Xuân ấm áp đến với các thầy cô giáo “cắm bản” Đà Bắc

Thứ Tư, 25/02/2015, 15:08
Có thầy thì xa vợ, có cô thì xa gia đình… rồi có thầy - cô “cắm bản” quên đi việc lập gia đình, những khó khăn ấy dường như không làm họ nản chí. Và trong căn nhà của đồng bào người Mường, người Dao, Thái tại xã Hào Lý huyện Đà Bắc – Hòa Bình… Các gia đình lại kể cho nhau nghe những câu chuyện cảm động về tình thầy – trò, về các thầy cô giáo “cắm bản”.

Con đường mòn dẫn vào điểm trường Tiểu học Hào Lý, xã Hào Lý (huyện Đà Bắc – Hòa Bình) những ngày Tết Nguyên đán rợp sắc thắm của những cây đào núi rừng Tây Bắc. Sắc xuân ấm áp đang lan tỏa nơi các chòm bản Hào Lý.

Trong gian phòng đơn sơ dành cho các thầy cô giáo “cắm bản” trực Tết tại trường năm nay rộn rã tiếng cười. Những lời chúc nhau một năm mới vận động thêm được nhiều em học sinh đến trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao được các thầy cô giáo dành cho nhau.

Vừa rót chén trà mời khách, cô giáo Đinh Thị Yển – chủ nhiệm lớp 1B, người đã có 21 năm “cắm bản”, ăn Tết tại các điểm trường chia sẻ, năm nay cũng vậy, cô và một số đồng nghiệp được phân công trực Tết tại trường. Do trường ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn trải rộng trong khi số lượng thầy cô giáo giảng dạy còn hạn chế với 14 thầy, cô nên vào dịp Tết, các thầy cô đã thay phiên trực.

Cô Yển tâm sự, vốn là cô giáo “cắm bản” tại bản Suối Thương, địa danh xa nhất của Hào Lý, nơi có 13 em học sinh các dân tộc Mông, Tày, Mường… đang theo học. Năm nay, theo lịch phân công trực Tết, cô luân chuyển xuống điểm trường Tiểu học Hào Lý để trực Tết. Tinh mơ, cô cùng cô giáo Xa Thị Tươi trở dậy từ sớm để chuẩn bị bữa cơm đón mừng năm mới. Các cô vừa cúng trời đất vừa mong một mùa xuân ấm áp nữa lại đến với ngôi trường nằm nơi lưng chừng núi của mình. Trường có 7 lớp với 126 em học sinh. Trong những năm qua, dù cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, song với sự động viên, giảng dạy tận tình của các thầy cô giáo “cắm bản”, tỷ lệ học sinh khá giỏi luôn chiếm trên 80%... 

Thầy Nguyễn Đức Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường nở nụ cười tươi khi nghe chúng tôi hỏi về những khó khăn, vất vả mà các thầy cô giáo “cắm bản” đang gặp phải: “Dẫu khó khăn, dẫu nhớ nhà, song âu cũng là nhiệm vụ vì tình yêu thương con trẻ nên các thầy cô luôn động viên nhau vượt qua”. Ở nhà trường, có tới trên 80% các thầy cô giáo biết nhiều thứ tiếng, từ tiếng Kinh, Mường, Dao… cho đến tiếng Thái. Nguyên nhân cũng vì các em học sinh theo học tại trường thuộc các thành phần dân tộc khác nhau như: Dao, Thái, Mông, Mường…

Phóng viên Báo CAND trao đổi với cô giáo “cắm bản” Đinh Thị Yển.

Tiếp xúc với cô giáo Đinh Thị Yển, chúng tôi được biết, năm ngoái, cô trực mùng 1 Tết và năm nay cũng vậy. Cô xin ở lại trực Tết tại trường để đón Tết cùng bà con, cùng các em học sinh. Và có lẽ 4 chữ “nghĩa tình thầy trò” cũng như sự nhiệt huyết trong sự nghiệp gieo con chữ, thắp sáng ước mơ học sinh vùng cao đã thôi thúc các thầy cô giáo nơi đây… ở lại, vui xuân mới với bà con. Và cũng chính những dịp này, nhiều kỷ niệm đáng nhớ đã xuất hiện.

Cô giáo Yển nhớ như in, lần ấy khi sắp đến kỳ nghỉ Tết, gia đình em Bùi A Quốc – đang theo học lớp cô chủ nhiệm có đến nói chuyện và xin ra Tết cho con mình không đi học nữa. Qua tìm hiểu, nắm được nguyên nhân khiến gia đình em Quốc có nguyện vọng như vậy là do nhà nghèo, đường đi lại xa xôi, nên tranh thủ những ngày trực Tết, cô Yển cùng một số thầy cô giáo “cắm bản” đã đến nhà Quốc vừa chúc Tết vừa lý giải để gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho con em mình đến trường. Kết quả, ra Tết, không những không đến trường, mà mấy năm sau Quốc đều đạt danh hiệu học sinh khá – giỏi. “Cho đến giờ, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm ấy, những người gieo con chữ như chúng tôi thấy thật ấm lòng”, cô Yển tiếp lời.

Ở các bản làng xa xôi của xã Hào Lý, địa hình hiểm trở, đường đi còn gặp khó khăn. Có điểm bản, để đến được trung tâm xã, bà con phải mất nhiều giờ “cuốc bộ” vì đường đèo khó đi như: bản Suối Thương, Hào Phú v.v.. Những ngày nắng, đường đi đã khó. Vào lúc tiết trời đổ mưa, sương giăng kín các nóc nhà, đường đi lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dẫu còn có những khó khăn về địa hình, đời sống kinh tế trước mắt, thế nhưng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo “cắm bản” nơi đây, sự học của các em học sinh, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được duy trì và phát triển.

Khi kể về sự học của các em học sinh trong các chòm bản Hào Lý, trên khuôn mặt của chị Chu Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hào Lý lộ rõ niềm vui. Chị Hòa chia sẻ, toàn xã có 3 trường học (mầm non, cấp 1, 2) với trên 300 em học sinh thuộc các dân tộc Mường, Tày, Kinh, Dao, Thái… Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự tận tình của các thầy cô giáo “cắm bản” không quản ngại khó khăn vất vả, trong những năm qua, tỷ lệ học sinh đến trường luôn tăng cao. Nhiều em học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Có thầy thì xa vợ, có cô thì xa gia đình… rồi có thầy - cô “cắm bản” quên đi việc lập gia đình, những khó khăn ấy dường như không làm họ nản chí. Và trong căn nhà của đồng bào người Mường, người Dao, Thái… Các gia đình lại kể cho nhau nghe những câu chuyện cảm động về tình thầy – trò, về các thầy cô giáo “cắm bản”.

Trần Huy
.
.
.