Xung quanh việc Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh xin nghỉ việc

Chủ Nhật, 23/12/2018, 07:58
Hiện, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đồng ý cho ông Lê Nguyễn Minh Quang xin thôi việc theo đơn xin nghỉ việc của cá nhân. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, ông đã gửi đơn xin nghỉ việc vì lý do cá nhân nhưng đến nay chưa nhận được quyết định từ phía lãnh đạo UBND TP Hồ Hồ Chí Minh.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang được bổ nhiệm Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh từ 6-2016, thời gian bổ nhiệm 5 năm. Trước khi về vị trí trên, ông Quang là Tổng Giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam.

Ban quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh được thành lập ngày 13-9-2007, thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, là chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị thành phố. Tuyến metro số 1 ở TP Hồ Chí Minh được phê duyệt năm 2007 với tổng số vốn 17.388 tỷ đồng. Đến năm 2011, TP Hồ Chí Minh lại phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng lên hơn 47.325 tỷ đồng. Vì sự đội vốn cao bất thường nên theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án thuộc nhóm đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. 

Cụ thể, trong trường hợp này, dự án phải được điều chỉnh theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội. UBND TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Chính phủ và được giao cho các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết. Đáng nói là trước đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiều lần ứng ngân sách của thành phố cho nhà thầu thi công với số tiền lớn. Được biết, trong số 17.388 tỷ đồngban đầu của dự án đã giải ngân được 13.630 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc lý giải do nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án tăng tổng mức đầu tư lên trên 47.000 tỷ đồng (tăng 30.000 tỷ đồng, gần 2,76 lần so với ban đầu) cần phải được làm rõ trách nhiệm chứ không thể bắt Chính phủ và Quốc hội phải “chạy” theo dự án. Đó là chưa kể các tuyến đường sắt đô thị đội vốn cao, gánh nợ Nhà nước rất lớn đối với nguồn vốn vay nước ngoài mà hiệu quả thu hồi vốn rất bấp bênh.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên (khởi công tháng 8-2012) chưa được ghi kế hoạch vốn năm 2018, do đó phải thanh toán bằng 1.000 tỷ đồng tạm ứng từ ngân sách TP Hồ Chí Minh, hiện chờ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. 

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (khởi công tháng 8-2010) có 9 gói thầu, trong đó gói thầu CP1 (tòa nhà văn phòng, khu depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; các gói thầu còn lại đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu nhưng tạm ngưng do vướng mắc về điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án. Theo báo cáo, tuyến metro số 2 cũng giống như tuyến metro số 1, tổng mức đầu tư hiện nay lên tới 2,1 tỷ USD so với con số 1,3 tỷ USD dự toán ban đầu.

Ngọc Như
.
.
.