Tin thêm về vụ 8 người chết đuối trên sông Hồng ở Lào Cai

Thứ Sáu, 16/03/2018, 10:55
Sau 5 ngày xảy ra vụ chết đuối nghiêm trọng làm 8 nạn nhân tử vong và 1 người còn mất tích, xảy ra trên thuyền chở hàng trên sông Hồng ở phía Trung Quốc, đối diện với xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát (Lào Cai), chúng tôi đã trở lại hiện trường nơi xảy ra thảm cảnh.


Nỗi đau người ở lại

Sông Hồng mùa này nước cạn, đứng bên bờ nhìn sang bên kia người qua lại vẫn bình thường. Nhưng suốt 5 ngày qua các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai đã nỗ lực tìm kiếm được 8 thi thể nạn nhân.

Chiều 15-3, hai thi thể mới được tìm thấy đã được gia đình đưa về quê ở huyện Mường Khương mai táng. Trưa 15-3, có mặt tại bờ sông Hồng thuộc thôn Biên Hoà xã Nậm Chạc, chúng tôi gặp lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đang chuẩn bị khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cho nạn nhân Tráng Văn Long, 25 tuổi, trú tại thôn Cốc Mạc, xã Nậm Lư, huyện Mường Khương. Anh Long được tìm thấy vào lúc 10h20 ngày 15-3 khi đang trôi trên sông Hồng, cách khu vực hiện trường xảy vụ chết đuối khoảng 500m.

Hiện trường nơi xảy ra vụ 9 người chết và mất tích.

Theo một cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung thì suốt 2 ngày tìm kiếm, đến 8h20 phút sáng nay mới phát hiện một thi thể mắc vào bãi đá phía Trung Quốc và trưa nay thì xác anh Long nổi lên trên sông Hồng ở khu vực phía Việt Nam.

Xác định đúng là xác em trai, anh Tráng Văn Tráng (anh trai anh Long) đã quỵ xuống vì đau đớn và mỏi mệt. Không trả lời được câu hỏi của chúng tôi, em họ anh Tráng là Nghề Thái Hợi (trú tại thôn Văn Leng, xã Tung Trung Phố, huyện Mường Khương) cho biết, từ hôm xảy ra tai nạn, anh và anh Tráng ở trực tiếp hiện trường, thuê tầu đi tìm anh Long.

Hai người ban ngày ngồi đò đi tìm dọc sông, tối thuê nhà trọ để ngủ, sáng sớm lại dậy tìm. Vừa tìm họ vừa cầu khấn, đến khi gần kiệt sức thì nhận được điện thoại của lực lượng tìm kiếm đến xác nhận thân nhân.

Anh Hợi là người cùng đi trên chiếc thuyền chở hàng cùng anh Long. "Đây là chuyến đầu tiên chúng tôi đi bốc vác hàng thuê và thật không ngờ lại xảy ra sự việc"- anh Hợi mệt mỏi cho biết.

Lúc đó rất nhốn nháo và đông người, anh không tìm thấy anh Long. Khi kiểm đến số người thì anh thiếu anh Long, lúc ấy anh hốt hoảng nhận định anh Long vẫn còn ở dưới sông. 

Khi kiểm đến số người thì thấy thiếu anh Long, lúc ấy anh hốt hoảng nhận định anh Long vẫn còn ở dưới sông. Hoàn cảnh gia đình anh Long rất khó khăn, chỉ trông chờ vào làm nương rẫy. Hai con của anh còn nhỏ, đứa lớn 3 tuổi, đứa bé mới mấy tháng.

Nhận được tin chồng mất tích, vợ anh Long không đi được tới hiện trường, gia đình để anh trai xuống tìm kiếm. Sau khi đợi khám nghiệm tử thi xong, anh Tráng làm các thủ tục nhận thi thể em trai giữa trưa nắng bên bờ sông, người đàn ông còn đội nguyên chiếc mũ bảo hiểm trên đầu cho biết: "Bên đội bốc vác bồi thường cho gia đình 30 triệu đồng và cho xe chở xác về mai táng".

