Ông chủ đồ gốm bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt làm địa lan Nhật

Thứ Ba, 16/02/2016, 14:32
Từng là ông chủ có tiếng trong một gia đình có nhiều đời làm nghề gốm xứ xuất khẩu từ trước năm 1975, năm 2005, ông Lý Phú Hiếu (62 tuổi), từ biệt Sài Gòn, bỏ nghề gốm sứ lên thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) thuê đất lập trang trại trồng hoa địa lan Nhật.

Tay ngang làm hoa cao cấp

Ông Lý Phú Hiếu đưa chúng tôi ra thăm trang trại địa lan Nhật đang vào mùa hoa Tết. Hàng chục loại địa lan được thị trường ưu chuộng với những màu sắc khác nhau đua nở, báo hiệu một mùa hoa địa lan Tết bội thu ở trang trại này. Mấy ai biết rằng, ông chủ sở hữu trang trại hoa địa lan đẹp như trong tranh hiện nay lại là người trước đó chưa từng biết đến nghề làm nông ngang dọc thế nào. Ông Hiếu kể, gia đình ông thuộc diện khấm khá ở Sài Gòn vì gia đình nhiều đời có truyền thống làm gốm xứ xuất khẩu. Trước khi bén duyên với Đà Lạt, công việc của ông hằng ngày là quản lý công nhân, ký kết hợp đồng làm ăn với các đối tác, chưa bao giờ phải chịu cảnh “chân lấm tay bùn”.

“Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, đầu năm 2005, sau khi xem sự kiện Festival hoa trên truyền hình, tôi quyết định lên Đà Lạt đầu tư trồng hoa. Loài hoa tôi ưa thích và hướng tới đầu tư, sản xuất là địa lan”-ông Hiếu chia sẻ. Tìm lên vùng đất Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, ông Hiếu thuê dài hạn được 2.000m2 đất, bỏ gần 1 tỷ đồng ra đầu tư nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo rộng, thoáng, lắp đặt các trang thiết bị tự động điều chỉnh nhiệt độ bên trong nhà kính để phù hợp với đặc thù của các loài địa lan. Trong thời gian chờ hoàn thành nhà kính và nguồn giống hoa nhập về, ông Hiếu chạy khắp nơi tìm mua các loại sách hướng dẫn về trồng, chăm sóc địa lan, đồng thời lên mạng tìm hiểu thông tin về loài hoa này. “Lý thuyết tôi rất vững vì dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về các loại địa lan nên khi nhập được giống về đưa ra trồng tôi khá tự tin. Thế nhưng, mọi chuyện không như tôi nghĩ!...”.

Những lứa hoa địa lan Nhật đầu tiên liên tiếp gặp thất bại vì cây phát triển còi cọc, chết yểu, xuất hiện nhiều loại bệnh, thua lỗ đã trên 1 tỷ đồng. “Có thời gian dài tôi ngao ngán, cứ nhìn ra phía trang trại là gần như mất hết nghị lực để làm việc vì địa lan rất tệ, thua lỗ ê chề. Nhưng rồi tôi đã lấy lại niềm tin khi đặt ra câu hỏi so sánh tại sao nhiều người làm địa lan rất tốt mà mình lại phải chịu thất bại?. Cũng trong thời gian này, tôi gặp lại người bạn năm xưa ở Sài Gòn, anh là Đỗ Mạnh Trung, một kỹ sư nông nghiệp. Nghề trồng hoa địa lan của tôi đã thay đổi từ ngày đó!...”-ông Hiếu kể.

Được sự hỗ trợ kỹ thuật của kỹ sư Đỗ Mạnh Trung cùng với những bài học đắt giá từ thực tế trồng địa lan, ông Lý Phú Hiếu đã lấy lại niềm tin, tiếp tục mạnh dạn đầu tư trồng địa lan. Tiếp đó, ông Lý Phú Hiếu lại được một số chuyên gia về địa lan của Nhật Bản hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bản quản…rất tỉ mỉ. Được trồng, chăm sóc đúng quy trình, nông trạng địa lan của ông Lý Phú Hiếu phát triển đều dăm dắp, ông Hiếu lại nhập thêm nhiều giống địa lan mới lạ từ Nhật về gieo trồng. Đến nay, trang trại này đã có cả chục loại địa lan Nhật đang được thị trường ưa chuộng như địa lan vàng hoàng hậu, xanh ngọc thơm, tránh ngọc, xanh hải yến, vầng trăng… cùng hàng nhiều loại cây lá trang trí.

Lãi trên 1 tỷ đồng mỗi năm

Bây giờ thì ông Lý Phú Hiếu đã sở hữu một trang trại hoa địa lan rộng 1,2ha, toàn bộ được trồng trong nhà kính hiện đại, được đầu tư lên tới 500 triệu đồng/sào. Ngoài trang bị hệ thống tưới siêu nhỏ giọt trực tiếp vào từng gốc địa lan, trang trại hoa này còn được lắp đặt máy đo nhiệt độ. Khi nhiệt độ trong nhà kính vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì hệ thống phun sương làm mát cho hoa sẽ tự động hoạt động. Đồng thời lớp lưới đen cũng mở rộng ra che mát cho hoa. Toàn bộ mặt đất được trải lên một lớp đá sỏi nhỏ. Địa lan ở nông trại này được trồng thành từng luống trên những thanh giá thể bằng sắt, cách mặt đất khoảng 50cm để cách li mầm bệnh và thuận tiện cho việc chăm sóc.

Nhờ được trồng trong môi trường khá lý tưởng nên địa lan ở trang trại gia đình ông Lý Phú Hiếu phát triển rất tốt. Cây cho hoa lớn, nhiều cành, hoa đạt chất lượng hoa. Hiện mỗi năm trang trại hoa của ông Lý Phú Hiếu đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 10.000 cành địa lan các loại. Thị trường phần lớn là TP. HCM và các tỉnh miền Trung. Do chất lượng hoa địa lan cao nên Công ty hoa Đà Lạt Hasfarm cũng đã ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm hoa địa lan của ông Hiếu với số lượng lớn, giá cả ổn định. Ông Lý Phú Hiếu tiết lộ, hiện mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, thuê nhân công… gia đình ông thu về không dưới 1 tỷ đồng tiền lãi từ trồng hoa địa lan. Trang trại này cũng đang giải quyết việc làm ổn định cho 20 công nhân với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Hiếu, trồng địa lan Nhật không phải lo thị trường tiêu thụ, sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết ngay tới đó, thậm chí có những thời điểm không đủ hàng để cung cấp cho các đối tác. Hiện nay, gia đình ông Hiếu đang muốn mở rộng quy mô sản xuất và đưa các sản phẩm địa lan ra nước ngoài tiêu thụ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với ông chính là thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, đảm bảo kỹ thuật để trực tiếp sản xuất hoa địa lan, vốn là loài hoa đòi hỏi phải có tay nghề cao. Ông Lý Phú Hiếu cũng đang đàm phán với đối tác đến từ một số nước ở Bắc Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông… để mở rộng thị trường xuất khẩu hoa địa lan.

Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt cho biết, trang trại địa lan Nhật của gia đình ông Lý Phú Hiếu là trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu, điển hình bậc nhất tại địa phương. Đây là trang trại đã được xã Xuân Thọ chọn là mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao để giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước, nhằm quảng bá, xúc tiến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa tại địa phương.

* Ảnh: Địa lan Nhật tại trang tại của ông Lý Phú Hiếu.

Kim Ngân
.
.
.