Đau đáu giấc mơ nhà ở của những công nhân nghèo

Thứ Bảy, 02/05/2015, 06:05
Thực tế hiện nay, tại các KCN chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa phần là công nhân từ các địa phương khác đến.

Theo thống kê, hiện cả nước có 295 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất tự nhiên 83.626ha, trong đó tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê 55.691ha (chiếm 66%). Các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 65%. 

Cả nước có hơn 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN, lao động nữ trên 1,5 triệu người, lao động Việt Nam gần 2,16 triệu người, lao động nước ngoài là 33,7 nghìn người. Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2020, công nhân lao động tại các KCN sẽ đạt khoảng 7,2 triệu người. Trong đó, có nhu cầu về chỗ ở khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Một cặp vợ chồng công nhân đã nhiều năm phải thuê nhà trọ.

Thực tế hiện nay, tại các KCN chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa phần là công nhân từ các địa phương khác đến. Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng trực tiếp xấu đến sức khoẻ, đời sống tinh thần của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN và địa phương tạm trú…

Chỉ riêng ở xã An Bình, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương đã có đến trên 20.000 lao động tạm cư từ khắp nơi đổ về làm việc cho 30 doanh nghiệp các KCN, nhưng lại không có nhà trẻ mẫu giáo nào. Chủ tịch xã Bùi Văn Tài nhẩm tính sơ sơ trong hai năm gần đây, cứ mỗi ngày thứ bảy hoặc chủ nhật có đến hàng chục đám cưới và trẻ con ra đời chỉ sau đó vài tháng. Trạm y tế của xã nhỏ tẹo phải gồng mình tiếp nhận hàng trăm bà mẹ mang thai và hàng trăm đứa trẻ ra đời mỗi năm…

Bên cạnh đó, ngành Y tế xã còn phải lo chăm sóc sức khỏe cho hàng chục ngàn lao động với cường độ công việc rất cao, áp lực lớn. Nhiều rắc rối phát sinh trong các thủ tục hành chính, pháp lý, bảo hiểm… khiến cho cuộc sống công nhân lao động thêm nhiều bức xúc, mệt mỏi và rất phức tạp. Đã có nhiều đứa trẻ chẳng có khai sinh, nhiều cặp vợ chồng không hôn thú, việc học cho con trẻ và quyền được ưu tiên được hưởng một số chế độ đã không được đảm bảo.

Khu nhà trọ của bà Hai Bé ở xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh (TP HCM) có khoảng 20 phòng cho thuê, đã có 7 phòng dành cho những cặp vợ chồng công nhân. Ban ngày cha mẹ đều đi làm, cửa phòng khóa ngoài, lèo tèo có vài đứa trẻ đứng ngồi ngoài hành lang tự chơi, tự sống chờ tan ca bố mẹ về. Thấy thương bọn trẻ, nên bà chủ nhà trọ kiêm luôn bảo mẫu giữ trẻ.

Một thực tế rất phũ phàng, đó là sự chênh lệch quá lớn: lương công nhân lao động còn thấp, trong chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày lại rất cao gồm tiền thuê nhà, ăn uống, áo quần, sữa thuốc cho bé… Nhiều gia đình công nhân nhà trọ không đủ khả năng đầu tư tái tạo sức lao động, thì nói gì đến việc đầu tư cho thế hệ con cái.

Công nhân lao động tại Công ty Pouchen (TP Biên Hòa, Ðồng Nai) có lẽ là một trong số ít công nhân các KCN hiện nay có cuộc sống tương đối dễ chịu nhất, nhờ sự nỗ lực và quan tâm của Công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp. Ngoài mức lương thưởng hằng năm theo tháng, quý, các dịp lễ Tết, hơn 160 nghìn công nhân ở Việt Nam làm việc tại đây có các điều kiện sống tốt mà khó nơi nao có được. Khu sinh hoạt văn hóa cho công nhân có phòng đọc sách rộng hơn 300m2, nhà văn hóa có sức chứa hai nghìn người, có khu học tập dạy các nghề cắm hoa, trang điểm, làm tóc, ngoại ngữ... Bên cạnh đó, còn có khu thể thao, sân bóng đá rộng rãi, siêu thị mini bán hàng theo giá bình ổn. Số công nhân nữ của công ty chiếm 86% tổng số lao động, nhiều người phải nuôi con nhỏ, chỉ tính số trẻ dưới sáu tuổi là 4.700 cháu. Công ty đã dành hai triệu USD xây dựng một nhà trẻ cho hơn 500 cháu, mỗi trẻ dưới sáu tuổi được hỗ trợ 150 nghìn đồng một tháng.

Cách nay một tuần, Tỉnh đoàn Bình Dương đã chính thức đưa vào sử dụng “nhà trọ văn hóa thanh niên” đầu tiên tại nhà trọ Tinh Vạn Hoa nằm trên đại lộ Bình Dương, TP Thủ Dầu Một. Ngoài việc xây dựng và quản lý theo quy định pháp luật như các nhà trọ thông thường, tại đây còn được trang bị sân chơi thể thao, thiết bị tập thể dục, phòng đọc sách báo, thư viện điện tử lưu động, truy cập Internet miễn phí... Hằng tháng, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ của tỉnh cũng sẽ đến các khu nhà trọ này để tập huấn các kỹ năng mềm cho thanh niên công nhân, người lao động sinh sống ở các khu nhà trọ.

Tại quận 12, TP HCM, địa bàn có rất đông công nhân sinh sống, các phòng đọc sách phục vụ công nhân nhà trọ đã trở thành một nét mới trong đời sống văn hóa của người dân và công nhân. Đến nay đã có 2 phòng đọc sách tại nhà trọ của ông Trần Trọng Vân, tổ 28, KP2, phường Trung Mỹ Tây và nhà trọ của ông Nguyễn Văn Ren, tổ 77B, KP7, phường Tân Thới Nhất đã hoạt động, thu hút khá đông công nhân và nhân dân khu vực xung quanh. 

Tăng thu nhập về lương bổng, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công nhân về chỗ ở, giá điện, nước nhà trọ và huy động xã hội đầu tư xây nhà giá rẻ bán hoặc cho công nhân thuê, mang đời sống tinh thần đến với công nhân cùng với sự hiểu biết về pháp luật, sức khỏe sinh sản… chắc chắn người công nhân lao động sẽ gắn bó bền vững với doanh nghiệp và công việc.

Hoàng Châu
.
.
.