Tình trạng bọ đen “tấn công” phòng học

Thứ Ba, 02/06/2020, 08:18
Khoảng 10 năm trở lại đây, cứ mùa mưa về, thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) An Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước lại phải đối phó với tình trạng bọ đen tấn công dày đặc các phòng học.

Theo ghi nhận, tại ngôi trường này cho thấy hiện tượng bọ đen bu kín trong các phòng học, khuôn viên trường và cả trong nhà vệ sinh. Loại côn trùng này tuy không gây hại đến mùa màng, vật nuôi, cây trồng nhưng bay vào trú ngụ thành lớp đen dày đặc khắp nơi trong trường như: Trần phòng, tường phòng, cột phòng, khe hở của ván hoặc rơi vãi khắp xuống nền phòng và các vật dụng trong phòng. 

Loài bọ này không cắn người nhưng lại tiết ra mùi hôi rất khó chịu, khiến thầy cô nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động dạy và học, một số em học sinh có da mẫn cảm đã bị dị ứng khi tiếp xúc với bọ đen.

Các thầy giáo Trường Tiểu học và THCS An Phú thu gom bọ đen mang đốt.

Ngày 1/6, thầy Nguyễn Hữu Thu, Hiệu trưởng Trường TH&THCS An Phú – cho hay khoảng 10 năm trở lại đây cứ vào thời gian đầu mùa mưa, thầy và trò nhà trường lại cùng nhau tìm cách đương đầu với nạn bọ đen tấn công, nhưng năm nay nặng hơn những năm trước. Hiện nay nhà trường chỉ đối phó để loại bỏ loại côn trùng này bằng các phương pháp chủ yếu thủ công, phổ biến là quét dọn rồi mang đốt chứ chưa có thuốc đặc trị. Cũng theo thầy Thu, trước tình trạng nhà trường bị bọ đen quấy nhiễu, ban giám hiệu đã kiến nghị đến Trung tâm Y tế thị xã Bình Long nhờ can thiệp.

Cùng ngày, theo Trung tâm Y tế thị xã Bình Long, đã xuống kiểm tra thực tế tình hình ở Trường TH&THCS An Phú và phối hợp với nhà trường khắc phục khó khăn. Hiện trung tâm đang theo dõi để tìm ra biện pháp diệt trừ hữu hiệu. Trước mắt trung tâm khuyến cáo nhà trường nên khắc phục bằng cách quét dọn rồi mang đốt.

Theo tìm hiểu, bọ đen là loài côn trùng cánh cứng, di chuyển nhanh, có hình dáng giống hạt đậu đen, tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae. Bọ đen sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, rừng, cây ăn trái nhưng không gây hại cho các loài thực vật. Loài này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

ĐỨC TRÍ
.
.
.