Tiền xu bỏ thì thương, vương thì tội

Thứ Tư, 21/01/2015, 12:14
Được phát hành từ năm 2003, với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ, sau 8 năm - tức năm 2011, tiền xu đã “lặng lẽ” rút khỏi thị trường tài chính. Cho đến thời điểm này, tiền xu hầu như mất hút và không ai còn nhắc đến. Vậy tiền xu đi đâu, và nó còn giá trị sử dụng?

Ngày 17/12/2003, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tiền xu với các mệnh giá 200 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng. Những tháng sau đó, cơ quan này tiếp tục phát hành thêm 2 mệnh giá là 500 đồng và 2.000 đồng. Loại tiền xu 200, 500 đồng được làm bằng chất liệu thép mạ niken; loại 1.000, 2.000 đồng bằng thép mạ đồng vàng; riêng loại 5.000 đồng bằng hợp kim đồng, bạc, niken. Tính đến tháng 5/2005, lượng tiền xu đưa vào lưu thông đã chiếm 1/4 tổng giá trị tiền lẻ đang lưu hành.

Theo NHNN, việc phát hành tiền xu nhằm mục đích hoàn thiện cơ cấu mệnh giá các đồng tiền kim loại, phù hợp với yêu cầu lưu thông tiền tệ. Lý do để phát hành là đồng tiền xu có rất nhiều ưu điểm về lợi ích kinh tế - xã hội như: tiết kiệm chi phí ngân sách, tuổi thọ cao, trao tay tiện lợi, thời gian bảo quản dài lâu, môi trường sạch sẽ, không bị thấm hút như tiền giấy. Hơn nữa, tiền xu được phát hành là nhằm hướng tới mục tiêu lắp đặt các hệ thống bán hàng tự động như máy bán nước ngọt, điện thoại, bán vé tự động...

Kỳ vọng là thế, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tiền xu đã bộc lộ những nhược điểm khiến cho người tiêu dùng không mấy mặn mà. Trước tiên, đó là đồng tiền nhanh chóng xuống cấp, xỉn màu, rỉ sét rất mất mĩ quan cũng như mất vệ sinh. Đã thế, việc tiêu dùng bằng tiền xu cũng không hề thuận lợi một chút nào.

Từ phía cơ quan phát hành, câu chuyện tiền xu được nhắc tới lần gần đây nhất là tại cuộc họp báo của NHNN vào cuối tháng 12/2013, tức 10 năm sau khi phát hành tiền xu, và 2 năm kể từ khi tiền xu “ra đi” lặng lẽ. Khi trả lời câu hỏi của báo chí về hiệu quả sử dụng của tiền kim loại (tiền xu), đại diện Cục Phát hành kho quỹ NHNN cho rằng, việc lưu thông tiền xu rất khó khăn, do chất lượng đồng tiền không tốt, không có các máy bán hàng tự động, thiết bị cung cấp dịch vụ thu nhận tiền xu và người tiêu dùng cũng không có thói quen, không thích dùng tiền xu. 10 năm phát hành tiền xu, đã có 1 tỉ miếng tiền kim loại được phát hành với 5 mệnh giá khác nhau. Đến thời điểm cuối năm 2013, NHNN đã thu về kho quỹ 300 triệu miếng, thị trường vẫn còn lưu thông 700 triệu miếng. Lúc đó, đại diện NHNN vẫn khẳng định tiền xu vẫn còn có giá trị lưu hành bình thường, nên trước mắt, NHNN tiếp tục phân loại các đồng tiền xu không đủ lưu thông để tiêu hủy, số tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông vẫn đang được bảo quản trong kho và không dập tiền xu mới.

Chuyện sử dụng tiền xu trong lưu thông dù bị lãng quên nhưng vẫn có không ít người còn giữ loại tiền này băn khoăn về giá trị của nó, cũng như có mong muốn đổi thành tiền giấy để có thể chi tiêu. Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ ra một số tiền không nhỏ để in đúc, phát hành tiền xu để rồi “chết yểu” là một sự lãng phí không hề nhỏ của NHNN.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đồng xu hiện tại không còn phổ biến vì giá trị quá nhỏ để hữu hiệu. Hiện nay, những đồng tiền dưới mệnh giá 1.000 đồng, kể cả tiền giấy cũng rất khó được sử dụng. Nếu đi mua hàng, đi siêu thị, thay vì phụ lại tiền lẻ, người ta sẽ đưa cho 1 cái kẹo. Điều này chứng tỏ rằng dường như đã không ai còn dùng tiền xu nữa. Nguyên nhân quan trọng là do đồng tiền Việt Nam trong 20 năm nay đã liên tục mất giá. Hiện giờ, để có thể mua được một món đồ nào đó, cũng phải tính giá trị từ 10.000 đồng trở lên, thế nên tiền xu không còn giá trị thực dụng.

Lệ Thúy
.
.
.