗng chốc mới giàu có thế chứ”, anh Sắc kể về chuyện sang Thái học nghề của mình.

Anh Hồ Quang Sắc (45 tuổi), người gốc xã Thạch Bàn, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Học xong trung cấp vẽ bản đồ, anh đôn đáo chạy ra buôn phụ tùng xe máy rồi cùng với anh Đặng Ngọc Lý, vốn là bạn cùng quê, mở một công ty trách nhiệm hữu hạn với số vốn cỏn con tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Độ Tiger Cup được tổ chức ở Thái Lan cách đây vài năm, hai anh em cùng bạn bè mỗi người bỏ ra 5 triệu đồng chơi trội sang Thái Lan xem bóng đá tận mắt cho oách.

Nhờ sự mách bảo của Việt kiều bên đó, hai anh đóng giả người Thái đi xem, ngó đủ trang trại bò sữa, cá sấu, lợn siêu nạc, ba ba, ếch, rùa, rắn... Đặc sản gì cũng thấy họ nuôi rồi bán cả tạ, cả tấn như không ấy. Đêm về, anh Lý buột miệng: “Các trang trại ở Việt Nam có khi 50 năm nữa mới tiến kịp người Thái”. Anh Sắc lẩm bẩm: “Sao mình không học tập họ nhỉ?”.

Thế là công việc “học lỏm” của hai anh "nông dân" tinh ranh bắt đầu. Anh em Việt kiều bảo, nhiều người Việt Nam đi tham quan mô hình của Thái Lan toàn đi tàu bay rồi ở lì trong khách sạn, chỉ ngó nghiêng qua quýt mấy khu trang trại mà người ta bố trí đón tiếp sẵn. Đi như thế thì chẳng ai người ta hở cho tí bí quyết độc đáo nào cả. Về nước, sau một tháng nung nấu ý chí, hai anh em mua vé máy bay đi từ Nội Bài sang Băng Cốc. Đóng giả người Thái đi ôtô 200km nữa đến một khu trang trại, đăng ký xin làm công nhân phục vụ. Lương bao nhiêu cũng được.

Ba ba con.

Họ làm thuê khắp 10 tỉnh, hết tỉnh này đến tỉnh khác, mỗi ngày làm quần quật 12 tiếng đồng hồ. Anh Lý bảo: “Họ trả lương 100USD/tháng, tôi nhận, mà làm không lương tôi cũng OK. Dần dần, tôi nói được tiếng Thái, và còn gạ gẫm họ kiếm một chiếc camera nhỏ xíu gắn vào áo của họ để... quay trộm. Tôi cũng chơi với các đại lý gây tảo ở bên đó (cấy tảo phục vụ cho kỹ thuật chăm sóc ao ba ba) để lấy manh mối.

Anh Sắc góp lời: “Nếu tính tiền “mua” công nghệ này thì chúng tôi phải bỏ ra cả tiền tỉ chứ chẳng ít đâu. Mỗi thằng bọn tôi có 2 căn nhà đều đem thế chấp ngân hàng hết để vay tiền cơ mà. Bọn tôi làm thuê rất... nỗ lực, tôi nói tiếng Thái đến mức khi tiếp tục sang Malaysia, sang Singapore “học mót”, chẳng cần người phiên dịch sang tiếng Việt. Anh em cứ bảo tôi là người Thái.

Anh kể tiếp: "Khi bọn tôi bắt đầu áp dụng công nghệ “mót” được vào vườn ao nhà mình cũng rất căng. Lấy đâu ra vốn? Để tháo gỡ, tôi đã làm khoảng 10kg hồ sơ, chạy vạy vay đủ chỗ, đủ nơi trong một thời gian dài mà không ngân hàng nào cho vay tiền”.

Chuyên gia nước ngoài làm thuê cho nông dân Việt

Hai người bàn nhau, mời chuyên gia Thái Lan, Malaysia về Hà Tĩnh để họ tập huấn kỹ thuật một thời gian. Giá thuê chuyên gia nước ngoài về tận "quê mình" nuôi ếch, nuôi ba ba  quả là đắt đỏ và hình như cũng chưa thấy ai nói tới ý tưởng này bao giờ. Hai anh lo lắm.

“Nhưng - anh Lý nhấn mạnh - kinh doanh không thể là một canh bạc được, sự táo bạo nào cũng phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình hình, phải biết mình, biết ta”. Đầu tiên, họ đem mẫu đất mẫu nước vùng ven thị xã Hà Tĩnh lên Viện Thủy sản nhờ người ta xét nghiệm xem có phù hợp với cái anh ba ba Thái Lan không. Tốt, yếu tố “địa lợi” ủng hộ. Tiếp theo là thuê luôn 5.000m2 đất của bà con làm trang trại, mỗi sào trả người ta số tiền trị giá 360kg/thóc/năm.

Đau đầu nhất là khâu thuê chuyên gia, với giá 45 triệu đồng tiền lương/tháng. Thuê hai ông hẳn hoi. Rồi lại quyết định cắn răng bỏ 700 triệu đồng, mua một lúc 1.000 con ba ba giống đem từ Thái Lan về Việt Nam bằng đường hàng không! Phải thành lập một công ty đàng hoàng. Ba anh em Lý, Thanh, Sắc nên đặt là Công ty cổ phần Lý - Thanh - Sắc.

