Trái cây miền Tây hút hàng, tăng giá

Chủ Nhật, 29/05/2016, 10:35
Nhiều loại trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng giá cao do hạn mặn vì đã làm nhiều diện tích cây chết, cung không đủ cầu. Trong khi đó, nhu cầu cho xuất khẩu nhiều cũng là lý do khiến giá trái cây nhảy vọt.

Hàng trăm nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Quới Thiện và xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) lâm vào cảnh trắng tay khi vào mùa thu hoạch lại bị rụng lá, trái teo, cây chết. Đây là nơi trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh nên thiệt hại này gây ảnh hưởng đến đời sống nông dân. 

Ông Huỳnh Văn Mười Anh, cán bộ nông nghiệp xã Quới Thiện, cho biết: “Tại xã có hơn 279ha diện tích trồng sầu riêng bị thiệt hại từ 30-70%, hơn 164ha bị thiệt hại trên 70%. Năm nay nắng hạn, thiếu mưa, độ mặn lên tới 9‰, thiếu nước tưới do vậy nông dân lấy nước nhiễm mặn tưới nên sầu riêng bị thiệt hại”. 

Tại xã Thanh Bình, có khoảng 375ha bị thiệt hại, trong đó có đến 100ha diện tích gần như thiệt hại hoàn toàn. Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, huyện có cù lao Tân Quy của xã An Phú Tân nằm giữa dòng sông Hậu, nhờ được bồi đắp phù sa màu mỡ, quanh năm nước ngọt nên vườn cây ăn trái nơi đây rất trù phú.

Trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long tăng giá.

Cù lao Tân Quy có diện tích chôm chôm khoảng 276ha, chiếm hơn 90% diện tích chôm chôm toàn tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn, mặn từ đầu năm 2016 đến nay, hầu hết diện tích chôm chôm nơi đây đang rơi vào tình trạng rụng trái non và chết dần, khiến nhiều nhà vườn trắng tay.

Theo ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Trà Vinh, người dân đang hoang mang, có những vườn mất trắng do nước mặn. Có vườn 1ha trước kia bình quân 20-25 tấn thì ngày nay chỉ còn thu trên dưới 4 tấn. So với năm 2015 thì thiệt hại trên 80%. 

Bà Phạm Thị Mến (ngụ ấp Tân Quy 2) than: “Gia đình tôi có 9 công trồng chôm chôm. Bình quân mỗi năm cho sản lượng khoảng 20-25 tấn trái, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng năm nay, mặn xâm nhập làm vườn chôm chôm rụng trái, rụng lá”. 

Vụ chôm chôm này xem như gia đình bà Mến thất thu hoàn toàn. Trước tình cảnh này, buộc lòng bà phải đốn bỏ toàn bộ diện tích chôm chôm của gia đình để tìm cây trồng khác thay thế tạo thu nhập.  

Anh Đặng Hoài Thanh (ngụ ấp Đông Hưng 1, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), phản ánh: “Từ đầu năm đến nay nắng quá, vườn măng cụt nhà tôi không ra hoa. Mặc dù có tưới nước bình thường như mọi năm, nhưng 7 công măng cụt không cây nào ra hoa. Năm nay gia đình tôi bị thất thu nặng”.

Do mất mùa, cung hụt nhưng cầu tăng nên giá nhiều loại trái cây tăng cao ngất ngưởng. Theo báo cáo tháng 5-2016 của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài khiến năng suất và sản lượng trái cây ở các tỉnh ĐBSCL sụt giảm, đẩy giá lên cao. 

Tại tỉnh Tiền Giang, thanh long ruột đỏ giá 35.000 đồng/kg, ruột trắng 17.000 đồng/kg, tăng 30% so với các tháng trước đó. Tại Bến Tre, dừa uống giá 60.000 - 70.000 đồng/chục (12 quả), dừa xiêm xanh 90.000 - 100.000 đồng/chục. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty CP Rau quả Bình Minh (Vĩnh Long) thông tin: “Hiện thương lái thu mua bưởi sồ từ 1,2kg trở lên, cành lá đẹp với giá 48.000 đồng/kg. Trong khi đó, bưởi từ 900 gram-1kg giá khoảng 36.000-37.000 đồng/kg, tăng từ 12.000-13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi. Thông thường sau Tết giá bưởi sẽ “hạ nhiệt” nhưng năm nay bưởi lại đột ngột tăng giá cao, công ty tôi đi thu mua nhiều vườn trong dân cũng không đủ giao hàng”. Hiện nhiều vựa bưởi tại xã Mỹ Hoà (thị xã Bình Minh) đã đóng cửa do không còn bưởi nguyên liệu trong dân.

Bà Hồ Thị Bê (ngụ xã Kế Thành, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) phấn khởi: “Tôi đã bán 9 tấn bưởi da xanh cho thương lái với giá 53.000 đồng/kg, thu về khoảng 470 triệu đồng. Giá như vậy là rất cao, nhưng sau đó vài ngày, giá bưởi vọt lên hơn 60.000 đồng/kg”. 

Cuối tháng 4-2016, ông Phạm Văn Lành (ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bán 2 tấn quýt đường nghịch vụ cho thương lái với giá 28.000 đồng/kg nhưng chỉ vài ngày sau đó, quýt đường liên tục tăng lên 30.000 đồng/kg rồi 40.000 đồng/kg… 

Theo lý giải của nhiều nông dân, ngoài việc bị ảnh hưởng sản lượng do hạn, mặn thì thời điểm này trái cây có múi là vụ nghịch, sản lượng không nhiều. Trong khi thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng cao nên đẩy giá lên. Đặc biệt, nhiều vườn bưởi da xanh tại Bến Tre, Sóc Trăng bị thiệt hại nên số lượng bưởi rất ít, vì vậy hợp đồng xuất khẩu phải tạm hoãn do không có nguồn nguyên liệu để giao hàng.

Như Anh - Văn Vĩnh
.
.
.