Quản lý an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh:

Tự nguyện cam kết chính là hiệu quả

Thứ Ba, 30/10/2018, 08:16
Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 115, có hiệu lực từ 20-10 vừa qua) xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ phạt nặng những hành vi không đeo tạp dề, không đeo găng tay khi chế biến thực phẩm, không tuân thủ kiến thức ATTP khi tham gia các dịch vụ cung ứng.


Đặc biệt, Nghị định 115 sẽ xử phạt nặng những vi phạm trong an toàn thức ăn đường phố (TAĐP). Song, như chia sẻ từ chính nhiều chủ hộ kinh doanh rằng, sự tự nguyện cam kết của người kinh doanh sẽ cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân mới là cơ bản, còn mức phạt bao nhiêu không phải là chính yếu...

Người kinh doanh "góp ý"

Theo chị Mai Hoa, chủ một quán bán bánh cuốn trên đường Trần Não, quận 2, TP Hồ Chí Minh, chị được phổ biến nhiều lần về các quy định trong chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn trong bán hàng ăn. “Những quy định xử phạt mới theo Nghị định 115 xử phạt VPHC về ATTP cũng không quá khó để thực hiện.

Bản thân vốn ưa sạch sẽ nên tôi đã thực hiện việc đeo găng, chế biến thực phẩm an toàn với một quan niệm rằng, làm ăn gọn gàng, chế biến đeo găng tay khi pha, trộn thức ăn, sắp xếp, phân bố hợp lý giữa các khu vực sơ chế, rửa chén đĩa tại nơi kinh doanh đảm bảo ATTP thì khách sẽ nhớ nhà hàng", chị Hoa cho biết.

Một quán thức ăn đường phố trên địa bàn quận 3 tuân thủ đeo găng tay khi chế biến, thao tác.

"Đeo găng tay lúc đầu cũng vướng víu lắm nhưng khi dọn ra đĩa, cắt bánh cuốn vào đĩa cho khách nhìn thấy mình dùng găng tay chắc chắn khách hàng sẽ ấn tượng tốt. 8.000 đồng/hộp găng tay có tới 20 đôi. Một buổi hàng cần xài ít nhất 2 đôi. Mình làm sạch sẽ thì người khách nhìn vào sẽ thấy ngon mắt. Hay với thao tác khi trộn nhân làm bánh cuốn thì bắt buộc phải đeo găng dù tay rửa sạch.

Nếu không sạch việc trộn thức ăn vấy nhiễm vi sinh” - thừa nhận như thế nhưng chị Hoa cũng thực tình băn khoăn: "Bánh cuốn thì tôi thường xay bột tự làm nhưng món bánh ướt nhiều khi phải lấy qua chủ khác. Bản thân lo ngại không biết thứ bột hằng ngày họ làm bánh ướt có trộn phụ gia đảm bảo hay không nhưng nhu cầu của khách thích ăn nên mình phải chiều".

Chị Trần Thị Bích Hường, chủ một cửa hàng bún cua Hải Phòng tại khu vực phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết, chị đã thực hiện theo đúng những gì được tập huấn trước khi mở quán bán hàng từ lâu. Song,  nhiều quán ăn, điểm bán thực phẩm chín lại rất thờ ơ. Chị Hường thắc mắc: "Nhiều điểm bán TAĐP như tôi xung quanh đây chẳng thấy đeo găng tay bao giờ, nhưng cũng chẳng thấy ai xuống kiểm tra hay xử phạt”.

Chị Hường cho rằng, Nghị định mới có “hở” ở chỗ là không thấy đề cập đến hộ kinh doanh thực hiện việc tự cam kết. “Một khi chủ hộ kinh doanh cam kết thì việc kiểm tra, xử lý sau đó sẽ đảm bảo sự công bằng bởi bản tự cam kết cũng chính là sự ủng hộ tối đa của mỗi cá nhân kinh doanh với quy định của nhà nước.

Một khi  đã có sự tự nguyện thì chủ hộ kinh doanh đó cũng sẽ chấp hành việc bị phạt khi bị phát hiện có vi phạm. Với những chủ hộ làm ăn tuân thủ ATTP tốt thì cần được nêu gương để nhân rộng việc làm tốt, lâu ngày hình thành ý thức của người kinh doanh về ATTP", chị Hường góp ý.

