Trong gian nan vẫn vẹn nguyên nụ cười

Thứ Ba, 31/10/2017, 09:01

Họ là những người phụ nữ mang trong cơ thể mình một căn bệnh nan y: Suy thận mãn tính. Hàng tuần, đều đặn 3 buổi, ngày nắng cũng như mưa, các chị đều phải đi từ sáng sớm có mặt tại trung tâm để chạy thận lọc máu. Trung bình mỗi lần lọc máu kéo dài trong khoảng 4 tiếng đồng hồ. Có người chạy thận đã hàng chục năm, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn đó, họ vẫn lạc quan, yêu đời, vẹn nguyên nụ cười người phụ nữ can trường...


Chúng tôi vào Bệnh viện 198, Bộ Công an trong những ngày cuối Thu. Bệnh viện vẫn đông nghịt người đến khám và điều trị. Các y bác sĩ tất bật với công việc thường ngày.

Tại Khoa Nội - Thận - Khớp  hiện đang có gần 200 bệnh nhân đang điều trị, chạy thận nhân tạo. Bệnh viện 198 cũng là một trong số ít cơ sở y tế của cả nước đã thực hiện thành công nhiều ca ghép thận, với 16 ca thành công...

Trò chuyện với các bệnh nhân nữ ở đang điều trị ở đây, chúng tôi càng thêm hiểu những vất vả, gian nan mà họ đang chịu đựng. Bất ngờ phát hiện bị suy thận vào tháng 1-2010 sau khi vừa học xong, chị Nguyễn Thị Huệ (Ứng Hòa, Hà Nội) lúc ấy mới 22 tuổi, gác lại ước mơ, trở về gắn đời mình với cuộc sống bệnh viện.

Chị Huệ vẫn cất tiếng hát trong những giờ chạy thận nhân tạo

Từ những biểu hiện đau đầu, buồn nôn, chán ăn, vàng da, chị đi khám và rất ngỡ ngàng khi được chẩn đoán bị suy thận và buộc phải lọc máu một tuần 3 lần. “Khi phát hiện bệnh, tôi phải nằm viện trong suốt ba tháng ở Bệnh viện Bạch Mai. Vừa học xong, chưa có việc làm lại không có bảo hiểm y tế nên ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình. Nhưng rồi nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, mọi thứ rồi cũng qua, tôi yên tâm điều trị bệnh” – Chị Huệ cho biết.

Nói về ước mơ, chị Huệ chia sẻ: “Tôi cũng như bao bệnh nhân ở đây, chỉ mong mình có sức khỏe để có thể phụ giúp gia đình được phần nào, chứ bệnh tật như chị để xin công việc trong xã hội thì rất khó. Chị cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước tới những bệnh nhân như mình.”.

Cùng điều trị tại trung tâm với chị Huệ, bà Hoàng Thị Tíu ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã chống trọi với căn bệnh suy thận suốt 18 năm nay.

Bà Hoàng Thị Tíu vẫn nở nụ cười dù hàng chục năm phải gắn bó với bệnh viện

Qua trò chuyện được biết các con của bác đã lập gia đình, hiện tại nhà chỉ có hai vợ chồng bác. Từ khi bị bệnh, mọi hoạt động buôn bán trước đó phải tạm dừng, lại phải trang trải thêm chi phí chạy thận, nên kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp.

Không chỉ mang trong mình căn bệnh suy thận, bác còn bị suy vành mạch tim bắt nguồn từ bệnh tiểu đường. Bác Tíu tâm sự: “ Ngày 30-5 vừa rồi bác nằm điều trị ở một bệnh viện khác, đến khi nguy kịch, nhiều người khuyên cho bác về, lúc đó trong đầu chỉ nghĩ được lần này mình không qua khỏi. Sau đó gia đình chuyển bác đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 với hy vọng “còn nước còn tát”. Với sự chăm sóc tận tình không quản ngày đêm của các bác sĩ tại đây và động viên từ người thân bác mới qua khỏi" - bác Tíu nở nụ cười.

