Việt Nam khống chế tốc độ gia tăng dân số quá nhanh

Thứ Năm, 11/07/2019, 18:57
Sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD Cairo, 1994), đến nay, công tác dân số Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. 

Theo Bộ Y tế, dân số nước ta khoảng 95 triệu người (năm 2018). Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua.

Tốc độ tăng dân số giảm xuống 1%

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của Việt Nam giảm từ 1,7% trong giai đoạn 1989 - 1999 xuống khoảng 1% từ năm 2010 – 2019. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ.

Mức sinh của nước ta trong những năm gần đây đã giảm mạnh. Năm 2016, Việt Nam đạt mức sinh thay thế khi bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu và được duy trì cho đến nay. Một số tỉnh có mức sinh thay thế giảm, có một số vùng “lõm” mầy năm nay, hạ thấp xuống từ 1,2 đến 1,3 con/người phụ nữ.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020. Giai đoạn dân số vàng sẽ kéo dài khoảng 30-40 năm.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, từ năm 1989 đến nay, cơ cấu dân số nước ta thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ người dân dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; tỷ lệ người dân trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.  

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam cũng tăng lên, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm.

“Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 34,9% năm 2017. Dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, được triển khai và từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi bước đầu phát triển” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết.

Triển khai thực hiện các mục tiêu dân số

Để có kết quả như trên là do Đảng và Nhà nước có chính sách đúng đắn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Công tác dân số đã tạo ra cơ cấu dân số hợp lý cho đất nước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện rõ rệt; tuổi thọ bình quân tăng nhanh và đạt 73,5 tuổi; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức trung bình trong các nước trên thế giới.

Phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày dân số thế giới tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho biết, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã được khống chế thành công. Việt Nam  đã sớm đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động của Hội nghị Dân số và Phát triển 1994. 

Những thành tựu này góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ vẫn đáp ứng được mức sinh thay thế. Đây là thành tựu quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước, việc tổ chức, triển khai của Chính phủ, các bộ ngành, và các địa phương có hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, bện cạnh các thành tựu đạt được thì Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức như: già hóa dân số; cơ cấu dân số, sự phân bố giữa các vùng miền, giữa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng với đô thị còn chênh lệch …đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần có sự chuyển hướng về chính sách. 

Công tác về dân số phải được thay đổi theo chất lượng cơ cấu, quy mô dân số hợp lý để chuẩn bị cho quá trình dân số Việt Nam chuyển từ dân số vàng sang quá trình già hóa dân số.

Tuy tuổi thọ bình quân của nước ta cao so với thế giới (76,6) nhưng chất lượng dân số gìa lại đang là vấn đề cần phải giải quyết khi tuổi thọ trung bình của người dân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp.

Mức sinh ở nước ta giảm mạnh trong những năm gần đây.

Đặc biệt, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh khi tỷ lệ này ngày càng cao và lan rộng. Tỷ số giới tính khi sinh đang chênh lệch ở mức nghiêm trọng với 115,1 bé trai/100 bé gái (tỷ số tự nhiên thông thường là 103 - 107 bé trai/100 bé gái). Điều này gây nên nhiều nguy cơ về mặt xã hội, thiếu phụ nữ trong những năm tới. Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, cần phải tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm quy định cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, thực hiện được các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới, UBND các tỉnh cần triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Những địa phương nào chưa ban hành chương trình hành động và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết thì nhanh chóng triển khai. Có thế, các mục tiêu công tác dân số mới đạt được hiệu quả.

Tr.H
.
.
.