An toàn vệ sinh thực phẩm còn bị buông lỏng

Thứ Tư, 10/12/2014, 09:52
Trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức với chủ đề “Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố”, lo ngại nhiều nhất của người dân hiện nay đó là thực phẩm “bẩn” vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm soát tốt, vẫn còn bán đầy rẫy ngoài thị trường. Cụ thể, rau củ quả có chứa chất độc hại, thực phẩm tươi sống có chứa chất cấm…

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 3.460ha đất sản xuất với sản lượng rau củ quả cung ứng cho thị trường TP đạt khoảng 40%. Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh khẳng định, lượng rau củ quả sản xuất trên địa bàn TP hoàn toàn kiểm soát được chất lượng. Riêng rau củ quả nhập khẩu thì vẫn còn bất an.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đối với hàng nhập khẩu, trái cây chiếm 20 - 30% tổng lượng trái cây nhập chợ, chủ yếu có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Nam Phi, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… Trong đó, trái cây Trung Quốc chiếm 1/2 tổng lượng trái cây ngoại nhập chợ với 8-10 chủng loại, như: bom, nho, cam, quýt, đào, lựu, lê… Còn với mặt hàng rau củ thì hàng Trung Quốc có đến 15-17 chủng loại, như: bắp cải, cải đỏ, khoai tây, gừng, tỏi, củ hành tây…, chiếm 10-15% tổng lượng rau nhập chợ.

Nhiều ý kiến lo ngại, hiện nay các loại trái cây, rau củ quả Trung Quốc nhập với số lượng lớn, vậy lượng hàng này được quản lý như thế nào? Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức khẳng định: “Trách nhiệm của chợ đầu mối là phải kiểm soát hàng hóa bằng mọi cách để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Năm 2014, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiến hành kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hơn 1.500 mẫu rau củ quả, trong đó có 104 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng còn trong mức cho phép. Trả lời những băn khoăn của người dân thành phố về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với mặt hàng rau củ quả, ông Nguyễn Văn Đức Tiến cho biết, tại 3 chợ đầu mối gồm: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, hàng về chợ mỗi đêm là 1.766 ngàn tấn rau củ quả các loại.

Thịt “bẩn” chưa kịp đưa vào thành phố tiêu thụ đã bị bắt giữ tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức.

Trong năm qua, cơ quan chức năng kiểm tra 4.826 mẫu nhưng không phát hiện mẫu vượt tỷ lệ vi phạm. Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát lượng hàng nhập vào các chợ đầu mối, hiện các lực lượng kiểm tra cũng tăng cường theo dõi, nếu phát hiện địa phương nào nhập hàng có nhiều sâu bệnh thì sẽ giảm nhập hàng đối với địa phương đó. Hiện thành phố đang xây dựng thí điểm các chuỗi sản phẩm an toàn đối với cà rốt, bắp cải, rau muống, khổ qua… và vận động để các tỉnh có “nguồn cung” dồi dào như Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang… tham gia vào trong chuỗi rau củ quả an toàn.

Với mặt hàng thực phẩm tươi sống, hiện nay tình trạng heo bệnh, heo bơm nước từ các địa phương, ngang nhiên “vượt trạm”, qua mặt các lực lượng kiểm tra để  tuồn vào địa bàn thành phố, sau đó đưa ra phân phối tại các chợ lớn nhỏ, các quán ăn, nhà hàng… khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại. Tương tự, các loại thủy hải sản có chứa chất cấm để bảo quản thực phẩm tươi lâu hoặc bị nhiễm khuẩn, vi phạm thì nhiều nhưng xử lý không đáng kể.

Nhận định về tình trạng này, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 72 - 80 tấn thịt gia súc từ các tỉnh đổ về. Riêng thực phẩm bơm nước, không phải bây giờ mới phát hiện mà đã có từ 15 năm nay. Cứ mỗi lần phát hiện thịt gia súc có bơm nước, lực lượng Thú y tiến hành đưa hàng vào kho lạnh để lấy mẫu xét nghiệm và kiểm tra rất kỹ lưỡng, nhưng trên thực tế, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng”. Điều đó cho thấy, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” hết sức liều lĩnh, bất chấp mọi thủ đoạn để tuồn hàng ra ngoài thị trường. Ông Thảo cho rằng, “việc siết chặt xử phạt là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay đối với những trường hợp vi phạm. Nếu không kiên quyết xử phạt thì tình trạng heo lậu, heo bệnh… vẫn cứ tiếp diễn tuồn vào thành phố và khó ngăn chặn được”. Đối với mặt hàng thủy hải sản, từ đầu năm đến nay, thành phố xử lý 17 vụ vi phạm chất lượng ATVSTP.

Trước thực trạng trên, nhằm đảm bảo tốt nguồn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các Sở ngành, quận, huyện cần tăng cường lực lượng chống vi phạm, thành lập đội xử lý nhanh. Thành phố sẽ xử lý những Sở, ngành, quận, huyện nào không thực hiện nghiêm. “Về lâu dài, thành phố sẽ xử lý nghiêm với những hành vi vi phạm về ATVSTP. Lãnh đạo thành phố cũng phối hợp với các tỉnh, thành để tăng cường công tác kiểm tra”, ông Tất Thành Cang nhấn mạnh.

T.Hà - T.Ngà
.
.
.