Tình người giữa tâm dịch

Thứ Tư, 03/02/2021, 08:18
Những bữa ăn chẳng mấy khi trọn bữa, những giấc ngủ chẳng được trọn giấc..., gác lại những nỗi niềm riêng, giữa tâm dịch vẫn sáng ngời tình cảm của những cán bộ Công an tỉnh Hải Dương với những người dân..,  tất cả vì một mục tiêu chung là đẩy lùi dịch COVID-19...


Chuyện ghi ở nơi chốt dịch

Đêm, gió từ triền đê thổi vào ràn rạt, chiếc lều bạt bằng vải dù được chằng, buộc kỹ càng đôi lúc cũng muốn tốc ngược lên. Càng về khuya, trời càng lạnh, những cơn mưa phùn rả rích lâu dần cũng thấm xuống, tí tách rơi từng giọt xuống nền đất... Trong không gian rộng chừng 3-4m2, Đại úy Phạm Thành Nam, Phó đội trưởng Đội thi hành án hình sự, cán bộ Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) được tăng cường cho chốt chống dịch và các anh em không có chỗ xoay sở, chiếc giường gấp  để anh em tranh thủ nghỉ lúc gối ca đành phải gập lại...

Lại thêm một đêm trắng! tảng sáng, từ phía cuối làng thấp thoáng một bóng người đi về phía chốt Nam Tân. Gần hơn một chút nữa, các anh nhận ra đó là một bà cụ đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, vận trên mình chiếc áo mưa, tay khệ nệ bưng một chiếc giỏ. Đại úy Phạm Thành Nam cùng với các thành viên của chốt vội bước ra, đỡ tay bà cụ... “Bà có 15 quả trứng gà, gà của nhà đẻ các chú cầm lấy để ăn thêm lúc trực đêm”, bà cụ nói. Cầm giỏ trứng trên tay, Đại úy Phạm Thành Nam và các thành viên của chốt trực cảm động không nói lên lời.

Cán bộ Công an huyện Nam Sách làm nhiệm vụ tại các chốt trực.

Trong những ngày này, anh cùng các cán bộ làm nhiệm vụ ở nơi đây nhận được nhiều tình cảm và sự quan tâm của người dân. Không chỉ ủng hộ bằng vật chất như: Gạo, muối, mỳ tôm rồi khẩu trang.., nhiều người còn tình nguyện đến nơi tuyến đầu, đồng hành cùng với cán bộ Công an huyện Nam Sách và các chốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sáng 31/1, một cụ già khoảng 80 tuổi cũng chống gậy tìm đến chốt chống dịch của xã Nam Tân. Khi Trung tá Nam hỏi đến thì bà nói rằng đang đi tìm cháu nội.... Con trai mất sớm, con dâu sang nước ngoài lao động rồi lấy chồng và định cư ở nước ngoài, bà sống cùng với cháu nội. Cảnh nhà neo đơn nên ngày ngày chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau. Từ hôm dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, cháu nội bà cũng xung phong đi thực hiện chốt kiểm dịch cùng với lực lượng Công an. Bà chỉ biết cháu nội đi trực chốt chống COVID-19 cùng Công an và chính quyền địa phương nhưng chẳng biết ở chốt nào... Bà vì nhớ cháu, lại lo lắng về tình hình dịch bệnh nên đi tìm. Sau khi hiểu hoàn cảnh của bà và người cháu nội, Đại úy Nam đã khuyên người cháu về nhà bởi gia cảnh neo người, bà nội lại tuổi cao sức yếu....

Sau trường hợp đầu tiên là chị P.T. S tham dự một đám cưới ở TP Chí Linh được xác định dương tính với COVID-19, một ngày sau đó (ngày 28/1), Nam Tân lại phát hiện thêm một trường hợp ở thôn Quảng Tân... Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, Nam Tân tổ chức cách ly xã hội 21 ngày. Đại úy Phạm Thành Nam khi đó được tăng cường về làm nhiệm vụ.

Ngay khi được giao nhiệm vụ, anh cùng các thành viên đã nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ. 6 chốt chặn được triển khai ở các đường liên thôn, liên xã; lối mở qua cánh đồng. Ngoài các chốt chặn còn có một tổ tuần lưu, hằng ngày tuần tra, hướng dẫn người dân chấp hành công tác phòng, chống dịch. 14 cán bộ Công an huyện Nam Sách phối hợp với ban chỉ huy quân sự huyện, đoàn viên, thanh niên tham gia phòng, chống dịch, mỗi chốt trực chính có 7 đồng chí, các chốt còn lại có 6 đồng chí, thay phiên nhau trực 24/24h.

