Thay áo mới cho vùng đất hoang vu

Thứ Bảy, 17/02/2018, 09:46
Tại bán đảo cực Nam của Tổ quốc, “Cánh đồng chó ngáp” ngày trước là một vùng đất hoang vu, nhiễm phèn, nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Nay, phần lớn diện tích cánh đồng này nằm ở 2 huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu). 


Thế nhưng, từ tầm nhìn chiến lược về vùng đất giàu tiềm năng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo cho đào các tuyến kênh rạch theo thế bàn cờ để dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu đi vào “Cánh đồng chó ngáp” rửa phèn, làm ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau.

Kế sách góp phần tạo ra một hệ thống giao thông vận tải đường thủy đi lại và trao đổi hàng hóa thuận lợi. Cộng với quá trình lao động, sáng tạo của người nông dân, giờ đây vùng đất này là vựa tôm, lúa của cả nước, nhiều hộ gia đình giàu có, làm thay đổi diện mạo vùng đất một thời gian khó.

Để giải thích tên gọi “Cánh đồng chó ngáp”, nhiều bậc cao niên ở đây cho rằng, do trước đây là vùng đất rộng hàng chục ngàn héc-ta, thẳng cánh cò bay, xa ngút ngàn tầm mắt chỉ có cỏ năn tươi tốt, trụ vững giữa phèn úa... mỗi khi chó chạy mải mê bắt chuột lạc vào không biết đường ra, nhiều người đi đánh cá, len (thả) trâu ở giữa đồng cỏ hoang đã phát hiện nhiều con chó lè lưỡi, thở phì phò, ngáp ngắn dài mà không biết đường về nhà; thậm chí, có nhiều con chết mục xương vì đi lạc vào vùng người dân vây đốt giữa chiến lũy cỏ năn…

Nông dân Trần Văn Tương bên mô hình nuôi cá sấu của gia đình.

Nhớ lại thời điểm khó khăn của vùng đất này, lão nông Phạm Cao Hồng (70 tuổi, ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A), kể: “Trước đây, bà con trong vùng chỉ sống bằng nghề chăn trâu mướn cho những điền chủ ở các tỉnh lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng... khi vụ lúa đã gặt xong, họ cho trâu nghỉ ngơi và dưỡng sức nên mang qua xứ này thuê chăn hộ vì đồng cỏ mênh mông. Song song đó, diện tích đất trống bà con trồng trúc để đan cần xé, thúng... bán cho thị trường lúc bấy giờ. Chỉ khi có kênh dẫn nước vào đồng thì vùng đất này mới phát triển từ cây lúa, con tôm”.

Chúng tôi đã tìm gặp ông Võ Văn Út (Út Nhỏ), nguyên Bí thư Huyện ủy Hồng Dân. Ông Út Nhỏ là người góp công tái tạo, đưa giống lúa mùa Một Bụi Đỏ xuống vuông tôm, khởi xướng phong trào nuôi cá sấu, cá bống tượng… đặc biệt là ươm giống con cá chình từ bể xi măng. Từ đó, tạo đà để “Cánh đồng chó ngáp” thay “áo” thành cánh đồng lúa có năng suất, chất lượng gạo ngon, đưa đời sống nhân dân thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Tiếp chuyện với chúng tôi ở căn nhà nằm sâu trong con đường nông thôn, ông Út Nhỏ hào hứng với đề tài làm nông nghiệp ở vùng đất khó. Ông kể, khi còn đương chức, trong những lần thực tế ở từng xóm, ấp, từng hộ nông dân, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của nhiều cán bộ cơ sở và nông dân giỏi… ông Út Nhỏ cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện Hồng Dân bấy giờ, luôn ấp ủ khát khao phải làm sao phát triển được vùng đất khó khăn này.

Sau nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, tận mắt chứng kiến một vài lão nông tri điền ở các xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Ninh Hòa... trồng được giống lúa Một Bụi Đỏ trên đất phèn, mặn đạt hiệu quả, nhiều hộ đạt năng suất 5 tấn/ha, một chuyện lạ chưa từng có trên cánh đồng này.

Năng suất là vậy, nhưng chất lượng của giống lúa mới chưa đạt. Ông Út Nhỏ đã khăn gói tìm chuyên gia, bàn chuyện với người nông dân để sản xuất thử nghiệm nâng cấp chất lượng giống lúa cho gạo đặc sản. Kết quả, sau nhiều lần thử nghiệm, giống lúa Một Bụi Đỏ cho cơm trắng, dẻo, thơm ngon, bổ dưỡng hơn trước và được nhân rộng toàn huyện. Giờ đây, nhiều xã trong huyện Hồng Dân đã có hơn 60% số hộ khá, có hàng trăm hộ giàu lên nhờ mô hình lúa - tôm, nông dân không còn cảnh nghèo khổ như trước nữa.

Mỗi độ Xuân về trên “Cánh đồng chó ngáp”, luôn rộn ràng tiếng cười vui hạnh phúc. Câu chuyện về cây lúa - con tôm làm đổi đời người nông dân nơi đây bao giờ cũng là những câu chuyện thu hút nhất. Diện mạo nông thôn đã thay đổi, ngập tràn sắc xuân của làng quê trong niềm vui no ấm đang ngự trị trong mỗi gia đình nông dân.

Nay “Cánh đồng chó ngáp” được biết đến là một vùng quê có nhiều tỷ phú nhà nông. Nhiều hộ không chỉ xây nhà khang trang, mà còn mua sắm xe máy đắt tiền để làm phương tiện đi lại… Người nông dân nơi đây sản xuất nông nghiệp theo xu thế chung của đất nước, toàn huyện đã xây dựng và phát triển 17 HTX, 141 tổ hợp tác với hơn 6.000 thành viên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển bền vững.

Trần Lĩnh
.
.
.