Tiếp sức cho nông dân phát triển du lịch cộng đồng

Thứ Năm, 30/06/2016, 21:49
Cần Thơ đã và đang từng bước xây dựng được các mô hình du lịch có trách nhiệm tạo việc làm và gia tăng thêm thu nhập cho người nông dân đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững.

Du lịch cộng đồng (homestay) là một trong những mô hình đang được các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chú trọng đầu tư với sự hợp tác liên kết điểm và liên vùng trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch phong phú hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. 

Trong đó, Cần Thơ đã và đang từng bước xây dựng được các mô hình du lịch có trách nhiệm tạo việc làm và gia tăng thêm thu nhập cho người nông dân đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững.

Có mặt tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ ngày 29-6 chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến lớp tập huấn, bổ túc kiến thức về du lịch cộng đồng và các kỹ năng trong phục vụ du khách của Trung tâm xúc tiến du lịch huyện cho các hộ dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng và một số hộ dân trong vùng. 

Lớp học với những gương mặt không còn trẻ nữa, đa phần đều ngoài 50 nhưng ai cũng chăm chú và ghi chép rất đầy đủ trước những hướng dẫn nghiệp vụ du lịch từ việc phục vụ bàn, món ăn, tới giao tiếp với du khách. Bên cạnh đó, là học một số vốn từ giao tiếp bằng tiếng anh để khi du khách đến ở thì chủ nhà có thể trao đổi được.

Du lịch cộng đồng tại Mỹ Khánh điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh Lê Văn Tuấn cho biết, từ 2013 Dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã hỗ trợ địa phương xây dựng nhà văn hoá với đầy đủ trang thiết bị giảng dạy từ bàn ghế tới máy tính, ti vi, máy chiếu… và cử chuyên gia về tập huấn, hướng dẫn cho người dân trong cộng đồng hiểu về du lịch có trách nhiệm, đồng thời hướng dẫn các nhà vườn trong việc xây dựng điểm đến chuẩn, để phục vụ nhu cầu của du khách ngày một đa dạng và phong phú hơn. 

Ông Lâm Thế Cương- Chủ vườn Mười Cương cho biết, gia đình ông có nghề truyền thống là trồng và chế biến ca cao. Hiện vườn của gia đình ông có hơn 2000 cây ca cao, mỗi năm thu nhập trên 10.000 USD, tuy nhiên từ năm 2012 đến nay từ sự vận động của các cấp chính quyền và bắt nhịp xu thế của du khách đến với địa phương, gia đình ông đã chuyển sang mô hình homestay cung cấp dịch vụ tại chỗ cho du khách. Theo đó, thu nhập cũng tăng lên, trung bình mỗi năm gia đình ông thu được 12.000 – 15.000 USD. 

Tại gia đình ông Cương, du khách đến đây có thể tham gia cùng gia đình trong các khâu thu hoạch, chế biến ca cao và thưởng thức những đặc sản địa phương. Qua những trải nghiệm thực tế, du khách đến và quay trở lại cũng tương đối, mỗi năm gia đình ông đón được vài trăm khách.

Chủ vườn trái cây Vàm Xáng Trần Văn Liền giới thiệu cây ăn quả trong vườn

Trong khi đó, ông Trần Văn Liền chủ vườn cây Vàm Xáng cho biết, ông đến với du lịch cộng đồng như một cái duyên, bởi, ông làm vườn đã nhiều năm, trước đây trồng cây để nuôi các con ăn học. Khi các con có việc làm ổn định, ông có đi thăm quan một số mô hình sinh thái, thấy họ làm được tại sao mình lại không làm. 

Nhờ những chuyến đi thực tế đã cho ông quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi từ thuần trồng cây trái sang vừa trồng cây vừa làm du lịch. “Sau 3 năm nhờ sự tư vấn, tập huấn của Dự án EU về xây dựng điểm đến, trạng bị kiến thức về nghiệp vụ du lịch trong đón, phục vụ du khách, kỹ năng mềm trong giao tiếp, tôi tự tin hơn. Khách đến vườn tôi kiêm luôn hướng dẫn viên, khách rất phấn khởi, nhiều người đã quay trở lại. Đây là niềm vui lớn đối với những người nông dân như chúng tôi.” Ông Liền bộc bạch.

Môt góc vườn trái cây Vàm Xáng- Cần Thơ

Ông Hoàng Nhân Chính – Chuyên gia kỹ thuật Dự án EU cho biết, người dân Mỹ Khánh vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng hộ dân tham gia vào du lịch cộng đồng chưa nhiều nhưng với những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, sở ban ngành, người dân sẽ nâng cao nhận thức về du lịch trách nhiệm, từ đó đầu tư hơn về chất lượng điểm đến, tạo ra các sản phẩm nổi trội, đặc trưng. Theo đó, du khách sẽ đến đây nhiều hơn. Có du khách dịch vụ sẽ phát triển.

Miền Tây vốn nổi tiếng về nhà vườn, vườn cây trĩu quả và những cồn nước mênh mông trong không gian rộng lớn hấp dẫn du khách. Nhưng trong đó, là những người nông dân thuần nông làm du lịch, tuy chưa nhiều nhưng đang từng bước dần thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về du lịch trách nhiệm tại địa phương. Với từng bước đi vững chắc, các mô hình trên đã trở thành mô hình điểm để nhân rộng, góp phần tăng thu nhập tạo thêm nhiều việc làm mới, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách lựa chọn khi đến với Cần Thơ.

Lưu Hiệp
.
.
.