Sức khỏe của bác Tíu hiện đã hồi phục nhiều. Từ chỗ phải nằm liệt, giờ bác Tíu đã có thể tự bắt xe đến bệnh viện điều trị, đều đặn 3 buổi một tuần để chạy thận nhân tạo...

Cùng cảnh ngộ với bà Tíu là chị Cao Thị Đức (Hoài Đức, Hà Nội). Chị Đức phát hiện bị suy thận gần ba năm nay cũng là lúc không thể tiếp tục công việc đồng áng. Bệnh đã ở giai đoạn cuối, một tuần chị Đức có mặt tại trung tâm ba lần để lọc máu.

Chị Cao Thị Đức: Gia đình là chỗ dựa để tôi tự tin vượt qua khó khăn, các thầy thuốc đem lại cho tôi niềm lạc quan, yêu đời.

“Mới đầu chưa có bảo hiểm chi phí chạy chữa và đi lại rất tốn kém. Từ khi bị bệnh cô không làm ruộng nữa. Gia đình cô thuộc hộ nghèo của huyện nên cũng được hỗ trợ một phần.”- nữ bệnh nhân chia sẻ.

Bác sĩ Chuyên Khoa II. Phạm Quốc Cường, Trưởng khoa Nội - Thận - Khớp Bệnh viện 19-8 chia sẻ: “Có thể không được mạnh mẽ như đàn ông, những nữ bệnh nhân cơ thể họ yếu hơn, sức chịu đựng không bằng nhưng tiềm ẩn trong họ nghị lực phi thường. Họ là những người dũng cảm”.

Đúng là chỉ khi vào viện mới thấy hết những vất vả của các thầy thuốc và nghị lực phi thường của các bệnh nhân cả đời gắn bó với bệnh viện. Mặc dù hàng chục năm phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, và chừng ấy năm phải gắn bó với bệnh viện, cùng hàng chục loại thuốc khác nhau, nhưng được sự động viên của gia đình, sự tận tình chăm sóc của các thầy thuốc Bệnh viện 198, Bộ Công an, các bệnh nhân ở đây vẫn lạc quan, tin tin, yêu đời.

Chị Huệ vẫn say sưa hát theo những bài hát xem trên điện thoại trong buổi chạy thận kéo dài gần 4 tiếng. Bác Tíu luôn thầm cảm ơn, ánh mắt ngưỡng mộ những người y, bác sĩ hết lòng vì nhân dân, cô Đức ánh mắt đầy biết ơn khi được hưởng những hỗ trợ từ địa phương.

Mỗi mảnh đời, một câu chuyện nhưng ở họ chúng ta thấy được những bông hoa tràn đầy nghị lực, tinh thần lạc quan để cùng nhau vượt qua số phận.

Khoa Nội - Thận - Khớp Bệnh viện 198 - Đơn vị có bề dày thành tích

Hiện nay Khoa có 7 bác sĩ trong đó có 1 bác sĩ Chuyên khoa I, 1 thạc sĩ và 5 bác sĩ chuyên khoa II. Từ khi khoa được thành lập đã tiến hành chạy thận nhân tạo cho nhiều bệnh nhân bị suy thận cấp, đặc biệt là các trường hợp suy thận sau ngộ độc nặng do nuốt mật cá trắm, thuốc ngủ gardenal, ngộ độc kim loại nặng…

Với hai trung tâm thận nhân tạo được trang bị 31 máy thận nhân tạo hiện đại của Nhật Bản. Hàng năm, Khoa tiến hành chạy thận nhân tạo chu kỳ khoảng 25.000 lần lọc máu cho 160 bệnh nhân.

Từ 2008 đến nay Khoa đã tiến hành thực hiện 16 ca ghép thận cho các cán bộ chiến sĩ và nhân dân ngoài lực lượng công an nhân dân. Chỉ tính năm 2013, đã thực hiện được 6 ca ghép thận từ người hiến tạng sống.

Khoa Nội thận, khớp BV 19-8 hai lần được Bộ Công an tặng Cờ thi đua (2009 và 2012), là đơn vị quyết thắng năm 2011 và 2013 cùng nhiều bằng khen và giấy khen của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật...


Đoàn Hồng Ngọc
.
.
.