Tây Nguyên đang khô khát vì... nắng hạn

Thứ Hai, 07/03/2016, 08:59
Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều vùng đất ở Tây Nguyên vẫn chưa có hạt mưa nào đổ xuống. Trong khi đó, hàng ngàn hécta cà phê, tiêu, điều, lúa… đang dần chết rũ, nguy cơ một vụ mùa thất bát đang hiện hữu trước mắt…

Những ngày đầu tháng 3-2016, chúng tôi có mặt tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông trong cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, dọc hai bên đường là hàng trăm hécta tiêu, cà phê... của người dân đang dần héo úa vì nắng hạn.

Đang loay hoay nạo vét bùn để mót những giọt nước cuối cùng giữa lòng hồ, ông Y Ba Kpơr (45 tuổi, trú tại buôn Buar, xã Tâm Thắng) vẻ mặt buồn rầu cho biết: “Những năm trước đây, dù hạn hán có xảy ra nhưng chưa năm nào khốc liệt như năm nay. Cả tháng nay rồi, không chỉ tôi mà rất nhiều người dân phải túc trực tại lòng hồ để vét bùn, tạo dòng chờ nước mạch rỉ ra để vớt vát ít nước cứu vườn cây. Cứ đà này một hai tuần tới mà không có mưa, chắc chắn vườn cà phê sẽ chết khô”.

Không riêng gì gia đình ông Y Ba Kpơr, mà hàng trăm hộ dân ở huyện Cư Jút cũng đang nóng lòng đợi mưa vì những giếng nước của họ đang dần bị cạn khô. 

Anh Y Minh HĐơk (42 tuổi, Trưởng buôn EaPô) cho hay: “Để cứu vườn cà phê gần 1ha, tôi phải đi vay ngân hàng hơn 20 triệu đồng về khoan giếng. Giếng khoan sâu 100m hết gần 30 triệu đồng, nhưng nước cũng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Nhìn vườn cây đang bị khô cành, dần chết héo mà xót hết cả ruột”. 

Cũng như gia đình anh Y Minh HĐơk, gia đình chị HThương (32 tuổi, trú buôn Trum) cũng đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để khoan giếng cứu vườn cây. “Sau khi bỏ ra hơn 20 triệu đồng khoan một giếng nhưng không có nước, tôi phải thuê khoan thêm giếng thứ hai để cứu hơn 1,5ha cà phê và tiêu. Sau hơn 5 ngày, giếng khoan đã hơn 80m nhưng vẫn chưa thấy nước đâu. Biết là tốn kém nhưng không cách nào khác hơn, còn nước thì còn tát chú à”, chị HThương than thở.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tình hình khô hạn cũng đang diễn ra khá khốc liệt. Nhiều nơi người dân không chỉ không còn nước tưới tiêu, mà đến cả nước sinh hoạt cũng phải chắt chiu từng chút. Tại xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, đã gần 2 tháng nay, hơn 300 hộ dân không còn nước để dùng, giếng chỉ còn trơ đáy. Để có nước dùng, nhiều hộ phải đi hàng chục cây số mới xin được nước. 

Ông Y Si Thắt Ksor, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, từ giữa tháng 2-2016, hơn 200 giếng nước trong xã đột nhiên bị cạn trơ đáy, đến đầu tháng 3 thì hơn 300 hộ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều hộ dân bỏ hàng chục triệu đồng để khoan, đào thêm giếng nhưng cũng chẳng ăn thua… Để cầm cự, nhiều người phải san sẻ từng can nước để dùng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Cư Jút, đến thời điểm này đã có 423 hộ dân với khoảng 240ha cây trồng các loại bị thiệt hại do hạn hán. 

Một công trình thủy lợi cạn trơ đáy ở Đắk Nông.

Ông Vũ Xuân Quyết, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, trong số những hộ bị thiệt hại do hạn hán đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn. 

“Do xác định từ đầu là năm nay hạn hán sẽ diễn ra khốc liệt, kéo dài nên UBND xã đã khuyến cáo bà con không trồng lúa nước mà tập trung nguồn lực cho các loại cây công nghiệp dài ngày vì đây là cây trồng chủ lực. Nhưng với tình hình hạn hán như thế này, nguy cơ nhiều người mất trắng vườn cây là khó tránh khỏi”, ông Quyết cho hay.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay: “Trước mắt, cần cứu ngay những diện tích cây trồng có nguy cơ bị chết trắng. Về lâu dài, giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng trạm bơm lấy nước từ sông Sêrêpốk trung chuyển về những nơi hạn nặng trong thời gian sớm nhất để bảo đảm nguồn nước chống hạn cho bà con”. 

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên dự báo, trong thời gian cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2016, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhiệt độ tiếp tục có xu hướng tăng và một số ngày sẽ xảy ra nắng nóng khá gay gắt. Do đó, mức độ hạn hán, thiếu nước sẽ còn tiếp tục trong những tháng tiếp theo.

Có thể nói, những nỗ lực chống hạn của chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Nhưng những biện pháp, giải pháp lâu nay ở các địa phương Tây Nguyên chỉ là tình thế tạm thời. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa của Trung ương đối với Tây Nguyên trong cuộc chiến “sống chung với hạn” như ở đồng bằng sông Cửu Long người dân “sống chung với lũ”, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định cho vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí chiến lược quan trọng này.

Văn Thành
.
.
.