Trái đắng lao động xuất khẩu “chui”

Thứ Năm, 08/01/2015, 14:28
Có không ít người vì nhẹ dạ cả tin muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) “chui” đã tự biến mình thành “con mồi” béo bở để các đối tượng lưu manh lừa đảo kiếm chác. Hệ lụy họ phải gánh nhận là mang nợ, cũng có người mất tích ở nước ngoài nhiều năm chưa rõ tăm tích…
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Tình (35 tuổi, trú thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Anh Tình cho biết, anh làm nghề thợ xây, công việc thất thường, thu nhập ba cọc ba đồng. Là con út, phải nuôi mẹ già đã ngoài tuổi 73, nên cuộc sống rất vất vả. Cũng chính vì thế, vào tháng 5/2012, khi nghe người hàng xóm là Nguyễn Minh Tuấn (28 tuổi) “vẽ” cho mình con đường XKLĐ sang Hàn Quốc làm săm lốp ôtô, anh đã không ngại ngần đồng ý.

Anh không ngờ, gã hàng xóm nhà cách nhau cái hàng rào, chơi với nhau từ nhỏ, lại đang tâm “bẫy” anh. Theo lời anh Tình, lúc đó Tuấn làm ăn ở Tây Nguyên về ghé chơi và rủ anh đi XKLĐ. Tuấn cho anh xem giấy giới thiệu, văn bản mang tên ông Hoàng Bình (ghi trên giấy là Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng, nhưng thực tế ông Bình là PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng) và yêu cầu anh nộp 80 triệu đồng; đồng thời đưa sổ hộ khẩu để Tuấn cắt hộ khẩu tại Quảng Trị, nhập hộ khẩu vào xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng, để “lấy chỉ tiêu” của huyện Đạ Tẻh đi Hàn Quốc.

Anh Tình nghẹn ngào: “Hắn (Nguyễn Minh Tuấn - PV) cho tui đi học tiếng Hàn Quốc suốt 4 tháng với mức đóng 2 triệu đồng/tháng tại TP Hồ Chí Minh. Sống trong cảnh nghèo túng, nghĩ đến việc được sang Hàn Quốc làm việc nhẹ, lương cao, nên dù nhà nghèo nhưng tui vẫn liều mạng vay ngân hàng nộp đủ cho hắn. Ai ngờ…”. Đến khi Tuấn lộ diện là kẻ lừa đảo thì anh Tình phải vất vả làm lụng, vay mượn khắp nơi để trả tiền lãi vay hằng tháng.

Đối tượng Lê Đạo, Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn.

Tương tự, ngoài gánh nặng nợ nần, chị Nguyễn Thị Hoài Sương còn mất đi nhiều quyền lợi của một công dân khi bị Tuấn lừa chuyển hộ khẩu vào huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. “Bây giờ dù tui sống tại Quảng Trị nhưng giống như “người lậu” vì không có giấy tờ tùy thân. Tui lấy chồng từ năm 2013 đến giờ nhưng chưa làm được giấy kết hôn. Đứa con trai 8 tháng tuổi của tui cũng chưa thể làm giấy khai sinh vì hộ khẩu của tui vẫn trú tại tỉnh Lâm Đồng”, giọng chị Sương nghèn nghẹn.

Anh Mai Văn Việt (trú thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh) cũng là một nạn nhân của Tuấn. Cha mẹ mất sớm, anh Việt phải tự mình bươn chải kiếm sống từ nhỏ. Nghe lời ngon ngọt của Tuấn, anh chạy vạy khắp nơi vay ngân hàng, mượn tiền người thân để thực hiện ước mơ đổi đời. Tuấn còn kịp dụ dỗ anh đưa “sổ đỏ” nhà đất của cha mẹ mình để lại để Tuấn bán lấy 100 triệu đồng, với lời hứa sẽ chuyển hướng cho anh Việt XKLĐ sang Nhật Bản để có lương cao hơn…

Theo hồ sơ, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của nhiều người dân về nhóm đối tượng lừa đảo XKLĐ để chiếm đoạt tài sản, do Lê Đạo (32 tuổi, trú thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) cầm đầu, Công an huyện Gio Linh đã xác lập chuyên án điều tra và đã bắt tạm giam Lê Đạo cùng đồng bọn là Nguyễn Minh Tuấn (28 tuổi, trú thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh) và Ngô Anh Tuấn (38 tuổi, trú khu phố 4, phường 3, TP Đông Hà).

Thực tế vụ án này và một số vụ án XKLĐ “chui” xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua, cho thấy: Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân đang cần việc làm, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng lừa đảo “vẽ” ra cho họ con đường XKLĐ sang các nước như Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc… rất tươi sáng như việc nhẹ, lương cao, để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Cũng có những đối tượng mặc dù không có mục đích lừa đảo, nhưng vì nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên đã tổ chức đưa người XKLĐ “chui”. Việc XKLĐ “chui” sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ như mua bán người, mua bán nội tạng…

Tính mạng, sức khỏe, quyền lợi của người XKLĐ sẽ không được đảm bảo bởi không có cơ quan giám hộ và chắc chắn họ phải sống chui lủi, bởi vì chính quyền nước sở tại sẽ trục xuất khỏi nước họ khi bị phát hiện nhập cư trái phép… Để loại bỏ vấn nạn này, Công an tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật sâu rộng đến từng hộ dân. khuyến cáo, người dân muốn đi XKLĐ thì hãy đến Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh, hoặc tìm đến công ty được sự cấp phép của Bộ LĐ,TB&XH để được tư vấn, hỗ trợ. Đừng vì các mối quan hệ thân quen mà dễ mắc vào cạm bẫy…

Bảo Ngọc
.
.
.