Dựng “kịch bản” trục lợi lòng nhân ái

Chủ Nhật, 20/12/2015, 09:28
Trục lợi lòng tốt của người khác là hành vi đáng lên án. Thế nhưng, hiện nay hành động đó đang có nguy cơ lan rộng. Người ta có thể “chăn dắt” trẻ em, người già đi ăn xin, bán kẹo cao su, hay đưa trẻ sơ sinh ra đường phố làm công cụ xin tiền… Dưới những vỏ bọc đáng thương, họ đã lấy được lòng nhân ái của nhiều người dân qua đường.


Những “diễn viên” trên đường phố

Chiều muộn. Cả thành phố đã lên đèn. Bóng tối giữa trời đông ập xuống ngày càng nhanh. Dòng người hối hả, gấp gáp trở về nhà. Đường đê Trần Quang Khải, lối lên cầu Chương Dương, Hà Nội giao thông ùn tắc. Xe cộ phải dừng chờ nhiều nhịp đèn đỏ mới lưu thông được. Giữa dòng xe đông như mắc cửi, một cậu thiếu niên ăn vận khá bảnh bao với mái tóc hợp mốt từ trong đê lao ra gõ cửa một chiếc ôtô dừng đèn đỏ. Dường như cậu bị từ chối gì đó, tiếp tục ra gõ cửa xe tôi: “Cô cho cháu xin tí tiền. Mẹ cháu sốt quá mà không có tiền đi bệnh viện”. Cậu ta nói giọng ráo hoảnh, đưa mắt hết xe nọ đến xe kia. Tôi hỏi: “Ai bảo cháu làm việc này? Cháu nói dối phải không?”. Thật bất ngờ thằng bé quay ngoắt đi, tiếp tục tiến đến một chiếc xe khác.

Tại ngã tư cầu Dậu, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, anh Nguyễn Thành Trung cùng vợ dừng xe máy tại ngã tư đèn đỏ. Một người đàn ông luống tuổi tiến lại gần tỏ vẻ mặt khổ sở: “Cô chú cho tôi xin tiền về quê. Tôi nghèo, đi chữa bệnh, giờ muốn về quê mà không có tiền”. Nói rồi ông đưa ra tấm thẻ chứng nhận hộ nghèo được ép plastic cẩn thận. Anh Trung thắc mắc với vợ: “Sao lạ vậy? Có ai ép plastic tấm thẻ này đâu?”. Chị Hương, vợ anh giải thích: “Thì ông ấy cẩn thận mà”. Rồi chị quay sang hỏi: “Ông có bao nhiêu tiền rồi?”.  “Cô chú cho nữa là tôi đủ tiền về quê”.

Vốn có tính thương người, chị Hương định bụng sẽ biếu ông đủ tiền cho chuyến xe về quê, nhưng thấy ông nói vậy thì chị chỉ đưa số tiền mấy chục nghìn đồng có sẵn trong túi áo. Người đàn ông nhận tiền rồi rảo bước ra phía sau. Khi ông này đi khỏi, một thanh niên đi đường tiến xe lên và nói với vợ chồng anh Trung: “Sao anh chị lại cho ông ấy tiền? Hôm nào ông ấy chả đứng đây xin. Tôi cũng đã từng cho ông ấy tiền rồi”. Lời nhắc của anh thanh niên như giội nước lạnh vào vợ chồng anh Trung. Kể lại câu chuyện này với tôi, chị Hương nói rằng, vợ chồng chị không tiếc tiền, số tiền ấy cũng chẳng đáng là bao, nhưng tiếc cho lòng tốt của mình đã bị người ta lợi dụng.

Ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Chừng 2h chiều một ngày giữa tháng 12-2015, ông Minh đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng gọi ngoài sân. Một người đàn ông lạ mặt khoảng hơn 60 tuổi bước vào. Với chất giọng miền Trung, ông này giới thiệu ông đi tìm con gái nhưng bị lỡ độ đường, tiền thì hết nên vào xin tiền làm lộ phí về quê. Ông Minh chưa gặp tình huống này bao giờ nhưng cũng nghĩ cách vừa để giúp người đàn ông này, vừa tìm hiểu xem có đúng sự thật như lời ông ta nói. Ông bảo: “Nếu ông cần thì tôi đưa ông ra ủy ban xã, người ta sẽ giúp ông”. Khi thấy ông Minh nói vậy, người đàn ông này không trả lời mà đi nhanh ra khỏi cổng. Ông Minh để ý tiếp thì thấy ông này tiếp tục sang nhà hàng xóm xin tiền, nhà nào mở cửa là ông ta vào.

Một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cảnh báo người xin tiền ở ngã tư đường phố Hà Nội.

Lòng tốt bị tổn thương

Hiện tượng chặn ôtô, xe máy để xin tiền không chỉ có ở Thủ đô Hà Nội mà còn diễn ra trên một số tuyến quốc lộ. Đã có người phải chụp ảnh đối tượng xin tiền trên quốc lộ rồi đưa lên mạng xã hội cảnh báo để người khác tránh bị mắc lừa. Tôi cũng đã từng nhận điện thoại một cô giáo là giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội, tâm sự về hai mẹ con lỡ độ đường trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Cô cảm thấy áy náy khi chưa giúp được họ nhiều bởi đang vội đến trường dạy học. Khi quay lại thì biết nhiều người dân đã giúp đỡ hai mẹ con bằng tiền. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, vẫn trên đoạn đường đó chị lại gặp hai mẹ con đó và miếng dán sốt trên trán cháu bé, và giọng điệu vô cùng đáng thương. Chị chợt hiểu ra, đó là một màn kịch được dựng lên để trục lợi từ lòng tốt của cộng đồng. Điều chị bất bình hơn cả là đứa trẻ đáng thương đã bị đưa ra để làm công cụ cho chị ta thực hiện ý đồ xấu xa của mình.

Thật khó để phân biệt thật giả trong xã hội phức tạp hiện nay. Nhưng chúng ta cần phải ghi nhận, xã hội vẫn đang có rất nhiều người tốt. Bằng chứng là có nhiều người trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng lòng nhân ái để trục lợi. Hay, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nghĩa cử cao đẹp của các bạn sinh viên, của những cá nhân, tổ chức thường xuyên làm từ thiện. Họ tự đi đến những miền núi xa giúp đỡ trẻ em thiếu thốn trang thiết bị học tập, đồ chơi…

Hay, với một người có hoàn cảnh đặc biệt cần được giúp đỡ, họ sẵn sàng đưa lên mạng xã hội, kêu gọi bạn bè chung tay góp sức giúp người nghèo vượt qua khó khăn. Những kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi, những kẻ lười lao động, muốn hưởng thụ từ đồng tiền mồ hôi nước mắt của người khác thật đáng lên án. Tiếc rằng chúng ta chưa có biện pháp xử lý bằng pháp luật đối với trường hợp này. 

Việt Hà
.
.
.