Đại úy Nam nhớ lại: Thời kỳ đầu người dân còn rất hoang mang bởi đây là chủng COVID-19 mới. Vừa truy vết, vừa khoanh vùng, lại vừa động viên, giải thích cho bà con...., đến thời điểm này anh và đồng đội đã rà soát, truy vết khoảng hơn 200 trường hợp. “Đất lề, quê thói” trong quá trình làm nhiệm vụ còn đòi hỏi sự khéo léo, tế nhị của các cán bộ.

Đại úy Nam kể lại: Giữa tâm dịch đang bùng phát, trên địa bàn bất ngờ xảy ra một đám tang. Người thôn quê vốn sống tình cảm, dòng họ lại đan xen nên ai cũng muốn sang giúp nhà có đám một tay. Khi ấy, anh cùng các thành viên trong tổ đã phối hợp với các tổ y tế gặp gỡ, vận động, giải thích với gia đình; vận động người dân thực hiện việc ma, chay theo quy định khi có dịch COVID-19.

“Ban đầu, có người hiểu và thông cảm nhưng cũng có người chủ quan, tỏ ý trách mắng rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”, vì sao không tạo điều kiện...”, Đại úy Nguyễn Thành Nam chia sẻ. Khi đã hiểu ra, gia đình có người thân nhân qua đời đã đồng ý chỉ làm một mâm cơm cúng; việc phúng viếng cũng được tổ chức theo quy định.

 Giữa tâm dịch, đối diện với nguy cơ bệnh tật luôn cận kề, Đại úy Nam và đồng đội luôn có sự đồng hành của người dân địa bàn; sự hy sinh của những người vợ, người mẹ là những hậu phương vững chắc. Khi vợ sinh con được 2 tháng cũng là lúc anh lên đường làm nhiêm vụ. Nam phụ trách 2-3 chốt và một tổ tuần lưu, đồng thời còn hỗ trợ lực lượng Y tế tham gia truy vết các F... Trong những ngày căng mình chống dịch, có những hình ảnh, những câu chuyện cảm động mà anh và đồng đội vẫn khắc ghi và trở thành động lực để làm việc. Đó là hình ảnh của những người bà, người mẹ giữa cơn mưa phùn rả rích và cái lạnh tê tái lúc 0h sáng vẫn đợi xe đến đón đưa đi cách ly...

Người dân luôn sát cánh với các cán bộ ứng trực

“Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”, cuộc gọi không thực hiện được trong nhiều giờ khiến Đại úy Nguyễn Khánh, Trưởng Công an phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nóng lòng như có lửa đốt. Danh sách các số điện thoại thu thập được không dễ, song để liên lạc được càng không dễ dàng; có người nhấc máy, có người  không?.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hải Dương trực 24/24h để phòng, chống dịch.

Không nản lòng, nửa đêm hôm đó, Đại úy Nguyễn Khánh tiếp tục nhắn tin vào các số điện thoại. Một tin nhắn hồi đáp, anh vội vàng trao đổi thông tin. Đây là trường hợp của bệnh nhân nghi nhiễm ở Công ty điện tử POYUN, nơi làm việc của BN 1552 và một nữ công nhân của công ty này vừa đi Nhật Bản...

Khi dịch phát sinh ở TP Chí Linh, Đại úy Nguyễn Khánh là người đầu tiên liên hệ với nữ công nhân trên và trao đổi thông tin. Sau khi anh liên lạc, nhiều người cũng gọi điện thoại đến cho chị. Phần do hoang mang về tình hình dịch bệnh, phần khác lại lo lắng cho những người thân trong gia đình, chị đã quên lưu lại số điện thoại như Đại úy Khánh đã nhắc nhở. Bởi thế, khi có số máy điện thoại lạ gọi đến, chị không nhấc máy...

Qua nói chuyện, Đại úy Khánh tỉ mỉ trao đổi các thông tin liên quan đến việc truy vết, rà soát những trường hợp đã tiếp xúc với chị. Đó chỉ là một trong những khó khăn mà Đại úy Nguyễn Khánh và các đồng đội phải đối mặt trong quá trình truy xét các trường hợp từ F0, F1, F2... Để nhanh chóng khoanh vùng, rà sóat các trường hợp đã tiếp xúc, anh và đồng đội phải cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp, qua nhiều đầu mối để tìm thông tin... Quân số mỏng nên cán bộ Công an phường phải căng mình làm nhiệm vụ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để việc truy vết được tiến hành trong thời gian ngắn nhất...

