Thuốc và thực phẩm chức năng giả - báo trước cái chết thật

Chủ Nhật, 29/03/2015, 12:30
Không ít người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để mua các loại thuốc đặc trị đắt tiền của nước ngoài sản xuất; hoặc các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo thổi phồng về tính năng và tác dụng có giá cao ngất ngưởng. Nhưng họ không hề biết rằng, có thể họ đã bị sử dụng “hàng giả”...

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, của mỗi người dân vì thế cũng tăng lên… Không ít người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để mua các loại thuốc đặc trị đắt tiền của nước ngoài sản xuất; hoặc các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo thổi phồng về tính năng và tác dụng có giá cao ngất ngưởng. Nhưng họ không hề biết rằng, có thể họ đã bị sử dụng “hàng giả”, bởi các loại thuốc, TPCN giả vẫn trôi nổi trên thị trường một cách đáng lo ngại.

Theo các chuyên gia của ngành y tế, việc sử dụng các loại thuốc, TPCN giả sẽ gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe con người, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ tử vong…

Bài 1: Tân dược giả - nỗi lo truyền kỳ

Khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy hàng ngày, hàng giờ, thuốc giả vẫn vươn những chiếc vòi bạch tuộc bám rễ vào cuộc sống. Ngay những ngày giữa tháng 3 vừa rồi, Công an TP Hồ Chí Minh lại bắt tiếp một công ty mượn danh nghĩa sản xuất TPCN nhưng lại sản xuất những loại tân dược đặc trị, đắt tiền giả đem tiêu thụ ở các cửa hàng tại một số trung tâm dược phẩm thuộc quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Siêu lợi nhuận của việc sản xuất, mua bán tân dược khiến các đối tượng không từ thủ đoạn nào. Không chỉ sản xuất cho người lớn, nhiều đối tượng còn làm giả cả thuốc dành cho trẻ em, phụ nữ có thai… Hoạt động của loại tội phạm này đang ngày càng tinh vi, ngay cả một số nhà thuốc có tên tuổi cũng có thể mua phải hàng giả của chúng. Còn với người tiêu dùng thì càng vô cùng khó khăn, bởi ngay cả cán bộ có kinh nghiệm nếu nhìn bằng mắt thường cũng khó phân biệt được thật, giả.

Nhiều loại thuốc đặc trị, đắt tiền đã bị làm giả

Quay trở lại vụ vợ chồng Trần Đăng Trường, Công ty TNHH XNK Ngân Sơn Thịnh bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh vào ngày 11/3 vừa qua, mới thấy sự liều lĩnh, nguy hiểm của loại tội phạm này. Các đối tượng làm giả hoàn toàn các loại thuốc đặc trị bằng cách tìm mua các loại tân dược rẻ tiền (chủ yếu có xuất xứ từ Ấn Độ) để sản xuất giả các loại tân dược đặc trị bao tử như: Pavacid, Apvad, Sotamic, Laploy. Chúng còn đóng vỉ rất nhộm nhoạm, cho 6 viên thuộc 3 loại thuốc rẻ tiền đóng vào thành một vỉ thuốc đặc trị bao tử có giá trị cao.

Thậm chí, với các loại tân dược có giá rất cao như Baraclude (giá 2 triệu đồng/ hộp) dùng để điều trị viêm gan siêu vi B mãn tính, chúng dùng 2 loại thuốc rẻ tiền hơn nhiều là Lamivudin giá 360-400 ngàn/hộp và Entercavir giá 860-920 ngàn/hộp để cà nhuyễn, trộn vào nhau, thêm một số chất phụ gia, sau đó đưa vào máy dập, tạo ra viên tân dược Baraclude.

Đây là phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán tân dược giả khá phổ biến của các đối tượng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp như vợ chồng Trần Đăng Trường, chúng lấy các loại thuốc cùng điều trị một loại bệnh, dùng loại rẻ giả làm loại đắt như trên còn đỡ nguy hiểm hơn chút. Trong một số trường hợp, chỉ vì lợi nhuận, chúng sẵn sàng làm giả từ loại thuốc này thành loại thuốc khác cao tiền hơn, miễn là có mẫu mã bên ngoài tương tự nhau.

Thuốc Lumbrotine và ZinC-Kid do các đối tượng làm giả.