Xử phạt nặng với những hộ "chây ì"

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trên địa bàn phường có 22 điểm kinh doanh TAĐP. Tôi cho rằng việc xử phạt theo Nghị định 115 sẽ rất khó. Bởi trước khi lập biên bản xử phạt phải lập biên bản kiểm tra, rồi lập biên bản VPHC, sau đó phải tham mưu UBND quận/huyện ra quyết định mới xử phạt được".

Cũng theo ông Nghĩa, với những người bán hàng rong, không có địa chỉ cố định, buôn bán di biến động với mức phạt tăng nặng tới hàng triệu đồng/hành vi, cũng rất khó khăn khi thực hiện, do giá trị hàng rong thấp nên có vi phạm việc lập biên bản kiểm tra vẫn làm được nhưng có thể ngay ngày hôm sau, người bán đã chuyển sang chỗ khác bán rồi khi ấy không thực hiện được việc xử phạt. Việc "quản" TAĐP tại các địa phương hiện nay gồm các điểm bán cố định và điểm bán hàng rong.

Trước thực trạng trên, trước mắt, phường mới chỉ dám đảm bảo quản lý điểm thức ăn cố định được mà thôi. Các điểm đã nắm được này thường xuyên được nhắc nhở, Nghị định 115 ra đời, cũng là cơ sở giúp phường “mạnh tay” xử lý với những hộ kinh doanh tái sai phạm nhiều lần.

Tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, hiện có tới 102 điểm kinh doanh TAĐP cố định. Do vậy, để quản lý các chủ hộ kinh doanh này, phường hiện đã có thông báo yêu cầu các điểm bán phải làm cam kết. Ngoài ra, cùng phối hợp với khu phố, tổ dân phố sẽ nắm rõ thông tin người bán hàng và quan sát. Theo đó, nếu phát hiện thức ăn không đảm bảo vệ sinh, phường xuống kiểm tra. Lần đầu, sẽ nhắc nhở và yêu cầu khắc phục các sai phạm, nếu không thay đổi, sẽ lập biên bản xác lập hành vi tái phạm nhiều lần và sẽ xử lý nghiêm.      

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, Nghị định 115 có mức xử phạt mạnh mẽ hơn với các vi phạm về ATTP, đồng thời quy định rõ ràng các hành vi. Mức phạt như đưa ra trong nghị định có tính răn đe. Tuy nhiên, tuỳ từng địa phương, đặc thù của từng nơi mà các cán bộ làm công tác nên suy nghĩ khi áp dụng.

Chẳng hạn, với riêng sai phạm bán TĂĐP không đeo găng tay mức phạt 1 triệu đến 3 triệu đồng. Với điều khoản này thì trước khi áp dụng phạt, cần vận động, tuyên truyền, tập huấn cho các hộ, thậm chí cung cấp găng tay cho chủ hộ kinh doanh. Nhưng sẽ kiên quyết phạt nặng với những hộ nào "chây ì" không chấp hành.

Quan trọng nhất chính là việc xây dựng cho chủ hộ kinh doanh dần có ý thức, có sự tự nguyện trước việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng khi sử dụng thực phẩm tại hàng, quán của mình chứ không phải cứ phạt với mức thật cao mà đem lại hiệu quả. Với các doanh nghiệp, hình thức, đối tượng cũng có những thay đổi về mức xử phạt, điều chỉnh cho phù hợp trong nghị định.

Ví dụ như hồ sơ công bố và tự công bố của doanh nghiệp trước đây là doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, cơ quan Nhà nước xét đạt thì mới cho doanh nghiệp công bố sản phẩm. Nay, doanh nghiệp tự công bố với điều kiện hoạt động đúng cam kết. Khi cơ quan chức năng hậu kiểm, phát hiện không đúng với công bố, doanh nghiệp sẽ bị phạt nặng mà không thể chối cãi hay biện minh...

Theo điều 16 của Nghị định 115 quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh TAĐP sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay...

Trong đó quy định rõ: Phạt tiền từ 1 triệu tới 3 triệu đồng/1 hành vi như: sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn; người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn,...

Huyền Nga
.
.
.