Công ty ra đời vào ngày 15/2/2001. Trụ sở nuôi ba ba đặt tại vùng ruộng trù phú của xóm Văn Phú, xã Thạch Phú, thị xã Hà Tĩnh. Những thông tin táo tợn này khiến nhiều người, trong đó có cả vợ con các anh cũng... hoảng hồn. Thật sự khó có ai tin họ sẽ thành công. Thậm chí khi doanh thu của Công ty lên tới 6 tỉ vào năm 2003 và tháng 11/2004 này, hai anh Lý, Sắc đã lãi ròng tiền tỉ với 1 vạn con ba ba bố mẹ giống gốc, và đã bỏ một lúc tới 7 tỉ đồng đầu tư nuôi ba ba và ếch (theo như lời họ công bố) mà nhiều người vẫn còn... nghi ngờ.--PageBreak--

Việc lăn lộn ghi chép “học lỏm” công nghệ của hai anh Lý - Sắc đã là một kỳ công. Nhưng khó vậy, vẫn chưa bằng ý tưởng thuê người Thái Lan, người Malaysia về làm trang trại cho mình. Ngồi trong chiếc xe ôtô biển số của Lào, anh Sắc bấm máy di động nói tiếng Thái với mấy ông chuyên gia tận bên Thái Lan cứ lem lẻm.

Hai ông ấy, theo tài liệu giới thiệu của công ty là: “chuyên gia Thái Lan, Mr. Manak và chuyên gia Malaysia Mr. Vel. Anh Sắc kể: Ông ăn lương cao nhất 3.000USD/tháng, anh em chỉ dám thuê khoảng... 6 tháng, kẻo “không chịu được nhiệt”. Có ông lấy giá rẻ hơn thì lại không giỏi bằng. Các chuyên gia mà hai anh đã “mời”, họ nể lắm, họ nhận trợ giúp kỹ thuật “chỗ anh em với nhau thôi” - thế mà lương đã "rát ruột" vậy đấy.

Đó là chưa kể, nhiều khi, điều kiện chuồng ao, trang trại chỗ ở các anh kém quá, bác “chuyên gia nước ngoài” yêu cầu phải ở khách sạn đầy đủ tiện nghi làm anh em cũng... méo mặt.

Chăm sóc ba ba giống.

Khát vọng trợ giúp bà con cả nước làm kinh tế trang trại

Lúc đầu sự mày mò làm kinh tế của hai anh nông dân Lý, Sắc có lẽ chỉ với mục đích kiếm sống, rồi làm giàu cho gia đình. Nhưng bây giờ thì cũng chưa hẳn thế, vì mấy năm qua, anh em chưa thu một đồng nào bỏ túi cả, lãi mẹ đẻ lãi con bao nhiêu, họ đầu tư hết vào vườn ao, chuồng trại và con giống.

Với anh Lý, những thông tin thiếu khách quan và mang tính... quảng cáo cho mấy ông kinh doanh con giống làm hại người nuôi ba ba gần đây trên tờ báo X. (anh cầm trong tay) là rất thiếu lương tâm. Người ta bảo, chỉ nuôi 4-5 tháng là ba ba cho “thu hoạch”, thế là nói nói càn. Anh lấy giống ba ba gốc bố mẹ từ Thái Lan về, mà cũng phải nuôi hơn một năm trời cơ mà. Họ chỉ bù lu, bù loa quảng cáo cốt bán giống thu lời rồi sống chết mặc bay.

Theo nhiều chuyên gia, trang trại ba ba của Công ty cổ phần Lý - Thanh - Sắc là trang trại ba ba lớn nhất miền Bắc. Với cả 1 vạn con ba ba bố mẹ, bây giờ, trung bình mỗi ngày họ xuất cho thị trường Hà Nội, Thanh Hóa... vài tấn ba ba thương phẩm. Mấy chục tỉnh thành, bà con đã sử dụng con giống của công ty này. Họ đã cung cấp hàng ngàn bộ tài liệu do chính họ viết về kỹ thuật nuôi ba ba, nuôi ếch “siêu lợi nhuận” phục vụ hàng vạn người đến tham quan, học hỏi.

Công thức họ đưa ra cho bà con nông dân cũng rất cởi mở: Với thời gian nuôi từ 12 đến 15 tháng, 100 con ba ba được nuôi trên diện tích 30m2 mặt hồ làm đúng quy cách và công nghệ của Lý - Thanh - Sắc, bà con sẽ thu lãi ròng 10 triệu đồng/năm. Một hồ lãi 10 triệu đồng! Họ còn chua thêm, rất kỳ diệu và hấp dẫn, “một công nhân có thể chăm sóc được 40 hồ như thế”! Họ lên hẳn VTV2 - Truyền hình Việt Nam hướng dẫn bà con cách chọn giống ba ba.

Hai anh đang kỳ vọng vào sự cất cánh “siêu tốc” trong việc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho bà con nông dân từ con... ếch nhập tận Thái Lan. Anh em đã đầu tư tiền tỉ vào con ếch.

Mỗi lần vào Hà Tĩnh thăm trang trại 7 tỉ của mấy ông nông dân chính hiệu ấy, tôi lại nhớ đến cái tích xưa của dân tộc. Rằng ông Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan ngày xưa đi sứ Tàu, thấy nước họ có giống “ngọc mễ” (ngô quý) thượng thặng, ông bèn lén nhét vào “chỗ bí mật” vài hạt về làm giống cho quốc dân đồng bào...

.
.
.