Đồng bằng sông Cửu Long 'gồng mình' chống hạn, mặn

Thứ Bảy, 14/03/2015, 09:10
Dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm 2015, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ chịu hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành Nông nghiệp của vùng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy Lợi, tại vùng ĐBSCL, độ mặn lớn nhất cuối tháng 2 vừa qua cao hơn cùng kỳ năm 2014 từ 0 - 10g/lít.

Tại Vàm Kênh, trên sông Cửa Tiểu, độ mặn cao nhất vào ngày 21/2 đạt 22,2g/lít (tăng 0,1g/lít); tại Hòa Bình, độ mặn đạt 10,7g/lít (tăng 2,1g/lít).

Tại Bình Đại (tỉnh Bến Tre), trên sông Hàm Luông, độ mặn cao nhất đo ngày 20/2 đạt 25,1g/lít (tăng 2,4g/lít); tại Bến Trại, trên sông Cổ Chiên, độ mặn đo ngày 19/2 đạt 25,8g/lít (tăng 10,4g/lít).

Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, độ mặn vùng cửa sông Cửu Long tiếp tục lấn sâu vào nội đồng và có khả năng cao hơn cùng kỳ năm 2014, tương đương với đầu năm 2013 là năm có độ mặn xâm nhập sớm và sâu.

Hệ thống ống đập Láng Nhé - Trà Vinh được đóng lại ngăn nước mặn.

Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn 4g/lít, có thể xâm nhập sâu khoảng 40 đến 50km tính từ cửa sông, có thời kỳ sâu tới 60 đến 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 5.

“Mùa khô năm 2014 - 2015 là năm có dòng chảy về đồng bằng thấp hơn cùng kỳ mùa khô năm 2013 - 2014 nên xâm nhập mặn trên sông, kênh vùng ven biển ĐBSCL trong những tháng đầu mùa khô năm 2015 cao hơn cùng kỳ năm 2014.

ĐBSCL nếu thiếu nguồn nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa”, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định.

Ngoài ra, tình hình chia sẻ nguồn nước trên sông Mê Kông đang là vấn đề nan giải khi phía thượng nguồn đã và đang xây dựng hàng loạt đập thủy điện sẽ hạn chế nguồn nước đổ về ĐBSCL.

Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, nắng hạn kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng làm gần 9.200ha lúa đông xuân đang làm đòng và trổ bông bị khô hạn, nguy cơ giảm năng suất 20% - 30%.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 40.000ha lúa có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn.

Trong đó, khoảng 12.000ha ảnh hưởng hạn, mặn chủ yếu ở thành phố Vị Thanh, Vị Thủy và Long Mỹ; 28.000ha ảnh hưởng hạn ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, một phận của huyện Vị Thủy và Long Mỹ.

Theo thời vụ, 25.000ha lúa của vụ Xuân Hè và Hè Thu sẽ bị ảnh hưởng cao do thời gian từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4-2015, là thời điểm mà hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nhất.

Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã và Phòng NN&PTNT cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát những khu vực có khả năng, thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn và xây dựng kế hoạch ứng phó.

Một cánh đồng khô khốc vì hạn ở Trà Vinh.

Đặc biệt, quan tâm giải pháp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân ở 2 huyện Trà Ôn và Vũng Liêm.

UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Đông Xuân 2014 - 2015, Xuân Hè và Hè Thu 2015.

Chuẩn bị xuống đập thời vụ khi độ mặn ngoài sông, kênh  chính đạt mức 2‰, ngăn tất cả các dòng kênh vào đồng ở các khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước mặn lên đồng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đảm bảo phục vụ tốt nước sinh hoạt cho người dân trong vùng bị hạn, mặn trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương khác tích cực vận động nhân dân tích trữ nước ngọt bằng các phương tiện trữ nước, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2015.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Để ứng phó với hạn, mặn, Sở đã chỉ đạo cho các phòng nông nghiệp địa phương thực hiện việc nạo vét kênh mương, tập trung cho công tác thủy lợi để hạn chế bị xâm nhập mặn”.

Bộ NN&PTNT đã có kiến nghị đến Chính phủ hỗ trợ hơn 543 tỉ đồng cho các địa phương trên cả nước chống hạn, mặn, nhưng ở ĐBSCL mới chỉ có Sóc Trăng và Trà Vinh có văn bản đề nghị xin tiền hỗ trợ được 23 tỉ đồng.

Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn dự báo tình hình hạn, mặn thường xuyên để các địa phương có kế hoạch ứng phó.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.