Xử lý vi phạm về tài nguyên, môi trường ở Bình Dương

Chủ Nhật, 10/06/2018, 09:03
Bình Dương là địa bàn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm dẫn đầu cả nước. Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với hơn 31.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường và tài nguyên diễn biến phức tạp.

Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan Công an đã phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung xử lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường và khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó, phát hiện 650 cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Cơ quan Công an đã xác minh làm rõ đề xuất xử lý trên 600 vụ, với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng.

Cụ thể, một số doanh nghiệp xả nước thải vượt chuẩn cho phép kể cả trong và ngoài khu công nghiệp, lợi dụng những lúc trời mưa; xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành, vận hành không thường xuyên hoặc chỉ để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Tuy các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đấu nối với nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn lén lút xả nước thải ra cống thoát nước mưa. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật về môi trường, trong khi công tác nắm tình hình, xử lý của các cấp, ngành chức năng cơ sở còn bất cập, thiếu sót nhất định.

Cũng theo Công an tỉnh Bình Dương: toàn tỉnh có tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên 6.461 tấn/ngày. Hiện có 45 đơn vị được cơ quan thẩm quyền cấp phép tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải các loại. Trong đó, có 14 đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Thực tế, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp và sinh hoạt chỉ đạt khoảng 80% lượng chất thải phát sinh trong ngày, từ đó lượng chất thải rắn phát sinh không được thu gom xử lý khá lớn và gia tăng trong thời gian tới. Do vậy, nhiều khu đất trống trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An... đã bị một số đối tượng tập kết, đổ trộm chất thải rắn, đốt chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp với khối lượng rất lớn.

Tình trạng này đã gây ô nhiễm môi trường, làm người dân bức xúc. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan Công an đã phát hiện, xử lý 20 vụ, phạt hành chính gần 5 tỷ đồng, tịch thu 8 ôtô tải các loại.

Điển hình, Công an tỉnh Bình Dương bắt xe tải BKS 61C-275.25 do Sơn Chuyền (31 tuổi, ngụ Bình Dương) điều khiển vận chuyển 62 thùng phi chất thải nguy hại không phép. Xe tải trên thuộc cơ sở thu mua phế liệu do Đỗ Văn Trì (ngụ thị xã Thuận An) làm chủ.

Tang vật khai thác cát trái phép tại hồ Dầu Tiếng.

Chuyền khai nhận, đã được Trì yêu cầu chở số thùng phi chứa keo, sơn đã qua sử dụng chưa được xử lý từ một công ty (thị xã Thuận An) về đổ tại bãi đất trống của cơ sở thu mua phế liệu do Trì làm chủ. Công an phát hiện cơ sở này không có chức năng thu mua, kinh doanh chất thải nguy hại nhưng lưu giữ 2.800 bao bì nhựa, kim loại thải dính hóa chất, dung môi thải các loại…

Đáng chú ý, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, đe dọa nghiêm trọng lâu dài cho môi trường tập trung nhiều trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát và trên các tuyến sông Sài Gòn, sông Thị Tính, sông Đồng Nai…

Đặc biệt, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên khu vực lòng hồ Dầu Tiếng gây sạt lở đôi bờ có nguy cơ mất an toàn hành lang đê điều. Tình hình mua bán, vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ diễn ra không chỉ đối với các bãi tập kết cát trên bờ mà còn mua, bán cát trực tiếp trên sông bằng xà lan và tàu sắt lớn. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng địa bàn giáp ranh, ngày nghỉ và ban đêm hoạt động để  lẩn trốn khi cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét.

Sau các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, các đối tượng khai thác cát trái phép đã giảm hoạt động nên vi phạm cũng giảm xuống. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn còn lén lút hoạt động.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh: Với tinh thần chủ động và quyết tâm đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều kế hoạch chuyên đề, mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên. Trong đó, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, các ngành nghề, đối tượng có nguy cơ vi phạm cao.

Cụ thể, đã tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra các doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý dọc các tuyến sông, suối. Phối hợp ngành chức năng các địa bàn giáp ranh tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông giáp ranh. Tổng điều tra, khảo sát, kiểm tra xử lý tình hình khai thác khoáng sản trái phép khu vực hồ Dầu Tiếng; các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.

Cùng với công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Dương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ môi trường; vận động người dân phát hiện, tố giác, cung cấp tin về các hành vi vi phạm liên quan việc kinh doanh phế liệu, vận chuyển chất thải không đúng quy định, các đối tượng đổ, đốt chất thải trái phép; phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra.

Từ đó, xử lý vi phạm, phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót của các ngành, các cấp trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận chuyển, mua bán phế liệu, đổ, đốt chất thải để đề xuất các biện pháp chấn chỉnh kịp thời…

Đức Mừng
.
.
.