Nỗi đau ở Ma Ly Chải

Thứ Bảy, 18/02/2017, 20:35
Chưa bao giờ một vùng rẻo cao yên bình lại gặp một chuyện kinh hoàng như thế. Cả huyện Phong Thổ có tới 178 người nhập viện cấp cứu, 8 người đã tử vong, nhiều người đang nguy kịch. Gần 1 tuần xảy ra vụ ngộ độc rượu, vùng rẻo cao này vẫn còn u ám...


Tính đến chiều ngày 18-2, các lực lượng chức năng của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã vận động và đưa 178 người trên địa bàn các xã đến cơ sở y tế để khám, điều trị do nghi ngộ độc thực phẩm. Ngày 18-2, Báo CAND thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ các gia đình nạn nhân có người thiệt mạng.

Ngày 18-2, chúng tôi tới bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nơi có nhiều nạn nhân tử vong nhất trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 13-2. 

Giải thích với chúng tôi, ông Phu Cha Pô, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Một ngày có 7 người trong xã chết đã khiến nhân dân hoang mang, nhiều gia đình ở bản Tả Chải dọn lên lán ở vì họ sợ bệnh tật. Cô giáo tới lớp không có học sinh nên phải tạm nghỉ. Nhưng đến nay các lực lượng đã vận động họ trở về nhà hết rồi”. 

Bản Tả Chải vẫn u ám sau vụ việc

Nhà ông Phu Vần Lèng – nơi diễn ra đám ma và tổ chức ăn cỗ ngày 12-2 mời dân làng và xảy ra ngộ độc khiến 7 người thiệt mạng nằm ở ngay đầu bản. Trong nhà vắng lặng như tờ bởi 4 người con ông Lèng (2 con trai, 1 con gái, 1 con rể) đều đang cấp cứu trong bệnh viện. 

Kể lại sự việc vừa qua, bà Mẩy không cầm được nước mắt. Bà cho biết, thường ngày ông Lèng hay mua rượu tại cửa hàng tạp hóa Hương Dìn của Phùng Thị Hương ỏ chợ Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu) về uống. Ngày 10-2, ông Lèng mua 1 lít rượu ở hàng tạp hóa Hương Dìn về uống. Đến trưa ông có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không nhìn thấy. 

8 gia đình đã mất người thân sau bữa tối

Bà Lèng đang làm nương thì thấy con gọi báo về bố bị ốm. Vừa bước vào nhà bà thấy chồng kêu đau, sau đó ông Lèng uống tiếp một chén rượu nữa. Một tiếng sau, biểu hiện của ông càng nặng hơn, sau đó là tử vong khi chưa kip đưa đi viện.

Theo bà Mẩy thì để làm cơm trước ngày đưa ông Lèng ra đồng, gia đình tôi có lên hàng tạp hóa Hương Dìn mua một can 30 lít rượu. Ngày 12-2, số rượu này được rót ra mời khách, gia đình bà không pha gì vào rượu, mua thế nào thì uống như thế. 

Người dân vẫn bàng hoàng sau vụ ngộ độc

Nhắc tới nỗi đau này, bà Mẩy không khỏi lo lắng vì 4 người con đang trong bệnh viện không biết sống chết ra sao. Trong đó 2 anh con trai là Phu A Tư, Phu A Sử là 2 bệnh nhân nặng nhất. Nỗi áy náy dâng tràn trên khóe mắt của người phụ nữ Hà Nhì khi tại bữa cỗ nhà mình đã kéo theo nhiều người thiệt mạng.

Ma Ly Chải là xã biên giới, 100% là dân tộc Hà Nhì sinh sống, 75% là hộ nghèo, đời sống của đồng bào còn vô vàn khó khăn. 8 nạn nhân tử vong đều là trụ cột chính trong gia đình, khó khăn với người ở lại càng thêm chồng chất. 

Kể về nỗi đau mất người thân, chị Cồ Hừ Sừ, 40 tuổi nức nở: “Tôi đang ở trên lán thì thằng con trai lớn hớt hải lên gọi bố bị ốm. Vừa về tới nhà đã thấy anh ấy rơi vào hôn mê. Nghe cháu nó bảo chiều bố ngủ dậy kêu đau đầu, hoa mắt, không nhìn thấy gì. Nó vội vã đi gọi bà và mẹ, nhưng sau 2 tiếng đưa đến trung tâm y tế thì anh ấy tử vong trong cơn đau dữ dội”. 

Chồng chị Sừ là anh Ma Gà Po, Phó Chủ tịch HĐND xã Ma Ly Chải, cũng tham gia bữa cỗ đám ma tại nhà ông Lèng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những nạn nhân tử vong cũng thường mua rượu ở chợ Sì Lở Lầu về uống và chưa xảy ra ngộ độc rượu lần nào.

Cơ quan chức năng đã niêm phong cơ sở nấu rượu của gia đình Phùng Thị Hương ở Ma Ly Chải.

Những can rượu đang được niêm phong chờ kết luận giám định của cơ quan chức năng

Chiều 18-2, chúng tôi tới chợ Sì Lở Lầu, không khí vắng vẻ khác thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hộ kinh doanh ở chợ này có bán rượu của Trung Quốc, nhưng theo người dân thì chưa có vụ ngộ độc nào phải đi cấp cứu hoặc chết người do uống rượu xảy ra. 

Ngay sau khi chị Phùng Thị Hương bị Công an tỉnh Lai Châu tạm giữ thì cửa hàng này cũng đóng cửa, chồng và con của chị Hương cũng dọn đi ở chỗ khác. Hiện căn nhà này chỉ còn mẹ đẻ của chị Hương là bà Tẩn Lở Mẩy, trú ở xã Vàng Ma Chải lên trông nom. 

Hỏi về quy trình nấu rượu của chị Hương, bà Mẩy lắc đầu: “Tôi không ở cùng nên không biết”. Chúng tôi gặp em trai chị Hương là Phùng Sần Phú và được biết, Phú thỉnh thoảng có lên ở cùng với vợ chồng chị gái. Hơn 1 năm trước chị Hương bắt đầu nấu rượu bán. Chị nấu rượu gạo, mua men rượu ở ngã ba Mường So về ủ. 

Chợ Sỉ Lở Lầu vắng vẻ sau vụ việc
Đại diện Báo CAND trao tiền hỗ trợ gia đình các nạn nhân

Trước đây, mọi người quanh đó đều mua rượu của chị Hương về uống nhưng chưa xảy ra ngộ độc. Dẫn chúng tôi vào nơi nấu rượu của chị Hương, đập vào mắt chúng tôi là chỗ nấu rượu rất mất vệ sinh. Ngay dưới các thùng ủ rượu là chuồng lợn bốc lên mùi hôi thối và ruồi bay đầy.

Ông Phu Cha Pô cho biết, xã Ma Ly Chải không có hộ nấu rượu để kinh doanh mà chỉ có người dân tự nấu rượu để uống. Do vậy chính quyền địa phương không kiểm tra, kiểm soát nên không biết họ nấu và ủ thế nào. Đến chiều 18-2, xã đã niêm phong 5 cửa hàng bán rượu trên địa bàn và thu hồi toàn bộ rượu.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.