Huyện Thanh Trì, Hà Nội:

Đại hội của sự tiếp tục đổi mới, nâng cao đời sống của nhân dân

Thứ Năm, 16/07/2015, 10:22
Đến Thanh Trì, Hà Nội những ngày này, chúng tôi có thể dễ dàng nhận thấy đường làng ngõ xóm khang trang hơn, nhiều ao hồ được xây bờ kè, các tuyến đường liên xã được tô điểm bởi hàng hoa xinh đẹp. Những cánh đồng xanh ngát có được sau dồn điền đổi thửa một cách khoa học, hợp lòng dân… Nổi bật nhất là qua 4 năm triển khai, 10 xã của Thanh Trì đã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 67%), và đây là một trong hai huyện có tỷ lệ số xã đạt nông thôn mới nhiều nhất thành phố...
Nhiều mô hình hay, thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/năm

Về Yên Mỹ - xã ngoài bãi ven đê sông Hồng thuộc huyện Thanh Trì, nơi được chọn thí điểm thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình Viet GAP, do Tổ chức CIDA (Canada) hỗ trợ mới thấy hết được những ưu việt ở thị trường cung cấp rau sạch cho Thủ đô. Người dân ở đây được tập huấn về thực hành sản xuất tốt sơ chế, vận chuyển và kinh doanh rau.

Để hỗ trợ vùng sản xuất rau an toàn xã Yên Mỹ, tháng 5/2011, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn như các trạm bơm cấp nước sạch, hệ thống tưới tiêu đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng cho xã…

Đến nay, cơ sở hạ tầng bước đầu được đưa vào phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân. So với trồng rau thường, quy trình sản xuất rau an toàn đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quá trình sơ chế trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Do vậy, chi phí sản xuất rau an toàn cao hơn sản xuất rau thường 15-20%, song chất lượng được đảm bảo, giúp an toàn cho cả người sản xuất lẫn người sử dụng. Hiện toàn xã Yên Mỹ có 427 hộ trồng rau an toàn, cho bình quân thu nhập từ rau an toàn đạt 300 triệu đồng/ha, mỗi lao động trồng rau có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng…

Ngoài ra, những năm qua, ở huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng... (1.200 ha/năm); vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi Vạn Phúc (gần 100ha); đồng thời duy trì, củng cố vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (235ha) tại các xã Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Đại Áng...

Dù ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá làm giảm nhiều diện tích đất nông nghiệp nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Trì vẫn tiếp tục tăng. Huyện đã tập trung chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa được 816,9ha, đạt 100% kế hoạch.

Hàng năm, Huyện có cơ chế riêng, bố trí khoảng 5 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất mới, đưa khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; nuôi gà sinh sản, gà thương phẩm an toàn sinh học; nuôi ốc nhồi giống, ốc nhồi thương phẩm...

Xây dựng nông thôn mới là bước đột phá, được các cấp lãnh đạo huyện Thanh Trì tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và đạt kết quả tốt. Qua đó, đã huy động 1.713 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 233 tỷ đồng) cho đầu tư xây dựng nông thôn mới, hoàn thành nâng cấp, cải tạo, cứng hóa 125km đường giao thông nông thôn; 100% thôn, làng đã có nhà văn hoá để nhân dân tham gia sinh hoạt cộng đồng; 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế theo tiêu chí mới...

Hệ thống chính trị tại các xã được củng cố, dân chủ được mở rộng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế nông thôn có bước phát triển khá, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt 160 triệu đồng (vượt 45 triệu đồng so với Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ huyện).

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/ năm, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ.

Mô hình chuyển đổi trồng cây có múi cho hiểu quả kinh tế cao.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 2,8% xuống còn dưới 1%. Qua 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, từ chỗ huyện chỉ có 3/15 xã đạt 14-15 tiêu chí, đến nay, 10/15 xã đã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành chỉ tiêu trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ huyện. Theo kế hoạch, 5 xã còn lại sẽ cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015 (về trước 2 năm so với Đề án Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Trì).

Tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân đạt 16%

Đề cập đến những thành tựu mà Thanh Trì đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trần Văn Khương cho biết: Đảng bộ huyện Thanh Trì đã cụ thể hóa Nghị quyết XXII Đảng bộ huyện thành 6 chương trình công tác toàn khóa, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội đề ra. Kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Thu ngân sách đạt kết quả tốt, tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 16%; trong đó, năm 2013 lần đầu tiên thu ngân sách huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thể dục thể thao và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đạt nhiều kết quả…

Trong nhiệm kỳ, huyện Thanh Trì nhiều lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc, nhiều đơn vị được đánh giá xuất sắc dẫn đầu thành phố. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ được huyện triển khai thực hiện đúng quy trình, công khai, quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ, quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và các chức danh cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, tỷ lệ theo quy định.

Triển khai đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, huyện đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 37.044 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; 55 cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý và cán bộ nguồn quy hoạch được đào tạo trên đại học và cao cấp lý luận chính trị. Đến nay, 100% cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có trình độ chuyên môn từ đại học và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên…

Về những phương hướng trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Trần Văn Khương khẳng định, Đảng bộ huyện Thanh Trì sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng - thương mại dịch vụ - nông nghiệp. Trong đó hai khâu đột phá là tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội, thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo nền tảng phát triển huyện theo hướng đô thị; chú trọng công tác cán bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Trong số chỉ tiêu mà Đảng bộ huyện phấn đấu, nổi bật nhất là thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm; 100% xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; 85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,6% (theo chuẩn mới)...

Quỳnh Vinh
.
.
.