Đầu hè gia tăng các ca cấp cứu do bỏng

Thứ Sáu, 12/06/2015, 08:41
Mùa hè là thời điểm mà số ca bỏng trẻ em nhập viện tại Viện Bỏng Quốc gia tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Với tâm lý chủ quan của nhiều phụ huynh, nhiều ca bỏng xảy ra tưởng rằng rất đơn giản nhưng đã dẫn đến hậu quả nặng nề thậm chí là tử vong. Gần đây nhất là trường hợp của cháu Tuấn Anh, 13 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bị bỏng nặng do phóng điện khi đi câu cá dẫn đến tử vong.

Có lẽ, không ai là không xót xa khi nhắc lại câu chuyện không may xảy ra đối với cháu Tuấn Anh, 13 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cách đây khoảng hơn 1 tuần, Tuấn Anh được đưa đến cấp cứu tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng hôn mê, bỏng hơn 80% cơ thể.

Một cháu bé bị bỏng do sơ suất của người lớn.

Trước đó, ngày 26/5, Tuấn Anh cùng với 3 người bạn rủ nhau đi câu cá. Khi đi ngang qua đường dây điện 110kV, do Tuấn Anh vô tình để cần câu (bằng carbon) dựng đứng, vượt quá hành lang an toàn lưới điện) nên đã bị điện phóng dẫn đến bỏng và ngất xỉu. Tuấn Anh bị nặng nhất đã được đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia. Mặc dù các bác sỹ tại Viện tận tình cứu chữa nhưng Tuấn Anh đã không qua khỏi.

Thời điểm này, Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia hiện đang có khoảng 50 ca bỏng điều trị. Có mặt tại đây sáng 11/6, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp các cháu bị bỏng chỉ vì những sơ ý, bất cẩn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cũng như việc điều trị khá tốn kém. Như trường hợp cháu Mai Chí Hoàng, 13 tuổi, trú tại huyện Yên Mô, Ninh Bình. Nhìn phần bụng bị bỏng, phần đùi phải cắt da khiến ai cũng cảm thấy xót xa.

Chị Hà, mẹ cháu Hoàng buồn rầu kể lại: Được nghỉ hè, 2 anh em ở nhà tự chơi với nhau. Chẳng biết sao, cháu Hoàng và em lại lấy dầu đổ vào hộp rồi đốt. Lửa bất ngờ bùng cháy bắt vào người Hoàng khiến cháu bị bỏng độ 4.  Cháu Hoàng đã điều trị được 19 ngày, gương mặt tái xanh. Thu nhập của gia đình chị Hà chủ yếu trông vào 7 sào ruộng nên để có tiền điều trị cho cháu Hoàng chị đã phải vay mượn anh em bạn bè.

Cạnh phòng điều trị của cháu Hoàng là trường hợp cháu Nguyễn Thùy Dương, 3 tuổi, trú tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Một bàn chân bị băng trắng, một bàn chân vết bỏng đã khô nhưng thỉnh thoảng cháu Dương lại kêu “đau lắm”. Xót xa nhìn con, chị Hiền cho chúng tôi biết: Gia đình ở quê nên vẫn nấu bếp củi.

Tối hôm đó, do không để ý, cháu Dương đến gần bếp lửa đang có siêu nước sôi. Cháu lấy tay nghịch que củi thì bỗng nhiên siêu nước bị hất đổ làm cháu bỏng 2 chân. Nghe con thỉnh thoảng lại kêu đau, chị Hiền ân hận: Từ lần sau, lúc nào em cũng phải cẩn thận. Xót con lắm chị ạ!

Theo PGS.TS Hồ Xuân Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa Bỏng trẻ em thì mùa hè là thời điểm mà số ca bỏng trẻ em nhập viện tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Hiện nay, có khoảng 50 bệnh nhi đang điều trị tại khoa. Tuy nhiên, cách đây 2 tuần thì số ca điều trị lên đến 80 trường hợp. Phần lớn các cháu nhập viện vì bỏng ở độ tuổi dưới 5 tuổi với các loại bỏng: bỏng nhiệt ướt, chiếm khoảng 80-90% các ca bỏng; bỏng điện, bỏng lửa, bỏng hóa chất…

Với cùng một tác nhân gây bỏng nhưng với đối tượng bị bỏng là trẻ em thì bao giờ cũng bỏng nặng hơn so với người lớn do da các cháu bé còn rất mỏng. Với thời gian bỏng chỉ cần kéo dài 30s, nhiệt độ từ 60độ C là đã có thể khiến cho các cháu bé bị bỏng sâu trong khi người lớn chỉ bị bỏng nông. Cơ thể trẻ em cũng chưa hoàn thiện nên bị bỏng nhẹ thì các cháu bé có thể bị loạn sắc tố. Nếu bỏng sâu có thể để lại sẹo lồi gây đau buốt, ngứa cả đời; sẹo co kéo gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khi bị bỏng mặt thì sẽ làm biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến chức năng đường thở, mắt bị co kéo. Tai bị bỏng sâu có thể làm viêm sụn tai, làm tai méo mó. Để khắc phục di chứng bỏng phải phẫu thuật nhiều lần, phục hồi chức năng từ 6 tháng đến 2 năm, chi phí điều trị rất tốn kém.

PGS.TS Hồ Xuân Hương khuyến cáo, phụ huynh cần phải hết sức cẩn thận trong việc sử dụng điện, lửa, nước nóng khi trong nhà có trẻ nhỏ. Chẳng hạn như, với các nguồn điện trong tầm với của trẻ thì cần phải dạy trẻ giống như phản xạ tự nhiên về việc không được đến gần. Với các thức ăn nóng cần phải để tránh xa tầm với của trẻ, có thể cho trẻ thử chạm vào các thức ăn nóng để trẻ cảm nhận được sự nguy hiểm từ đó có ý thức tránh xa.

Khi trẻ bị bỏng, cần phải nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người trẻ, sau đó cởi hết quần áo một cách nhẹ nhàng tránh làm trượt da trẻ, kiểm tra đường hô hấp, tim… của trẻ. Nhanh chóng chuẩn bị một chậu nước sạch (không cần phải là nước đun sôi để nguội) với nhiệt độ từ 16 đến 20 độ và nhúng vết bỏng vào nước. Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng, các loại dầu mỡ vào vết bỏng của trẻ, lấy khăn sạch băng vết bỏng. Có thể cho trẻ uống thêm Ozezon sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

PGS.TS Hồ Xuân Hương đặc biệt khuyến cáo các trường hợp bị bỏng mà sử dụng thuốc nam đắp lên vết bỏng. Việc đắp thuốc nam đầu tiên sẽ gây đau, xót vết bỏng. Sau đó sẽ tạo thành lớp mủ bên dưới màng thuốc từ đó gây sốt cao, rét run, co giật. Phụ huynh không nên tin theo lời của các thầy lang khiến con em mình phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Nguyễn Hương
.
.
.