Tổ chức Động vật châu Á tài trợ kinh phí để bảo tồn voi

Thứ Bảy, 12/01/2019, 10:47

Ngày 12-1, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh vừa ký kết thảo thuận hợp tác thực hiện Dự án Bảo tồn voi Việt Nam tại Đắk Lắk, giai đoạn 2019-2021 với Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia).


Theo đó, hai bên thống nhất về việc Tổ chức Động vật châu Á tài trợ cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk kinh phí 60.000 USD (bao gồm hiện vật và chuyên gia) để bảo tồn voi trong thời gian từ tháng 11-2019 đến tháng 2/-2021. Dự án được thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và năng lực chăm sóc, bảo tồn voi cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn các loài động vật và phúc lợi động vật. Đồng thời, Tổ chức Động vật châu Á cũng cử chuyên gia tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực cứu hộ, bảo vệ voi hoang dã và voi nhà sống trong các điều kiện dưới mức tiêu chuẩn, hướng tới mục tiêu thay thế du lịch cưỡi voi bằng mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức Động vật châu Á ký kết tài trợ kinh phí cho tỉnh Đắk Lắk nhằm bảo tồn voi

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Động vật châu Á mong muốn tỉnh Đắk Lắk quan tâm hơn nữa việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hiệu quả công tác bảo tồn voi, hoàn thành xây dựng khu bán hoang dã chăm sóc, cứu hộ voi hoang dã nhằm đảm bảo an toàn cho voi và nhân viên chăm sóc, bảo tồn voi.

Một voi nhà được chăm sóc đặc biệt khi đang mang thai

Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm, Đắk Lắk là địa phương có đàn voi hoang dã và voi nhà lớn nhất Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 5 đàn voi hoang dã với số lượng 80 đến 100 cá thể và 45 cá thể voi nhà. Tuy nhiên, quần thể voi hoang dã tại tỉnh đang phát triển thiếu bền vững do nạn săn bắn trộm, môi trường sống của voi bị tác động do diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Còn quần thể voi nhà đang già yếu, bị khai thác quá mức trong hoạt động du lịch cưỡi voi tại các khu du lịch. Đây là những thách thức đối với công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk. Sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế sẽ giúp địa phương bảo tồn tốt hơn đối với động vật hoang dã, đặc biệt là voi.

Voi nhà đang được đêm ra phục vụ du lịch quá sức.

Trước đó, vào tháng 7-2018, Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk thực hiện Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn với kinh phí 65.000 USD, trong thời gian 5 năm. Dự án này được thực hiện nhằm chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Đây là mô hình du lịch thân thiện với voi đầu tiên tại Việt Nam và nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ cộng đồng, đặc biệt là khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.


Văn Thành
.
.
.