Trồng cây xanh trong trường học cần tham khảo ý kiến chuyên gia

Thứ Sáu, 29/05/2020, 19:43
Liên quan đến vụ việc đổ cây phượng vĩ tại trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh) ngày 26/5 làm 17 học sinh (HS) bị thương và 1 em tử vong, đã làm nhiều phụ huynh và học sinh lo sợ. Tuy nhiên, việc trồng cây xanh nào trong sân trường, các trường tự trồng hoặc khi xây dựng, có thể đơn vị thi công nhận luôn phần trồng cây xanh, không tham khảo ý kiến chuyên gia. 

Sau khi sự cố xảy ra, mới lộ ra nhiều vấn đề bất cập liên quan đến trồng và chăm sóc cây xanh trong trường học. Hầu hết các trường học chủ yếu trồng cây bàng, cây phượng trong sân trường, đây dường như là một “quy ước” đối với trường học. Và cũng không có một quy định hay hướng dẫn nào của đơn vị chức năng tư vấn nên trồng cây gì trong sân trường. Ngay khi các trường thuê các công ty chăm sóc cây xanh cũng chủ yếu chỉ cắt lá tỉa cành cây chứ chưa có trách nhiệm trong vấn đề tư vấn cho nhà trường, hoặc chỉ biết chăm sóc mà không hiểu nhiều về cây xanh.

Ngay như trường hợp, sau khi cây phượng ở trường Bạch Đằng ngã đổ, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cùng các cán bộ kỹ thuật đã đến hiện trường để đánh giá nguyên nhân cây ngã đổ; đồng thời khảo sát một số cây xung quanh trường. Công ty đã khuyến cáo nhà trường xử lý ngay cây phượng to lớn còn lại trong sân trường, vì cây này đã bị nghiêng, có thể gây nguy hiểm bất ngờ cho học sinh.

Mặc dù nhà trường đã thuê công ty chăm sóc cây xanh đến “tỉa tót” nhưng cây phượng này bị nghiêng mà đơn vị chăm sóc cây vẫn không có động thái tư vấn cho nhà trường để xử lý sớm.

Một vấn đề nữa đó là những cây phượng trong sân trường này được trồng nổi trên mặt sân, xung quanh được xây bồn với diện tích rất nhỏ không đủ để cây phát triển nên rễ không thể vươn rộng để bám xuống đất. Trong trường hợp thấy cây có biểu hiện nghiêng hay nguy cơ ngã đổ, ít nhất cũng phải làm những cây sắt chống đỡ xung quanh cây. Nếu những người có chuyên môn về cây xanh được thuê chăm sóc, chắc chắn phải biết vấn đề này để xử lý thì chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Cây phượng tại sân trường THCS Bạch Đằng trồng cao hơn mặt sân trường trong bồn rất nhỏ nên rễ cây không thể mọc ra để bám sâu xuống đất

Theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh, các đơn vị, cơ quan có trồng cây xanh nên liên hệ các đơn vị chuyên ngành có chuyên môn để tư vấn nên chọn chủng loại cây phù hợp để trồng; có sự kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây nguy hiểm. Không nên ký hợp đồng với những đơn vị không có chuyên môn, không kinh nghiệm để thực hiện chăm sóc cây, đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.

Riêng đối với các dự án có trồng cây xanh, nên tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học… để lựa chọn trồng cây cho phù hợp và đảm bảo an toàn. Đối với người dân, trong những lúc mưa to kèm theo giông lốc, nên hạn chế ra đường. Nếu đang đi đường thì nên tìm nơi tránh trú an toàn, đợi tạnh mưa hãy đi tiếp.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết, tùy thuộc vào vị trí, khu vực, cảnh quan xung quanh mà lựa chọn loài cây trồng cho phù hợp. Tuy nhiên, việc trồng cây trong khuôn viên của các tổ chức, các nhân cần lưu ý một số tiêu chí như sau: không nên trồng chủng loại cấm trồng trên đường phố, tùy thuộc yêu cầu mà chọn chủng loại đặc tính sinh trưởng nhanh, chậm,… cây có hoa đẹp; thân thẳng, tán đẹp, hệ rễ phát triển tốt; Khả năng thích nghi và phát triển tốt; nên chọn cây tiểu mộc và trung mộc.

“Ngoài việc chọn loài cây, công tác trồng và chăm sóc cây rất quan trọng nhằm hạn chế sự cố cây xanh. Cây cần được cắt tỉa, chăm sóc định kỳ (mé nhánh, tẩy chồi, cắt tạo tán làm thông thoáng tán cây,…), trong quá trình chăm sóc nên khống chế chiều cao cây không quá 10m”, bà Huỳnh Anh chia sẻ.

Ngày 29/5, đổi với PV Báo CAND, PGS. Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, về trồng cây xanh trong trường học, đối với cây hiện có, cần tầm soát và mạnh dạn bỏ các cây gỗ mềm, rễ dễ bị thối như Phượng Vĩ, Viết; đốn bỏ các cây quá cao trên 12 mét, vì phí bảo quản mé nhánh hàng năm tốn kém cho trường. Trồng thay thế bằng cây con ươm từ nhỏ; không trồng cây bứng, khả năng ra rễ cọc thấp và hệ thống rễ khó phát triển vì cây đã lớn. Khi trồng phải đào hố rộng, chi phí cho hố thích đáng, thay bằng đất xốp để hệ rễ phát triển, cây chóng lớn. Làm các giàn sắt rồi trồng dây leo có hoa vừa mát vừa đẹp.

Trường học nên làm giàn trồng cây leo để có bóng mát và đẹp

Cây hoa leo, cây dây leo có rất nhiều loại, như: Hoa Tử đằng; Hoa Sử quân tử đơn, kép; Dây Rạng đông; Hoa Mai hoàng yến; Hoa Nhài leo; Hoa giấy; Hoa leo Hồng thiên lý… Các loại cây hoa leo này có thân hóa gỗ, thân dẻo. Ưu điểm của các loại hoa leo, cây dây leo là khả năng phát triển theo phương thẳng đứng, khả năng chịu nắng và gió cao, khả năng uốn lượn che phủ theo giàn được thiết kế, hơn nữa những cây hoa leo đẹp còn mang lại vẻ đẹp và hương thơm dễ chịu.

Hoa dây leo rất đẹp (hoala.vn)

Riêng đối với những nơi có cây đã to lớn, sau khi đơn vị chuyên môn kiểm tra nếu chưa có vấn đề phải đốn bỏ, nên làm những cây sắt có vòng tròn trên đầu chống xung quanh thân cây (như kiềng ba chân) để phòng trường hợp cây nghiêng, đổ nguy hiểm.

Trong trường nên trồng những cây dây leo vừa đẹp vừa an toàn

Như vậy, khi các trường học cũng như các cơ quan trồng cây xanh nên tham khảo ý kiến chuyên gia để vừa đảm bảo an toàn vừa có bóng mát và đẹp.
Nguyễn Cảnh
.
.
.