Dấu xưa xe ngựa…

Thứ Sáu, 08/05/2015, 09:28
Thời hoàng kim, vào những năm 70 của thế kỷ trước, Đà Lạt được xem là “vương quốc” của xe ngựa với khoảng 500 chiếc. Lúc ấy, các bác xà ích làm ăn rất thịnh vượng, đi cả ngày, ngựa chạy đến chồn cả chân mà làm vẫn không hết việc. Những chiếc xe ngựa gắn bó với người Đà Lạt trở thành một phương tiện lao động không thể thiếu và cũng là nét đặc trưng của miền đất này.

Trong ký ức của những bác xà ích, Đà Lạt là một thành phố vừa hiện đại lại vừa cổ kính, với những toà biệt thự kiểu cách ẩn mình trong tán thông xanh và con đường mòn quanh co, uốn lượn mềm mại, người đi lại rất thưa thớt. Đô thị hoang sơ đến lạ lẫm. Phương tiện giao thông đặc trưng của Đà Lạt ngày ấy là những chiếc xe ngựa. Nó có khắp mọi lúc, mọi nơi, từ nội ô thành thị đến miệt vườn xa xôi. Giờ đây đó chỉ còn là ký ức của thời xa vắng.

Xe ngựa ở Đà Lạt xuất hiện từ thời rất xa xưa, thời đó, Đà Lạt hoang vắng, những con đường sỏi khúc khuỷu uốn lượn quanh co theo những sườn đồi thông thoai thoải, sáng sáng, chiều chiều lại có những đoàn xe ngựa thồ nối đuôi nhau chở đầy rau xanh, hoa quả, nông phẩm từ ngoại ô về thành phố. 

Ngày nay xe ngựa chỉ dùng để chở du khách.

Thời hoàng kim, vào những năm 70 của thế kỷ trước, Đà Lạt được xem là “vương quốc” của xe ngựa với khoảng 500 chiếc. Lúc ấy, các bác xà ích làm ăn rất thịnh vượng, đi cả ngày, ngựa chạy đến chồn cả chân mà làm vẫn không hết việc. Những chiếc xe ngựa gắn bó với người Đà Lạt trở thành một phương tiện lao động không thể thiếu và cũng là nét đặc trưng của miền đất này.

Sau ngày đất nước thống nhất, xe ngựa bắt đầu đi vào làm ăn hợp tác, ban đầu cũng rất khá nhưng về sau thì dần dần sa sút cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều những phương tiện giao thông hiện đại. Năm 1986, ông Phan Văn Điền đứng ra thành lập HTX xe ngựa với 250 chiếc, chia làm 4 đội và hoạt động rất sôi nổi. Vào những ngày lễ, tết ngựa chạy mệt luôn… Năm 1994, văn phòng HTX xe ngựa bị giải toả nhằm làm thông thoáng lòng lề đường, do đó HTX cũng bị giải thể. Ngựa mất bến đậu, mất cả  lối đi, cái nghề xe ngựa cũng từ đó lụi dần.

Năm 1999, UBND thành phố chủ trương cấm xe thô sơ và súc vật vào trung tâm TP Đà Lạt và hồ Xuân Hương. Không ít chủ xe ngựa coi đây là thời gian “định mệnh” trong cái nghề chạy xe ngựa của đời mình. Năm 1995, chỉ còn 40 người là quyết tâm sống chết với cái nghề được xem đã đến lúc hết thời này. 

Cho đến nay, toàn thành phố chỉ còn chưa đầy 10 chiếc xe ngựa, tất cả đều chỉ phục vụ chở khách du lịch. Các bác xà ích không có bến bãi đành làm một việc bất đắc dĩ là “đứng chui”, làm ăn kiểu “dù”! “Đấu tranh” mãi, chính quyền thành phố mới đồng ý cho các bác xà ích chở khách chạy tuyến cố định ven hồ Xuân Hương dài khoảng 2km, từ bến du thuyền đến vườn hoa thành phố Đà Lạt.

Nhiều bác tài coi việc chạy xe ngựa là cái nghiệp gắn với cuộc đời mình thì phải. Ngày nay, việc làm ăn của những bác xà ích cũng chỉ theo mùa, rộ lên vào các dịp lễ, tết hay đầu mùa hè, khi khách đổ lên Đà Lạt nhiều. Chẳng bao lâu nữa, những chiếc xe ngựa ở Đà Lạt sẽ trở thành hoài niệm.

Kim Ngân
.
.
.