Nha Trang và Đà Nẵng sẽ phát triển mô hình “sơn thủy” của San Diego

Thứ Tư, 07/11/2018, 18:30
Chiều 7-1, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức buổi họp báo về sự kiện “Diễn đàn Hà Nội 2018” với chủ đề “Hướng đến Phát triển bền vững - Ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh” sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-11.


Đây là diễn đàn quốc tế toàn diện đầu tiên về biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm chia sẻ những bài học, kinh nghiệm ứng phó với BĐKH đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu, và Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Nhân “Diễn đàn Hà Nội 2018”, PV Báo CAND đã trao đổi với Giáo sư Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu về những giải pháp giúp Việt Nam ứng phó thành công với những bất thường của khí hậu.

Giáo sư Mai Trọng Nhuận (giữa) đang chủ trì họp báo Diễn đàn Hà Nội 2018

PV: Để chuẩn bị cho diễn đàn, ĐHQGHN có những khảo sát thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tình hình BĐKH ở Việt Nam hay không? Theo Giáo sư, nguy cơ nào đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của chúng ta?

Giáo sư Mai Trọng Nhuận: Diễn đàn sẽ đưa ra những bằng chứng sinh động nhất cho thấy sự can thiệp thô bạo của con người gây ra BĐKH, từ đó đề xuất các mô hình ứng phó và các giải pháp dựa vào thiên nhiên, giải pháp về thể chế, chính sách và nguồn năng lực để hướng tới phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn. Những giải pháp tổng hợp này sẽ được trình diễn trên hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Đây là hai vùng đồng bằng chịu thách thức rất lớn của BĐKH và an ninh phi truyền thống. 

Trước khi tổ chức diễn đàn, ĐHQGHN đã thực hiện một số đề tài như: Xây dựng đô thị ven biển thích ứng với BĐKH; đánh giá tính bền vững của vùng duyên hải để ứng phó với BĐKH, quản lí tài nguyên bảo vệ môi trường; đánh giá, xác lập được chỉ số bền vững vùng ven biển vốn nhạy cảm và biến động. Ngoài ra, còn có một nhóm nghiên cứu khác (không phải của ĐHQGHN) lần đầu tiên xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH dựa vào hệ sinh thái xã hội. Nghiên cứu này sẽ được trình bày tại diễn đàn.

PV: Giáo sư có thể cho biết một vài mô hình, kinh nghiệm ứng phó thành công với biến đổi khí hậu của những quốc gia mà Giáo sư tâm đắc, để có thể áp dụng vào Việt Nam?

Giáo sư Mai Trọng Nhuận: BĐKH diễn ra trên toàn cầu nhưng lại ứng phó cụ thể ở từng khu vực, từng quốc gia, và kinh nghiệm của quốc gia này sẽ trở thành bài học quý giá của quốc gia khác. Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều mô hình với các giải pháp khác nhau. 

Đó là thành phố San Diego của Hoa Kỳ, chúng tôi gọi đó là thành phố “sơn thủy”, dựa vào “sơn” để  sống lâu bền nhưng hưởng lợi từ “thủy”. Đây là mô hình rất thành công, từ thiết kế, quy hoạch, cho đến thi công, xây dựng. Ví dụ vùng sát ven biển, họ không bao giờ xây nhà cao tầng vĩnh cửu. 

Áp dụng mô hình này, chúng tôi nhận diện mô hình thích ứng phù hợp ở các vùng ven biển Việt Nam. Việt Nam có hai nhóm đô thị là “đô thị thủy” như TP Hồ Chí Minh, Rạch Giá, Hải Phòng và đô thị “sơn thủy” như Đà Nẵng, Nha Trang. 

Từ nghiên cứu đó, chúng tôi đã đề xuất Nha Trang, Đà Nẵng kế thừa phát triển mô hình “sơn thủy” của San Diego. 

Thứ hai, mô hình của thành phố Amstecdam và Venice, đây là hai thành phố chằng chịt sông ngòi, nhưng ở đấy người dân thông thủy để dòng chảy càng tự nhiên bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu, giảm tối đa ngăn đập kè, sống hài hòa với nước. 

Chúng tôi cũng khuyến nghị áp dụng mô hình này vào “đô thị thủy” Việt Nam ở TP Hải Phòng, Rạch Giá, khơi thông các dòng chảy tự nhiên, kết nối bằng các đường trên cao không cản trở giao thông. 

Hay ở Na Uy có những cảng chuyên đánh bắt thủy hải sản, giống nhiều cảng ở Việt Nam. Họ xác định nếu quá phụ thuộc vào biển sẽ không hiệu quả, nên người dân ở đó quyết định chuyển đổi nghề đánh bắt thành “du lịch thủy sản biển”. Khách du lịch muốn trải nghiệm các phương thức đánh bắt cá của Na Uy thì phải trả tiền, như vậy, người dân sẽ hưởng lợi gián tiếp từ biển, chuyển đổi sinh kế giảm bớt phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. 

Từ đó chúng tôi đề xuất đồng bằng sông Cửu Long, coi vùng “mặn, lợ” là tài nguyên chứ không phải “kẻ thù”, từ đó chuyển đổi sinh kế phù hợp, không chống lại thiên nhiên.

Sạt lở đất nghiêm trọng và hạn hán tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn đe dọa cuộc sống người dân.

Tôi phải nói thêm rằng, Việt Nam cũng có những đóng góp mang tính dẫn dắt cho thế giới. Đấy là mô hình Việt Nam “chung sống khôn ngoan” với lũ, bão, điển hình là đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và cao hơn, chúng ta hướng tới việc Việt Nam sẽ thành công trong “chung sống khôn ngoan” với biến đổi khí hậu. 

PV: Diễn đàn lần này sẽ là nơi trao đổi học thuật và các chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu. Theo Giáo sư, giải pháp nào là quan trọng nhất?

Giáo sư Mai Trọng Nhuận: Cá nhân tôi cho rằng, nền khoa học công nghệ kỹ thuật và nền tảng vật chất của chúng ta chưa cao, đòi hỏi một số tiền khổng lồ. Nếu chúng ta tập trung ưu tiên những thứ đó thì rất quý, nhưng trong điều kiện khó khăn, nếu phải lựa chọn giải pháp để ưu tiên đầu tư thì hãy phát triển nguồn nhân lực thông minh. Đây là giải pháp khôn ngoan nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh Việt Nam để ứng phó với BĐKH. 

Giải pháp thứ hai chính là giải pháp về khoa học, xây dựng khái quát các mô hình từ thực tiễn, ví dụ mô hình sống chung với lũ, bão, hạn mặn, từ định dạng, quy trình để chuyển giao mô hình cho người dân. 

Giải pháp thứ ba là sáng tạo ra những công nghệ giá rẻ phù hợp với Việt Nam. Và một giải pháp bao trùm nữa, đó là đổi mới dân vận, sáng tạo thể chế chính sách, mở đường cho phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ. Hãy mạnh dạn đặt mục tiêu ứng phó với BĐKH là “business” (business” cao hơn nghĩa kinh doanh, thương mại), coi cuộc chiến chống BĐKH là một “business”. Do đó phải đặt tính hiệu quả, lợi ích toàn diện về tài chính, xã hội, từ đó làm bài bản, có quy trình, chứ không phải cho tiền viện trợ, làm đến đâu thì làm, không giám sát, không kiểm tra.

 Diễn đàn Hà Nội sẽ được ĐHQGHN phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. 

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. 

Trong đó, bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; ông Stephen P. Groff, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc); ông Youba Sokona, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu…

Thu Phương
.
.
.