Về nơi một thời nức tiếng vì thịt chó

Chủ Nhật, 23/09/2018, 07:00
Đến nay câu chuyện UBND TP. Hà Nội vận động người dân hạn chế ăn thịt chó, mèo vẫn được nhiều người quan tâm, bởi nó liên quan đến một thói quen "ẩm thực khoái khẩu" của rất nhiều người.

Chủ trương này cũng đang nhận được ý kiến nhiều chiều, song có một điều được đa số người dân đồng thuận là việc này giúp cho người dân tránh được các bệnh truyền nhiễm từ chó, mèo, thì thói quen này về lâu dài cũng nên bỏ. Để hiểu rõ tâm tư của người dân, chúng tôi đã về thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nơi một thời "nổi tiếng" bởi nghề buôn, bán thịt chó.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi tới thôn Yên Trường, cách đây 8 năm, trong một dịp đi chơi cùng bạn bè tôi đã tới đây và được biết nơi này có món thịt chó được xếp vào hạng "trên cả tuyệt vời". Ngày đó, khắp thôn nhan nhản quán thịt chó, từ đầu thôn đến cuối thôn, quán lớn quán bé nằm san sát nhau.

Chỉ cần thấy xe ôtô, xe máy đỗ chật kín, quán nào lớn cũng hết chỗ là cũng đủ biết thịt chó ở đây "nổi" tới cỡ nào. Khi quay lại đây, tôi thật sự ngạc nhiên vì cả thôn bây giờ không có lấy một cửa hàng bán thịt chó. Vào chợ Trường Yên cũng vậy, không còn những con chó thui vàng được bày trên sạp. Thay vào đó là những cửa hàng tạp hoá, hiệu làm tóc, hàng quần áo, hàng làm mây tre đan... Vắng bóng những quán thịt chó dường như làm cho nơi đây yên ả hơn.

Ngay đầu thôn có gia đình làm đám ma mà trên mâm chỉ có thịt gà, lợn..., chứ tuyệt nhiên không thấy đĩa thịt chó nào, chứng tỏ thói quen ăn thịt chó ở đây đã và đang dần thay đổi bằng những món ăn khác.

Thôn Yên Trường hiện có 12.000 hộ với 7.000 nhân khẩu, hiện chỉ có chưa đến 10 hộ là còn bán thịt chó. Còn lại người dân đã chuyển sang làm mây tre đan, buôn bán các mặt hàng khác, có người làm cho công ty xuất nhập khẩu, làm việc trong các khu công nghiệp...

Lân la hỏi chuyện một số người dân ở đây, tôi được biết bây giờ cả thôn gần như không còn ai giết mổ hay kinh doanh thịt chó nữa nhưng mà thói quen ăn thịt chó thì vẫn còn. Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, của thông tin đại chúng nên càng ít người ăn thịt chó, người dân đã nhận thức được sự quý giá của con chó về mặt đảm bảo an ninh cho nhà cửa, về tình cảm khăng khít giữa con người và con chó, và hơn nữa, đó là bộ mặt của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung trong con mắt khách du lịch nước ngoài. Do đó, số lượng người ăn thịt chó giảm, kéo theo việc buôn bán thịt chó cũng "ế ẩm" hơn trước.

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 4170/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành, địa phương của Hà Nội tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn TP. Trong đó đặc biệt lưu ý tuyên truyền phổ biến cho người dân hạn chế ăn thịt chó, mèo để phòng bệnh dại. Thông tin này làm cho bà con trong thôn hơi lo vì ở nơi đây không những ăn thịt chó ngày thường, mà còn giữ thói quen ngày mùng 4 Tết Âm lịch là phải làm mấy mâm cỗ, với thịt chó là món chủ đạo.

Theo thống kê sơ bộ thì vào ngày đó, 7.000 nhân khẩu ở thôn Yên Trường tiêu thụ hết gần 10 tấn thịt chó. Có năm thịt chó ở các đại lý hoặc nhà hàng còn không có mà bán, người dân phải lặn lội ra tận mấy quận sát trung tâm Hà Nội mới mua được. Người dân thôn Yên Trường mà thiếu món thịt chó, ngày mùng 4 Tết là mất vui hẳn.

Ngay mặt đường 6, đoạn rẽ vào thôn Yên Trường không còn nhiều quán thịt chó như ngày trước.

Để tìm hiểu về việc trong thôn không còn kinh doanh thịt chó, tôi đã làm việc với Trưởng thôn Yên Trường, ông Nguyễn Gia Tứ (62 tuổi). Ông Tứ cho biết, đã từ lâu ở thôn không ai bán thịt chó và có hai lý do bà con không giết mổ, kinh doanh thịt chó: Một là ý thức của người dân cũng đã hơn ngày xưa, họ quý trọng con chó hơn, nhất là giới trẻ. Thứ hai là người dân cũng ý thức được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi các bệnh truyền nhiễm.

Bản thân ông Tứ cũng thấy rằng, lãnh đạo TP. Hà Nội khuyến khích hạn chế ăn thịt chó là đúng, vì con chó là người bạn trung thành của con người nhưng để người dân không ăn thịt chó cần phải có thời gian. Dù sao ở thôn ông, ăn thịt chó cũng là một thói quen xa xưa, bảo bỏ ngay cũng rất khó. Bây giờ trong thôn hầu hết đều đã chuyển sang nghề khác, có người vì bán thịt chó không còn lời lãi như trước, nhưng cũng có người cho rằng giết, bán, ăn thịt chó để lại cái nghiệp về sau cho con cháu nên họ nghỉ sang buôn bán hoặc làm ruộng.

Ông Tứ cho biết, từ khi các hộ kinh doanh thịt chó chuyển sang nghề khác, cuộc sống trong thôn yên bình hơn hẳn, không còn nghe tiếng chó kêu ăng ẳng vì bị đập đến gai người.

Bà Hoàng Thị Mận (75 tuổi), người thôn Yên Trường cho hay, lãnh đạo thành phố ra chủ trương như vậy là đúng nhưng mà cần phải có thời gian để người dân thích nghi và trong tương lai sẽ bỏ được thói quen ăn thịt chó.

Có thể thấy, xã hội hiện đại sẽ hình thành ý thức trong mỗi người về những thói quen nên giữ, hay nên bỏ. Chủ trương khuyến khích hạn chế sử dụng thịt chó của UBND TP. Hà Nội là hoàn toàn đúng, phù hợp với bối cảnh hiện đại hoá của đất nước hiện nay. Tuy nhiên để người dân thực hiện thì cần phải có thời gian, và quan trọng nhất là cách thức tuyên truyền tới người dân về thịt chó về mọi mặt: tình cảm với con chó trong mỗi gia đình,  và một việc chưa được quan tâm làm thường xuyên là kiểm tra  những bệnh tật tiềm ẩn trong thịt chó.

Phong Sơn
.
.
.