Giữa trưa 15-3, công tác khám nghiệm tử thi lại tiếp tục sau khi xác định nạn nhân tử vong mắc trên bãi đá là anh Vàng Dùng Thắng, 36 tuổi, trú tại thôn Văn Leng, xã Tung Trung Phố, huyện Mường Khương.

Sau khi gia đình xác nhận đúng thân nhân, anh Thắng được đưa về quê để mai táng. Sau 5 ngày chìm dưới sông, sáng nay anh Thắng đã nổi và mắc cạn cách hiện trường 7km, đối diện thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường.

Dời hiện trường, chúng tôi tới gia đình anh Châu A Dế, 46 tuổi, trú tại thôn Sơn Hà, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát - nạn nhân chết đuối đầu tiên được tìm thấy. Mẹ đẻ và vợ anh Dế ngồi bên bậu cửa, khi chúng tôi hỏi thăm bà lại rớm nước mắt. Bà sinh được 6 người con trai, anh Dế là con thứ 4 trong gia đình.

Cách đây 4 năm người con trai thứ 3 của bà mất vì đột quỵ. Nay lại thêm đứa nữa mất khiến người mẹ già khóc hết nước mắt. Căn nhà tình thương do Tập đoàn VinGroup và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai xây cho gia đình anh Dế vào năm 2016 vẫn chưa quét sơn, nhưng nhờ có căn nhà che mưa che nắng này mà cuộc sống của họ đã bớt khổ.

Theo anh Lý Ngọc Thắng, Trưởng Công an xã Cốc Mỳ thì gia đình anh Dế là hộ nghèo. Vợ chồng anh đều làm nương, thỉnh thoảng đi bốc vác thuê ở Cửa khẩu phụ Bản Vược kiếm thêm thu nhập.

Vừa rớm nước mắt, vợ anh Dế- chị Sồng Thị Dơ vừa nói: " Đêm đó lẽ ra tôi cũng đi vác hàng cùng chồng nhưng phải ở nhà trông cháu ốm, nếu không thì cũng không biết thế nào". Vợ chồng anh Dế có 4 người con nhưng cách đây 2 năm người con thứ 2 đã chết do ăn lá ngón. Trong 4 năm cả nhà mất đi 3 người, nỗi đau này quá sức chịu đựng đối với người ở lại.

Tăng cường tuyên truyền để tránh hậu quả đáng tiếc

Cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát mỗi ngày đều diễn ra các hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Vào mùa mưa, tàu thuyền đi được trên sông Hồng, nhưng mùa khô dòng chảy cạn, những thuyền lớn được đăng ký, đăng kiểm không có khả năng đi vì chạm đáy. Vì vậy thời điểm này chỉ có các thuyền nhỏ chở từ 5 đến 15 tấn hàng qua lại.

Đến ngày 11-3 tìm được 3 nạn nhân, ngày 12-3 tìm được 2 nạn nhân và đến nay đã tìm được 8 nạn nhân. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an, chính quyền địa phương đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân thứ 9.

Công an huyện Bát Xát đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân chết và bàn giao về cho gia đình mai táng theo quy định. Theo Công an huyện Bát Xát, qua khám nghiệm tử thi đều xác định nguyên nhân chết của 8 nạn nhân là do ngạt nước và không có tác động của ngoại lực.

Bát Xát có 2 cửa khẩu phụ là Cửa khẩu phụ Bản Vược và Cửa khẩu phụ Y Tý và nhiều đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Lợi dụng vào đó, một số người lội sông sang thăm thân, làm thuê cho các doanh nghiệp tư nhân ở sâu trong nội địa hoặc sang bốc hàng ngay ở biên giới xong là quay về.

Công an huyện Bát Xát đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về tác hại của xuất cảnh trái phép, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.
.