Chi trả tiền hỗ trợ sự cố môi trường biển miền Trung:

Tiếp tục đóng thuyền lớn ra biển

Thứ Ba, 06/12/2016, 09:12
Sự cố môi trường biển giữa tháng 4 vừa qua vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều ngư dân, nhiều làng chài ven biển các tỉnh bắc miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế. Những khó khăn chưa dễ gì vượt qua ngày một ngày hai nhưng với sự nỗ lực vì người dân của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, những khoản tiền hỗ trợ, đền bù đã được phát tận tay người dân biển.

Chúng tôi về những làng chài, đi trên bờ cát trắng, gặp các ngư dân, nhiều người tỏ ra rất vui mừng vì đã nhận được tiền để tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển. Vượt qua khó khăn không phải bằng những tiếng thở than, giúp đỡ người dân không phải bằng những lời kêu gào mà bằng hành động đúng, thiết thực của các cấp chính quyền đang giúp người dân từng bước ổn định đời sống.


Ngư dân thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình làm thủ tục nhận tiền đền bù, hỗ trợ do sự cố môi trường biển.

Không có tiền là bi kịch rồi, nhưng đưa tiền hỗ trợ về phát cho dân không đúng, không đủ, hoặc kê khai không công bằng cũng không thể ăn ngon ngủ yên. 

Xác định rõ điều đó, hơn 2 tháng qua chính quyền xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình nơi có 95% người dân làm nghề biển đã tổ chức nhiều cuộc họp từ thôn, xóm rồi đối thoại với bà con để thống nhất phương án hỗ trợ. Tất cả người dân nằm trong diện đối tượng được hỗ trợ, đền bù từ chủ tàu, thuyền viên đánh cá, làm việc liên quan đến nghề cá… đều được niêm yết danh sách, số tiền được nhận ở UBND xã. 

Chính nhờ sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng nên sáng 5-12, bà con ngư dân thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh đến Nhà văn hóa thôn nhận tiền đều vui mừng, phấn khởi. 

Anh Hoàng Việt Phong, chủ tàu đánh cá đến nhận tiền cho các thuyền viên cho biết, từ tối qua anh em làm nghề biển đi chung tàu với anh Phong đã ngồi lại với nhau, thống nhất để anh đi nhận tiền rồi về chia lại cho các thuyền viên theo quy định được hỗ trợ. Bởi nếu cùng đi nhiều người lại gây khó khăn cho ban chi trả. Số tiền nhận được một lần này sau khi chia cho các thuyền viên, số tiền còn lại anh Phong sẽ thêm vào để mua máy lớn đánh bắt xa bờ.

Từ sáng sớm, ở Nhà văn hóa thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, cán bộ thôn, xã, các Công an viên, Bộ đội Biên phòng đã có mặt, người lo sắp sửa lại bàn ghế, người đọc danh sách, người tính tiền, người dắt xe cho bà con sắp xếp ngăn nắp… sự chuẩn bị chu đáo của cán bộ địa phương đã tạo tâm lý phấn khởi, vui vẻ đối với mỗi người dân khi đến nhận tiền. 

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết “Sự cố môi trường đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, giờ cán bộ thôn, xã cũng vui lây khi bà con được nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Nếu làm không tốt công tác chi trả sẽ gây mất đoàn kết trong nhân dân. Vì vậy, UBND xã Bảo Ninh thực hiện niêm yết công khai chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Đồng thời, UBND xã cũng thông báo rõ ràng: Sau thời gian niêm yết công khai, nếu không nhận được văn bản phản ánh thì xem như không có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến nội dung bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển”. 

Hiện nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình như thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Trạch… đã và đang thực hiện đồng loạt chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho người dân. Trong đó nhiều xã, phường có số tiền chi trả rất lớn như: xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới chi trả, hỗ trợ, đền bù đến 26 tỉ đồng, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn chi trả 8 tỉ đồng, hai xã Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy chi trả hơn 19,5 tỉ đồng…

Dọc theo chiều dài gần 200km bờ biển Quảng Bình có rất nhiều làng nghề truyền thống gắn liền với biển cả như làng biển Bảo Ninh, Quang Phú, Đức Trạch, Cảnh Dương… Ngày đông giá rét cũng như ngày hè bỏng cháy, người dân ở các làng chài gắn bó cuộc sống mưu sinh với biển cả. 

Sự cố môi trường biển vừa qua đã làm không ít làng biển rơi vào hoàn cảnh điêu đứng. Nhưng rồi, từ việc miễn giảm, hỗ trợ tiền học phí cho học sinh, tiến hành thu mua cá cho ngư dân, động viên ngư dân của các cấp chính quyền địa phương đã giúp người dân an tâm phần nào và dần dần ổn định đời sống. 

Nhận được tiền hỗ trợ, đền bù chi trả do sự cố môi trường biển vừa qua, nhiều ngư dân chúng tôi gặp đều quả quyết: Biển cả là quê hương, người dân không chuyển đổi ngành nghề, vì vậy khi có tiền, bà con lại mua sắm ngư lưới cụ, mua máy công suất lớn, đóng tàu để ra biển đánh bắt xa bờ. 

Ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nơi hơn 500 năm qua có hàng ngàn ngư dân chọn vùng biển Hoàng Sa như quê hương mình. Bà con ngư dân đều khẳng định, không thể bỏ biển, bởi nơi đây có gia đình ngư phủ cha truyền con nối đã 13 đời đi biển, đêm đêm tiếng đọc bài, trò chơi của con trẻ cũng chỉ vang vọng bên bờ biển... 

Anh Trương Linh, chủ tàu cá trên 360 CV ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh cho biết, cũng như nhiều chủ tàu ở Đức Trạch, anh cùng các thuyền viên đánh cá sau khi nhận được tiền hỗ trợ là mua lưới lên tàu ra khơi. “Biển của mình, nuôi sống bao đời người dân mình thì làm răng mà bỏ được”, anh Linh vừa đếm tiền hỗ trợ vừa nói vậy.

Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Bình từ nay đến hết năm 2016. Chính nhờ làm tốt công tác chi trả như khẩn trương, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng nên hiện trên địa bàn chưa xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo đem lại nhiều niềm vui cho bà con ngư dân. Các cấp, các ngành của tỉnh luôn tiếp tục đồng hành với ngư dân để ngư dân trong tỉnh chuẩn bị tốt nhất cho những chuyến ra khơi.

Ngư dân thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình làm thủ tục nhận tiền đền bù, hỗ trợ do sự cố môi trường biển.
Dương Sông Lam
.
.
.