Trước đây, trong vụ sản xuất thuốc giả của đối tượng Quách Thị Lành, Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Anh Ngọc (Hà Nội), bọn chúng làm giả số lượng lớn các loại thuốc như kháng sinh… bằng cách dùng loại thuốc ít tiền để “tráo” nhãn mác thành thuốc đắt tiền đem tiêu thụ, chứ không cần quan tâm xem 2 loại thuốc đó có tương đồng gì với nhau về mặt chữa bệnh hay không. Chẳng hạn, loại thuốc chống nhiễm trùng được làm giả từ thuốc… chống lao; nước cất được thay nhãn mác thành Acetaphen là thuốc giảm đau…

Nhiều loại tân dược giả đang được “cõng” từ Trung Quốc về

“Phương thức, thủ đoạn sản xuất, tiêu thụ thuốc giả của các đối tượng đang có sự thay đổi, ngày càng tinh vi hơn”, Trung tá Vũ Công Chí, Đội phó Đội chống hàng giả, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46) Công an TP Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, một số đối tượng còn làm giả hoàn toàn các loại thuốc bằng cách đặt các “đầu nậu” bên Trung Quốc làm. Mà đối với các “đầu nậu” làm giả bên Trung Quốc, bất cứ mẫu thuốc nào đưa sang đặt hàng, chúng cũng có thể làm giả được. Nguy hiểm ở chỗ, chúng làm giả bằng chất gì thì các đối tượng ở Việt Nam chỉ biết nhận hàng chứ không hề biết (và có lẽ những kẻ này cũng không cần biết đến).

Sau khi hoàn thành các lô hàng thuốc giả từ thành phần thuốc đến mẫu mã, phía “đối tác” ở Trung Quốc sẽ vận chuyển về Việt Nam cho đầu đặt hàng thông qua các cửu vạn vùng biên hoặc những người thường làm ăn qua lại giữa hai bên biên giới. Ngoài đường bộ theo các đường mòn, lối mở qua lại giữa hai bên biên giới, gần đây, các đối tượng còn vận chuyển thuốc giả theo đường biển. Sau khi vào các tỉnh phía Nam, thuốc sẽ được đưa lên máy bay vận chuyển ngược trở lại Hà Nội và đưa đi các tỉnh tiêu thụ… Vì hám lời, nhiều đối tượng biết rành rành là thuốc giả nhưng vẫn vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Như trường hợp Nguyễn Duy Đức (40 tuổi) và Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi, cùng ở Lạng Sơn) là một ví dụ. Đức là lái xe đồng thời cũng là chủ phương tiện vận tải. Qua các mối quan hệ, Đức quen biết Hiền là người làm nghề buôn bán tự do.

Đến thời điểm bị Phòng PC 46 Công an TP Hà Nội bắt quả tang, Đức đã vận chuyển lần thứ 3 cho Hiền, số lượng lần này là 400 hộp thuốc Viagra. Hai lần trước, mỗi lần 300 hộp. Đức cũng biết đó là thuốc giả nhưng vẫn nhận vận chuyển thuê cho Hiền. Về phần Hiền, ban đầu mua để bán cho một số khách vãng lai đi du lịch, làm ăn ở cửa khẩu Tân Thanh. Nhưng do thu được nhiều tiền nên tiếp tục móc nối với các đối tượng ở Hà Nội mua bán thuốc giả.

Đi sâu tìm hiểu các công nghệ sản xuất, mua bán thuốc giả, chúng tôi mới thấy chưa bao giờ sức khỏe của con người lại bị coi thường đến như vậy. Không chỉ sản xuất thuốc giả cho người lớn, thời gian gần đây, tội phạm sản xuất hàng giả còn làm cả thuốc dành cho trẻ em.

Hồi 11h35 ngày 8/11/2014, Đội chống hàng giả, Phòng PC 46 Công an TP Hà Nội có sự hỗ trợ nghiệp vụ của Cục C46, Bộ Công an đã bắt Bùi Văn Hiệp và Lê Trọng Hiếu khi đang vận chuyển 150 hộp thuốc nhãn hiệu Lumbrotine (thuốc dùng để điều trị tai biến mạch máu não, tê nhức mỏi chân tay); 80 hộp thuốc nhãn hiệu ZinC-Kid (thuốc điều trị, bổ sung kẽm cho trẻ em chậm tăng trưởng, phụ nữ đang mang thai). Tất cả các loại thuốc này đều là thuốc giả.

Theo báo cáo năm 2014 của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, qua công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, hệ thống kiểm nghiệm thuốc đã kiểm tra 40.711 mẫu thuốc, lấy và phát hiện 967 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng và 18 mẫu thuốc giả trong đó có 13 mẫu tân dược và 5 mẫu đông dược.

T.Hòa - X.Mai
.
.
.