Ươm “mầm xanh” nơi đầu sóng, ngọn gió

Thứ Hai, 14/08/2017, 09:12
Mang theo ước mơ được ươm “mầm xanh” – chăm sóc, gieo con chữ cho trẻ nhỏ nơi đầu sóng, ngọn gió – huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ (Quảng Trị), các cô giáo Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba (Cồn Cỏ) đã tình nguyện ra đảo khi tuổi mới đôi mươi. Đến nay, gần 10 năm gắn bó với các em học sinh, Cồn Cỏ dường như đã trở thành quê hương thứ hai của các cô vậy.

Những ngày này, đặt chân lên đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, Quảng Trị - hòn đảo nằm cách đất liền khoảng 17 hải lý, mới thấy được ý nghĩa của sự đổi thay ở nơi đây. Con đường dẫn từ âu cảng Cồn Cỏ đến trung tâm huyện đảo được trải bê tông phẳng lỳ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: Những năm qua, công tác giáo dục, đào tạo, chăm lo sức khỏe cho các con em quân và dân trên đảo luôn được cấp ủy, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm quan tâm, tạo điều kiện. Bởi thế cho nên, dù hằng năm nơi đây luôn phải hứng chịu trên dưới 10 cơn bão lớn nhỏ, song sự học của các em học sinh vẫn không bị gián đoạn, cơ sở hạ tầng, thiết bị học tập luôn được chú trọng trang bị.

Cô giáo Hoàng Thị Hiếu (SN 1987), người gắn bó với Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba đến nay đã được 9 năm tâm sự, năm 2008, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, hay tin tỉnh Quảng Trị đang có chương trình đưa thanh niên tình nguyện ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp, Hiếu liền nộp đơn đăng ký xin đi. Cô giáo Hiếu nhớ lại, những năm ấy, ở đảo, điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, việc gieo con chữ ở đây gặp nhiều khó khăn.

Trẻ em vui chơi trong trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba, đảo Cồn Cỏ.

“Các em nhỏ ở đảo thiệt thòi lắm. Vì thế, mà chúng em muốn làm điều gì đó để giúp các em có thêm kiến thức. Để khi vào đất liền rồi, các em không cảm thấy bỡ ngỡ!”, cô giáo Hiếu nói. Tiếp xúc với cô giáo Hiếu và các cô trong trường, chúng tôi thấy rằng, dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, thế nhưng, với các cô, nơi đảo tiền tiêu Cồn Cỏ đã trở thành mạch ngầm thân thương đang tuôn chảy trong mình vậy. Có lẽ cũng bởi thế mà cô Hiếu cũng như đồng nghiệp mình - cô giáo Hoàng Thị Thắm (SN 1984) quê ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) - ra công tác ở đảo vào năm 2008, lâu nay đã coi huyện đảo như quê hương thứ hai, dẫu đứa con đầu của cô (đến tuổi học lớp 1) đã được vào đất liền học tập.

Ở đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, điều kiện sinh sống và làm việc không bằng nơi đất liền, song theo các cô giáo Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba, nơi đang có 12 em nhỏ (từ 1-5 tuổi) theo học, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các ngành, các cấp, nhất là các cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội, mọi khó khăn, vất vả bỗng chốc tan biến. Chỉ còn đọng lại tình quân dân thắm thiết, bền chặt.

Cũng chính bởi vậy, mà cách đây không lâu, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Bé (SN 1990) quê ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) sau một thời gian đảm nhận công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ nơi quê nhà đã tình nguyện viết đơn xin ra đảo, trở thành thành viên trong ngôi nhà ươm “mầm xanh” huyện đảo – Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba. 

Hy vọng rằng, ước mơ truyền lửa cho ngôi trường Hoa Phong Ba, giúp trẻ tiếp bước cha, ông bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của các cô sẽ thành hiện thực. Nhất là khi cách đây không lâu, cô giáo Thắm và Hiếu là 2 trong số 42 giáo viên đã được Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”.

Trần Huy
.
.
.