“Mới sáng nay, lại phát sinh thêm trường hợp F0... Từ thời điểm người này tiếp xúc người nhiễm COVID-19 đến lúc phát bệnh đến nay đã 14 ngày nên họ không thể nhớ hết đã đi đâu, làm gì trong gần nửa tháng”, trên gương mặt của người Trưởng Công an phường An Phụ, lộ rõ sự lo lắng.

Cuộc trao đổi của chúng tôi với Đại úy Nguyễn Khánh bị ngưng lại, Đại úy Khánh nhanh chân nhận những xuất ăn được đựng sẵn vào các khay, được một người phụ nữ đưa tới. Vừa bưng mâm cơm, Đại úy Khánh vừa nói với chúng tôi: Những ngày đầu, cán bộ trong phường vừa chống dịch, vừa tự lo công tác hậu cần nên ăn uống bữa đực, bữa cái, chủ yếu là mỳ tôm nấu với các loại rau do bà con mang đến ủng hộ. Anh em xác định đã vào tâm dịch thì phải kiên trì chiến đấu đến cùng... Sau này, UBND xã tham mưu, bữa cơm đã được các cô giáo mầm non thay phiên nhau chuẩn bị nên cũng đầy đủ ba bữa.

Giữa tâm dịch, việc đối mặt với nguy cơ dịch bệnh cận kề, tâm trạng ai cũng lo lắng là điều không tránh khỏi. Bởi ngoài khẩu trang và nước sát khuẩn, lực lượng Công an không được trang bị thiết bị đầy đủ như lực lượng y tế... , nhưng khi đã vào việc là anh em lăn xả, quên hết mệt mỏi. Trong Công an phường, không ít người cũng có hoàn cảnh như vợ chồng Đại úy Khánh. Vợ chồng Khánh cùng làm trong Công an tỉnh Hải Dương, vào thời điểm Khánh vào tâm dịch thì vợ anh đang công tác tại một đơn vị của Công an tỉnh Hải Dương cũng tham gia trực chiến. Mới hôm qua, hai vợ chồng còn bàn nhau đưa con về với ông bà ở quê nhờ chăm sóc nhưng rồi lại không thực hiện được bởi cháu còn phải học trực tuyến. Trong Công an phường, cũng có đồng chí, nhà ở Nam Sách, tâm điểm của dịch bệnh nên cũng không thể về được nhà...

 Đến thời điểm hiện tại, phường An Phụ có 4 trường hợp F0; 40 F1 và hơn 40 F2... Ngoài việc quản lý rà soát, anh em còn tăng cường kiểm soát địa bàn với 7 khu dân cư, 3.000 hộ và gần 11.000 nhân khẩu. Trong những ngày này, sự giúp đỡ, đồng hành của người dân, các tổ bảo vệ dân phố đã giúp anh em hoàn thành nhiệm vụ. Đại úy Khánh cho biết: Những ngày đầu mới về phường, địa bàn mới, lực lượng Công an viên mới miễn nhiệm nên tham gia giúp Công an phường chủ yếu là lực lượng bảo vệ dân phố, đều cao tuổi... Nhưng khi có dịch bệnh xảy ra, tất cả đều căng mình làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu cùng với lực lượng Công an.

Đó chỉ là hai trong những chốt chống dịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc. Trong cuộc đối đầu với căn bệnh COVID-19, những lời động viên, thăm hỏi của nhân dân là động lực để giúp các cán bộ Công an tỉnh Hải Dương chân cứng, đá mềm; đứng mũi, chịu sào chống dịch. Trong thành công bước đầu của Công an tỉnh Hải Dương luôn có sự đồng hành của nhân dân. Đó là hình ảnh của bác Nguyễn Văn Lăng, dân quân tự vệ ở phường Văn Đức (Chí Linh), vợ mất hơn 10 năm, không đi bước nữa. 

Mùa COVID nào, bác cũng xung phong đi trực chốt và nhận trông đêm, ban ngày còn ra đồng. Hay trường hợp của cuả gia đình chị Phạm Thị Lý, cả nhà cùng tham gia chống dịch. Chồng là cán bộ mặt trận tổ quốc căng mình làm nhiệm vụ, chị cũng xung phong ra chốt nấu cơm đến hết mùa dịch không về nhà; đồng thời vận động bà con sinh sống xung quanh chốt góp con gà, con cá, mớ rau, cân gạo để bồi dưỡng sức khoẻ cho anh em trực chốt.... 

Con trai chị là cháu Vũ Thế Anh, SN 2000, sinh viên năm thứ 3 của Trường Cao đẳng y Hải Dương, cũng tham gia tích cực, vừa có kiến thức y tế cũng muốn đóng góp công sức cho cộng đồng.

Xuân Mai
.
.
.