“Vạch mặt” độc tố trong bữa ăn công nhân

Thứ Bảy, 14/05/2016, 10:27
Tại Hội nghị tổng kết về công tác đảm bảo ATVSTP tại các KCN - KCX tổ chức vào sáng 12-5, đại diện Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh thừa nhận, mặc dù ngộ độc thực phẩm (NĐTP) quy mô lớn có giảm nhưng số vụ NĐTP đang có chiều hướng tăng.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, số người NĐTP đã bằng cả năm 2015. Đặc biệt, NĐTP tại KCN - KCX tại thành phố đang có xu hướng gia tăng trở lại. Trong đó, nguyên nhân các vụ việc NĐTP xảy ra trong KCN hiện nay được nhận định, tới 80% do nguyên nhân món ăn bị nhiễm vi sinh vật.

Những năm trước đây, tỉ lệ số vụ việc NĐTP tìm được nguyên nhân do nhiễm vi sinh mới dừng ở trên 50%. Điều này có liên quan rất lớn tới khâu chế biến, qui trình nấu ăn và thực hiện các qui tắc bắt buộc với người trực tiếp chế biến thực phẩm đã bị bỏ qua, thiếu các bước theo qui định, gây NĐTP.

Công nhân một xí nghiệp sau bữa trưa bị NĐTP khiến hàng loạt người phải nhập viện.

Theo Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, tính từ năm 2014 đến tháng 4-2016, số vụ NĐTP đã tăng lên, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 đã có 5 vụ (bằng số vụ ngộ độc của cả năm 2014) với 248 người mắc, gần bằng số người mắc của cả năm 2015. Điển hình là vụ NĐTP xảy ra tại Công ty TNHH Dệt Đông Minh có vốn Đài Loan, đóng ở KCX Tân Thuận (quận 7), khiến 49 công nhân phải nhập viện (ngày 12-4-2016) sau khi ăn trứng ốp la, thịt bò và canh rau củ vào bữa trưa ở công ty.

Chỉ sau 30 phút ăn cơm, các công nhân đã rơi vào tình trạng chóng mặt, buồn nôn. 49 người được đưa vào Bệnh viện Quận 7, trong đó có 1 người bị ngộ độc cấp phải chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115.

Trước đó, ngày 12-3, sau khi ăn bữa trưa, nhiều công nhân của Công ty TNHH Sonion Việt Nam (đóng tại khu công nghệ cao, phường Tân Phú, quận 9, TP Hồ Chí Minh) cũng có biểu hiện nôn ói, chóng mặt nên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Được biết, bữa trưa có các món ăn thịt bò, canh rau củ và trứng ốp la. 30 phút sau, nhiều công nhân cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Bữa ăn gây ngộ độc được biết là do nhà ăn công ty đang sửa chữa nên các suất ăn được một đơn vị bên ngoài cung cấp...

Thống kê cũng cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 4.068 triệu người lao động sử dụng suất ăn, khoảng 280.000 lao động trong KCN - KCX sử dụng suất ăn hàng ngày, thực phẩm tại các KCN - KCX trên địa bàn thành phố được cung cấp từ 71 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 67 bếp ăn tập thể hợp đồng thuê cơ sở nấu, 3 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.

Lý giải từ con số 80% số vụ NĐTP tại KCN - KCX có nguyên nhân từ vi sinh vật, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh phân tích, kết quả trên chứng tỏ, quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm tại các cơ sở cung ứng suất ăn cho công nhân tại các KCN đang có “vấn đề”.

Tất cả các vụ ngộ độc đều do cơ sở cung cấp suất ăn sẵn gây ra. Như vậy, quá trình từ khi nấu chín thức ăn đến khi cung cấp cho người sử dụng càng dài, nguy cơ nhiễm vi sinh vật càng lớn, đặc biệt liên quan đến quá trình vận chuyển và bảo quản thức ăn...

Để trấn an người tiêu dùng, siêu thị Lotte Mart (quận 7) đã phải dán kết quả xét nghiệm thịt heo âm tính với 2 chất cấm phổ biến là Salbutamol và Clenbuterol.

Cũng theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, heo tạo nạc là vấn đề nhức nhối nhưng người tiêu dùng sẽ khó đòi được bồi thường nếu xảy ra vấn đề về sức khỏe vì rất khó chứng minh được. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra từ gốc để bảo đảm sức khỏe cho người dân và các chế tài mạnh cần áp dụng nhanh chóng để bịt lỗ hổng về mặt pháp lý.

Phan Minh
.
.
.