Tổng Giám đốc WIPO truyền lửa sáng tạo cho sinh viên Việt Nam

Thứ Hai, 27/03/2017, 09:43
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Francis Gurry – Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã có buổi nói chuyện thân tình với hơn 300 sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương với chủ đề “Innovation – Improving lives” (Sáng tạo – Cải thiện cuộc sống).

Lãnh đạo cao nhất của WIPO đã dành thời gian trả lời trực tiếp các câu hỏi của sinh viên Việt Nam về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Ông Francis Gurry cho rằng, cả thế giới đang ở trong kỷ nguyên mà ở đó đổi mới sáng tạo chi phối hầu hết các hoạt động, từ tiếp nhận tri thức, cách sống, cách làm việc và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm đổi mới sáng tạo vẫn còn mới mẻ, ngay cả với các quốc gia phát triển.

Đổi mới sáng tạo sẽ là động lực cho sự phát triển của xã hội, là chìa khóa nâng cao vị thế cạnh tranh, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đó là lí do, hàng năm, Mỹ đã chi 520 tỷ USD để đầu tư vào R&D (nghiên cứu và chuyển giao), Trung Quốc cũng chi 400 tỷ USD vào lĩnh vực này để tìm ra những nguồn tri thức mới.

Với quốc gia còn nghèo như Việt Nam, ông Francis cho rằng, con đường tất yếu là đổi mới sáng tạo. “Trong những ngày qua, tôi đã thấy được sự nhiệt huyết và năng động của người Việt Nam. Từ chuyến thăm lần trước tới chuyến thăm lần này, Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Chúng ta đều biết, đổi mới sáng tạo là con đường duy nhất giúp các nước nghèo thoát khỏi cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”. Hiện nay, không quốc gia nào muốn cạnh tranh dựa vào giá trị sức lao động. Không ai muốn thế mạnh của mình chỉ là giá lao động thấp. Để tối ưu hóa khả năng cạnh tranh, các quốc gia phải dựa vào đổi mới sáng tạo” – ông Francis nói.

Ông Francis Gurry cùng đoàn công tác WIPO chụp ảnh với sinh viên Đại học Ngoại thương.

Theo ông Francis, đổi mới sáng tạo sẽ tạo đà để phát sinh ra nhiều công việc mới đồng thời cũng là công cụ để giải quyết các vấn đề xã hội mà loài người đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bệnh tật… Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức với yêu cầu đổi mới sáng tạo từ góc độ kinh tế. Một trong những thách thức đó là tốc độ thay đổi chóng mặt trong công nghệ.

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, người Đức dựa vào mối quan hệ giữa không gian mạng và  người thực để tự phân biệt được hiện tại với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nền sản xuất của Đức sử dụng robot và mối liên kết giữa robot với internet.

Ở Nhật Bản, người ta cho rằng xã hội 5.0 là xã hội mà ở đó có công nghệ thông tin kết nối và cấu trúc sản xuất dựa trên yếu tố con người. IP (giao thức kết nối internet) giúp bảo vệ lợi thế cạnh tranh, cũng được tạo dựng bởi đổi mới sáng tạo. Nó giúp tạo ra hàng rào bảo vệ trước khi đưa sản phẩm ra thương mại hóa.

Trả lời câu hỏi liên quan tới cơ hội thực tập dành cho sinh viên Việt Nam tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ của Liên hợp quốc, ông Francis Gurry khẳng định: “Cùng với sự chuyển dịch địa lý trong đổi mới sáng tạo, các nước châu Á đang vươn lên rất mạnh mẽ. Hiện nay, bản đồ sáng tạo thế giới đang có một sự thay đổi vô cùng ngoạn mục. Nhìn vào số lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế có thể thấy, trong năm 2016, 47% đơn đăng ký sáng chế trong tổng số 230.000 đơn trên toàn thế giới tới từ châu Á, 25% tới từ châu Âu và 25% tới từ Mỹ. Đây là một điều rất tuyệt vời cho các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam - một nước nằm ở trung tâm của đổi mới sáng tạo. WIPO rất cần đội ngũ nhân sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa địa phương. WIPO sẵn sàng và luôn tạo cơ hội cho các bạn trẻ với sự năng động, quan tâm đến sở hữu trí tuệ được gia nhập đội ngũ của mình”.

Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ. Ông từng làm luật sư về sở hữu trí tuệ trước khi chính thức làm việc cho WIPO. Ông được bầu làm Tổng Giám đốc WIPO từ năm 2008 và tái đắc cử vào tháng 5-2014.

Trong nhiệm kì đầu tiên của mình, ông đã từng đến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2010 theo lời mời của Bộ Khoa học - Công nghệ. Trong chuyến thăm lần này, WIPO và Bộ Khoa học – Công nghệ đã kí thoả thuận hợp tác. Theo đó, trong thời gian tới, các chuyên gia WIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng dự thảo của Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo.

Khánh Vy
.
.
.