Xin về hưu sớm phát triển nghề nuôi chim trĩ

Chủ Nhật, 06/09/2015, 10:00
Ông Trần Văn Chức ở thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu (Duy Xuyên, Quảng Nam), sinh ra trong một gia đình nghèo nên học đến lớp 9 thì phải nghỉ học ở nhà cày, cuốc kiếm sống cùng cha mẹ. Đến tuổi thanh niên, ông tham gia nghĩa vụ quân sự, cho tới năm 1983 thì hoàn thành.

Trở về quê nhà, ông được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã, rồi Chủ tịch Hội Nông dân xã, mãi đến năm 2002 thì nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Duy Thu. Trong khoảng thời gian đó, nhận thấy bản thân là cán bộ xã mà kiến thức còn hạn hẹp nên ông tranh thủ học bổ túc văn hóa và thi đỗ vào ngành Kinh tế nông nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Huế (hệ vừa học vừa làm).

“Trong thời gian học đại học, tui được giao làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài nghiên cứu quy trình nuôi chim trĩ đỏ trong điều kiện nuôi nhốt ở Quảng Nam. Vì, ở Quảng Nam mô hình này chỉ ở dạng nuôi kiểng tự phát chứ chưa thực sự phát triển mạnh, nên tui phải ra Hà Nội tìm hiểu quy trình kỹ thuật từ các hộ nuôi loại chim này”.

Ông Chức giải thích và nói tiếp rằng, khi nghe tin ông đã học được nhiều kỹ thuật nuôi chim trĩ nên một người bạn đã mang đến 200 trứng và nhờ tạo lò ấp hộ. Ông bèn tìm cách tự sáng tạo lò ấp trứng và cho nở được 139 con. Với thành quả này, ông được người bạn tặng 2 con chim mái và 1 chim trống nuôi để làm cảnh. 

Ông Trần Văn Chức đang hướng dẫn cách nuôi chim trĩ cho bà con trong vùng.

“Vô tình được tặng mấy con chim trĩ, tui liền chăm sóc và quan sát để phục vụ cho đề tài tốt nghiệp. Vì trước đây gia đình tui đã từng nuôi gà bán thịt, nên tui nghĩ bây giờ chuyển sang nuôi chim trĩ chắc cũng giống nhau. Từ đó tui cũng thử mày mò tìm cách nhân giống. Không ngờ chỉ từ 3 con chim trĩ anh bạn cho, sau này nó phát triển lên thành 20 con. Rồi một năm kế đó thì tui đã có gần 100 con”, ông Chức phấn khởi chia sẻ.

Thành công ngoài sự mong đợi nên sau khi hoàn thành bài khóa luận và tốt nghiệp đại học loại giỏi, ông Chức ấp ủ dự định phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi chim trĩ. Lúc này, nhận thấy nhiều cán bộ trẻ của xã có trình độ văn hóa, năng lực quản lý nổi trội, trong khi bản thân ông tuổi đã lớn, nên tháng 4/2015, ông làm đơn xin nghỉ việc sớm trước 7 năm.

Hiện tại trang trại của ông Chức có 50 con chim trĩ giống và hàng trăm con để cung cấp ra thị trường. Trung bình mỗi ngày, cứ 50 con chim mái đẻ được từ 30-35 trứng với giá 20.000 đồng/trứng. Mỗi con chim con nuôi khoảng 6 tháng là có thể xuất thịt với giá 200.000 đồng/kg và đối với chim giống là 500.000 đồng/con. Khấu trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông Chức thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ông cũng cho biết, nếu nuôi bán chim trĩ giống thì sẽ lời gấp 5 lần và bán chim thương phẩm sẽ lời gấp 3 lần, so với việc nuôi gà… 

Đáng quý hơn, để tạo điều kiện cho bà con trong xã cùng phát triển mô hình kinh tế này, xóa đói giảm nghèo, ông Chức vừa bán, vừa tặng chim trĩ giống và nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cho mọi người cùng biết. Học theo ông Chức, nhiều hộ gia đình nuôi chim trĩ cung cấp thịt thương phẩm cho các nhà hàng, cuộc sống kinh tế dần ổn định và phát triển vươn lên…

Hà Ngọc
.
.
.