Vùng cao Quảng Trị quay quắt vì nắng hạn

Thứ Bảy, 23/05/2015, 15:25
Hiện nay nhiều nơi ở các xã, huyện vùng cao tỉnh Quảng Trị đã phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng. Hầu hết các cây cối, hoa màu, ruộng lúa nước đều đã queo quắt vì nắng hạn. Bà con phải thức dậy 3-4 giờ sáng vào tận rừng sâu để tìm kiếm nước mang về ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày…

Ông Hồ Văn Lò, bản Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cùng với hàng chục người đứng chờ hàng giờ đồng hồ để lấy nước, ở bể nước lớn của bản; nhưng mãi vẫn không thấy có nước.

Ông Lò quệt mồ hôi trên khuôn mặt, giọng buồn bã, nói: “Do nắng hạn nhiều ngày, mực nước sông Sê Pôn đã xuống rất thấp, trong khi xí nghiệp nước phải cung cấp nước cho hàng nghìn hộ dân. Vì thế, có nhiều ngày, bà con đứng đợi suốt cả ngày mà bể nước của bản vẫn không có nước”.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, do năm 2014 Quảng Trị có mưa rất ít, nên hạn nặng đã xảy ra ngay từ đầu mùa khô năm nay. Đầu tháng 4/2015, Xí nghiệp Cấp nước Lao Bảo đã phải huy động lực lượng đắp đê bao tạo nguồn cho Trạm bơm 1 từ sông Sê Pôn, nhưng do mực nước ở sông còn thấp nên lượng nước thu gom được không đáng bao nhiêu.

Theo báo cáo của Xí nghiệp Cấp nước Lao Bảo, riêng trên địa bàn thị trấn Lao Bảo có 3.800 hộ dân và 144 cơ quan, đơn vị. Hiện tại, để khắc phục tình trạng thiếu nước, Xí nghiệp chỉ còn cách cấp nước luân phiên và nhỏ giọt cho từng nơi một.

Lúa nước ở vùng Lìa, Hướng Hóa khô quắt vì hạn. 

Cây cối hai bên đường từ ngã ba Tân Long, xã Tân Long vào 7 xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa đều đã queo quắt, chết khô vì thiếu nước. Cây trồng chủ lực ở vùng cao này là sắn cao sản, cung cấp hàng trăm nghìn tấn sắn củ hàng năm cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa. Nhưng nay phần lớn diện tích cây sắn mới trồng lên xanh ở đây đều đã vàng lá, chết khô do thiếu nước trầm trọng. 

Ông Hồ Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã A Xing, một trong 7 xã vùng Lìa này cho biết: “Nắng nóng kéo dài đã 3 tháng nay, trong khi sông ngòi, hồ chứa đều đã cạn kiệt nước do năm 2014 trên địa bàn hầu như không có mưa lớn, khiến cho mọi cây trồng chết đứng, người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Hiện bà con ở nhiều bản làng đã phải thức dậy từ rất sớm, tầm 3 hoặc 4 giờ sáng để đi vào tận rừng sâu tìm kiếm mới có nước mang về dùng mỗi ngày”. 

Thôn A Mô Rơ, xã A Xing nằm dưới chân núi A Mô Rơ cao hơn một nghìn mét. Đây là khu vực có đất đai khá bằng phẳng, nước từ rừng sâu đổ ra đồng ruộng quanh năm. Nhưng nay, cánh đồng lúa A Mô Rơ lớn nhất của xã này cũng đang phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng.

Ông Hồ A Lớt, một nông dân thôn A Mô Rơ tâm sự: “Năm nay, nắng hạn khốc liệt quá. Bây giờ cây lúa dần chết hết cả rồi, mình định nhổ lúa để trồng cây khác. Nhưng đã nhiều đêm suy nghĩ, tính toán vẫn chưa tìm ra được cây nào trồng thay thế cây lúa nước, vì cây nào rồi cũng cần tới nước cả”.

Cũng như các bản làng của huyện Hướng Hóa, trên các bản làng huyện vùng cao Đakrông, Quảng Trị, nơi nào chúng tôi đến đều thấy một màu vàng cháy khô khốc. Địa phương bị ảnh hưởng nắng hạn nặng nhất phải kể tới xã A Ngo. Ngay từ đầu năm, bà con đã xuống vụ trồng các loại cây hoa màu cho năng suất cao như lạc, ngô. Nhưng nay, nắng hạn đã làm cháy trắng ruộng đồng. Hoa màu mất trắng, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng đã trở nên vô cùng khan hiếm.

Ông Hồ Văn Lát, xã A Ngo cho biết, do con sông bị ngăn nhiều đoạn để xây dựng các công trình thủy điện, cộng với nạn đào đãi vàng trái phép, chặt phá rừng tràn lan từ nhiều năm nay, đã làm cho nguồn nước sinh hoạt của bà con vốn có ở các khu vực rừng già bị cạn kiệt, mất dần mà không sinh ra được nữa…

Thanh Bình
.
.
.