Đội nữ diệt chuột ‘cừ khôi’ trên cánh đồng Châu Quan

Thứ Sáu, 24/04/2015, 14:55
Trên cánh đồng lúa đang thì con gái rộng mênh mông của thôn Châu Quan, xã Đoàn Kết, (Thanh Miện, Hải Dương), chỉ thấy thấp thoáng bóng ba người phụ nữ trông bé nhỏ và yếu đuối. Nhưng ít ai biết rằng, họ chính là những “chuyên gia” bắt chuột, công việc tưởng chừng chỉ dành cho cánh mày râu.
Ba người phụ nữ “bắt vía” lũ chuột đồng

Được thành lập năm 2002 với 3 thành viên nữ đều đã trên 50 tuổi: Đoàn Thị Đoan, Nguyễn Thị Cỏn và Bùi Thị Thấm, đội diệt chuột thôn Châu Quan đã gắn bó với 135 mẫu lúa qua bao mùa vụ.

Nhớ lại những ngày đầu, cô Cỏn chia sẻ: “Đầu những năm 2000, chuột bọ nhiều, sáng ra thăm đồng, nhìn những khoảng lúa loang lổ bị chuột cắn, chuột vày mà xót ruột, vì người nông dân có gì ngoài bám vào lúa đâu… Thế là mấy chị em chúng tôi bèn rủ nhau thành lập một đội diệt chuột để bảo vệ mùa màng.”

Chuột nhiều không đánh xuể, lại chưa quen việc, ba cô ngày nào cũng đánh vật với lũ chuột ở trên đồng. Ban ngày đi đào hang đổ nước, tối lại đi soi và đánh bắt. Nhưng làm mãi mà chưa thấy tình trạng chuột phá lúa giảm bớt. Các cô chuyển sang dùng bẫy sắt kết hợp ngâm thóc trộn thuốc vi sinh rải trên đồng thì thấy hiệu quả rõ rệt.

Nhiều khi trên cánh đồng vắng tanh, chỉ thấp thoáng bóng ba người phụ nữ tổ diệt chuột tay cầm xô mầm đã ủ thuốc, tay cầm bẫy đi khắp cánh đồng bắt chuột.

Cô Thấm cho biết: “Các thành viên trong tổ thường xuyên phải đi tìm nốt chân chuột để tìm được hang, đoán được những lối chúng quen đi lại kiếm ăn mà đặt bẫy, rắc hạt mầm ngâm thuốc.”

Với cách làm này, tuy tốn bẫy, nhưng thu lại kết quả khá tốt: có những ngày hàng trăm con chuột dính cạm, ngày ít cũng phải bắt được tầm hai chục con, chưa kể chuột còn ăn thuốc chết hàng loạt.

Nỗi niềm gửi đồng xanh lúa

Đứng trước cánh đồng lúa xanh rì, cô Cỏn nhìn xa xa: “Bắt chuột trên đồng không phải là công việc đơn giản với đấng mày râu, thì với chị em phụ nữ lại càng không phải là việc dễ dàng. Ấy vậy mà, bao năm làm rồi cũng quen!”

Cái nghề này chỉ có người trong cuộc mới hiểu, các cô chia sẻ: “Những ngày mưa, ngày nắng cũng ở trên đồng đặt bẫy, rồi gỡ bẫy, có khi cả đồng vắng tanh, chỉ thấy thấp thoáng dáng ba người phụ nữ tay cầm xô mầm đã ủ thuốc, tay cầm bẫy đi khắp các bờ này thửa khác đến là mênh mông. Mùa nước ải, các cô còn đi lật từng rãnh cày, lấy đèn pin soi từng bờ thửa mà tìm hang bắt chuột. Lắm lúc nghĩ cũng tủi”.

Cô Thấm – thành viên trong tổ diệt chuột thôn Châu Quan đặt bẫy chuột và rải mầm ủ thuốc vi sinh ở lối chuột hay đi lại.

Rồi làm nghề bắt chuột, cũng khó tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp. Những cái bẫy chuột nhiều khi đi quá công dụng bẫy chuột của nó, thỉnh thoảng mà bất cẩn nó “bẫy” cả tay người đánh.

Công việc vất vả, cực nhọc sớm tối như thế nhưng thù lao các thành viên trong tổ nhận được khá “khiêm tốn”: trước là 8.000 đồng/sào/vụ, rồi 12.000 – 14.000 đồng/sào/vụ và hiện nay là 20 nghìn đồng/sào/vụ.

Sau một đêm đặt bẫy, cô Cỏn đi gỡ bẫy thu “chiến lợi phẩm”.

Tính ra, trừ các khoản chi phí như mua 200 bẫy/vụ, vợt lưới, cuốc, đèn pin, thóc mầm khoảng 1 triệu ra, thì mỗi vụ (6 tháng) mỗi thành viên trong tổ sẽ nhận được trung bình 6 triệu đồng…

Tuy nhiên, nếu để chuột cắn phá lúa, các cô phải đền bù cho người dân trong thôn. Vì vậy, nên có những năm đầu mới làm, chuột lại nhiều, có vụ các cô chỉ nhận được 300.000 đồng/6 tháng lênh đênh trên đồng.

Những nỗi niềm riêng tư của ba người phụ nữ bắt chuột trên cánh đồng mông mênh, nhiều khi chỉ có người trong cuộc mới thấm thía. Những nhọc nhằn, thầm lặng… các cô gửi gắm nơi đồng xanh, nơi thửa ruộng mùa nước ải.

Nguyễn Quỳnh
.
.
.