Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do dùng điện “câu đuôi”

Thứ Năm, 25/08/2016, 20:46

Những năm qua, ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng, hàng trăm hộ dân phải sử dụng điện “câu đuôi”, vì ngành điện chưa kéo điện cho bà con. Việc sử dụng điện “câu đuôi” khiến người dân không những phải trả tiền điện với giá cao ngất ngưởng mà còn đối mặt với nhiều tai nạn nguy hiểm do điện gây ra…

Anh Bùi Thanh Bền (ngụ ấp Phước Thọ C, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Đã mấy chục năm nay, hàng trăm hộ dân ở các ấp Phước Ninh, Phước Thuận, Phước Thọ C, xã Mỹ Phước chúng tôi chưa có điện sử dụng khiến cho cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, vất vả và thiệt thòi hơn so với nhiều nơi khác. Thậm chí, chỉ cách một bờ kênh nhưng bên kia có điện sử dụng thoải mái, còn bên đây lại khát điện”.

Theo anh Bền, do nhà nước không đầu tư kéo điện về các ấp nên bà con phải hùn tiền lại, mỗi hộ từ 3-4 triệu đồng để mua vật tư rồi thuê ngành điện kéo điện theo đường dây chính vào ấp, còn từ cột điện vào nhà thì người dân tự kéo theo dạng câu đuôi. Phía điện lực chỉ lắp cho bà con một đồng hồ “tổng”, giao cho một người quản lý, hàng tháng thu tiền điện nộp cho ngành điện. Với hình thức này, bà con đã khó lại càng khổ hơn khi tiền điện hàng tháng phải trả quá cao so với giá điện Nhà nước.

Dây điện ôm thân cây dừa

Bà Bùi Thị Sự, cho biết: “Trong khi những nơi có lưới điện quốc gia, bà con chỉ phải trả tiền điện với giá từ 1.500đ - 2.200 đ/kW, còn ở đây chúng tôi phải trả từ 4.000-5.000đ/kW, thậm chí có khi lên đến hàng chục ngàn đồng cho mỗi kW điện. Hỏi thì ngành điện lực cho biết đường dây bà con tự kéo không đúng tiêu chuẩn nên tỉ lệ hao hụt nhiều. Mấy chục năm qua, bà con thiệt thòi nhiều quá nhưng kêu mãi không thấu”.

Ở xã Kế An (huyện Kế Sách) hiện nay vẫn còn nhiều ấp như: ấp 1, ấp Xóm Chỏi, ấp Chót Dung…trên tuyến kênh Ba Nhỏ; kênh Hai Én, kênh Hai Xích, kênh Ba Nhân, kênh Tư Liễn, kênh Út Nhân, kênh Cựa Gà, kênh Ba Phát, kênh Năm Phi…chưa được kéo điện nên bà con vẫn phải sử dụng điện “câu đuôi”.

Cột điện bằng tre, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Ông Lê Văn Khởi (người dân ở trên tuyến kênh Ba Nhỏ), cho biết: “Sau nhiều năm chờ đợi nhà nước kéo điện nhưng không có, mấy năm qua gia đình tôi phải kéo điện “câu đuôi” từ một hộ dân ở đầu xóm để sử dụng. Cùng cảnh ngộ với gia đình tôi còn có gần 50 hộ khác cũng phải sử dụng điện “câu đuôi”.

Theo phản ánh của bà con, sử dụng điện câu đuôi phải chịu giá cao, từ 4.000-5.000đ/kW, nhưng không phải điện lúc nào cũng đủ sáng vì cùng thời điểm, nhiều hộ sử dụng thiết bị điện nên điện luôn chập chờn, dẫn tới hư hỏng các đồ dùng bằng điện.

Việc kéo điện “câu đuôi” tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm bởi trụ điện không đảm bảo qui cách, dây điện không đảm bảo an toàn, cách kéo điện cũng tự phát nên dễ dẫn tới tình trạng chập, cháy nổ hay rò rỉ điện vô cùng nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Quan sát, chúng tôi thấy các trụ điện rất “phong phú”. Có trụ bằng bê tông nhưng đã ngả nghiêng, có trụ dựa sát vào hàng cây xanh; có nhiều trụ được làm bằng cây gỗ tạp; có trụ được làm bằng một cây sắt, thậm chí có trụ được tận dụng bằng cây xanh còn sống bên đường…. Hệ thống dây điện thì thõng xuống gần sát đất, vướng vào nhiều cây xanh hai bên bờ kênh.

Cột điện bằng cây bạch đàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Kết - Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, cho biết: “Đúng là ở các ấp của xã nhiều hộ dân phải sử dụng điện “câu đuôi” với nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm rình rập. Chủ trương kéo điện về cho bà con sử dụng đã có kế hoạch nhưng có lẽ do ngân sách chưa đủ nên chỉ tập trung vào một số nơi trọng điểm, vì vậy chưa thể làm cho các ấp mà bà con phản ánh được”.

Trong khi đó, một cán bộ ở xã Kế An (huyện Kế Sách), cho biết: Toàn xã có 98,8% hộ dân có điện sử dụng nhưng lại có tới 20% hộ sử dụng điện “câu đuôi”. Bà con đã phản ánh rất nhiều, chính quyền cũng đã có ý kiến với cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư. Chúng tôi mong ngành điện lực sớm có kế hoạch triển khai đưa điện về cho bà con sử dụng một cách an toàn, thuận lợi.

Cao Xuân
.
.
.