Du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5:

Xu hướng tiết kiệm an toàn khi xuống biển, lên rừng

Thứ Hai, 06/04/2015, 10:00
Khác với mọi năm, vấn đề tiết kiệm, ngăn ngừa nạn chặt chém tại các điểm du lịch và đặc biệt là đảm bảo an toàn khi tắm biển, hồ, sông suối luôn được các quan tâm hàng đầu.

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ, 30-4 và 1-5 năm nay, nhiều gia đình và cá nhân đã lên kế hoạch du lịch, nghỉ mát từ rất sớm tập trung nhiều nhất là các vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc, Hà Tiên, Cần Giờ… và xứ lạnh hoa anh đào Đà Lạt.

Còn anh Nguyễn Văn Phong, doanh nhân chuyên nghề vật liệu xây dựng tại quận 10, TP Hồ Chí Minh quả quyết, gia đình anh sẽ đi núi Sam cùng Bà Chúa Xứ và sau đó lên núi Cấm. Du lịch hành hương, tâm linh là sự chọn lựa của gia đình anh và nhiều doanh nhân, bạn bè làm nghề buôn bán, kinh doanh. Khác với mọi năm, vấn đề tiết kiệm, ngăn ngừa nạn chặt chém tại các điểm du lịch và đặc biệt là đảm bảo an toàn khi tắm biển, hồ, sông suối luôn được các quan tâm hàng đầu.

Vào các dịp lễ, tết hằng năm, các khu du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ẩm thực tại Vũng Tàu, Đà Lạt và một số nơi khác thường tìm mọi cách nâng giá dịch vụ lên cao gấp nhiều lần ngày thường và giá niêm yết, tìm mọi cách để chặt chém khách hàng. Cơ quan chức năng của địa phương quản lý về du lịch, dịch vụ có những biện pháp ngăn chặn nhưng hầu như không có hiệu quả.

Một chủ phòng trọ tại TP Vũng Tàu đã nói: Các đoàn kiểm tra đến đều xác định giá cả đúng quy định, niêm yết… Còn việc tăng là do… nghệ thuật kinh doanh. Theo cách của người này cho biết, khi đến cận ngày cao điểm, các nhà trọ, khách sạn có giá 250.000-300.000đ/phòng đều từ chối nhận khách vì… đã hết phòng, đã có người đặt trước. Nếu cần nghỉ thì còn loại 600.000-800.000đ/phòng. Chủ khách sạn tự “nâng cấp, phong sao” cho các loại phòng hạng bét thường ngày không ai nghỉ, trở thành phòng VIP. Khách tìm bất cứ nơi đâu cũng đều nghe điệp khúc quen thuộc đó, bí quá nên đành phải chọn giá 600 ngàn thấp nhất để qua đêm.

Tương tự, các loại đặc sản, hải sản tươi ngon từ trước và trong lễ, các đầu nậu tích cực thu gom về chứa sẵn. Khi đến cao điểm hàng vạn khách đổ xô về biển luôn có nhu cầu thưởng thức đặc sản… đầu nậu, thương lái tung hàng ra bán, hét với giá trên trời. 1kg ghẹ, bình thường tại biển Vũng Tàu, Long Hải trên dưới 150 ngàn đồng, giờ bay tốc độ hỏa tiễn lên thành 8-9 trăm ngàn. Bình thường tại TP Hồ Chí Minh, vào mùa hiếm giá cũng có thể đội lên 6-7 trăm ngàn/kg. Nhưng chắc chắn giá gốc cũng chỉ vào khoảng 250.000-300.000đ/kg, do thương lái và bảo kê vựa, cảng ép giá lên cao.

Còn các loại thịt rừng đặc sản trên cao nguyên thường chỉ là loại “tự chế”, tự quảng bá cũng hét với giá trên trời. Vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết dài ngày, lại tiếp tục nghỉ lễ nên không ít gia đình gặp “khó khăn” về kinh tế, nên kế hoạch chi tiêu cho nghỉ lễ, du lịch cũng tiết kiệm tối đa. Dựng lều trại, ngủ nhà dân, ngủ bụi, dã ngoại… đang được các bạn trẻ háo hức tham gia.

Trong khi du lịch gia đình, nhiều người thì tăng phần “lương thực, thực phẩm, đồ uống” theo kiểu mua và mang theo từ TP, luôn đảm bảo có chọn lựa “ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh” các thành viên sẽ tự chế biến, hạn chế ăn uống và mua tại chỗ với giá cả trên trời.

Chị Nguyễn Thu Bình (quận 6) cho biết, gia đình tôi chuẩn bị đi du lịch là mua sắm đầy đủ các thứ mang theo, kể cả cua, ghẹ, ốc… cũng lấy gốc từ các vựa Cà Mau, Phước Hải tại thành phố. Nên chi phí mỗi dịp như vậy tiết kiệm được rất nhiều lần”… Còn bạn Mai Phương, 24 tuổi (quận 1) thì đơn giản hơn: Nhóm tụi em đi xe gắn máy ra Phan Thiết, ngủ nhà đứa bạn, ban ngày đi chơi, chỉ mang theo ít đồ hộp, đồ khô. Du lịch “siêu tiết kiệm” này hiện cũng đang là xu hướng phổ biết cho rất nhiều gia đình tại thành phố khi được nghỉ ngơi dài ngày.

Hoàng Châu
.
.
.