Thu tiền tỷ từ vùng đồi hoang hóa

Thứ Hai, 15/02/2016, 14:02
Từ một hộ dân chuyển đến huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) để định cư lập nghiệp, với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, ông Phan Thế Xê (59 tuổi, trú thôn 9, xã Hương Hòa) đã trồng, nhân giống thành công giống cam “Sài Gòn”, đến nay thu lợi mỗi vụ gần 1 tỷ đồng...


Từ thị trấn Khe Tre (Nam Đông), chúng tôi theo con đường mòn hàng chục cây số mới tới vườn cam của ông Xê. Đang cùng các công nhân cắt tỉa, vun gốc cho hàng trăm gốc cam, ông Xê bảo: “Mình phải chăm sóc tỉ mẩn vậy thì vụ mùa tới, cây cam mới sai quả được!”.

Theo lời kể của ông Xê, đầu năm 1980, vợ chồng ông lên vùng đất xã Hương Hòa, Nam Đông để làm kinh tế. Thời điểm ấy, khu vực này là vùng đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt nên họ ra sức khai phá đất hoang để thực hiện mô hình VAC. Tuy nhiên, sau nhiều năm trời ròng rã gắn bó với mô hình này không đem lại hiệu quả kinh tế nên ông trăn trở tìm hướng đi mới bằng việc trồng cây ăn quả.

Ông Phan Thế Xê tại vườn cam ở vùng đồi Nam Đông.

Năm 2002, qua tìm hiểu và học hỏi ở nhiều nơi, ông vui mừng khi trồng thành công 300 gốc quýt lai. Thế nhưng, khi chuẩn bị đến vụ thu hoạch thì hàng trăm gốc quýt đều rụng sạch quả sau một trận mưa. Không chịu thất bại, ông tiếp tục nghiên cứu từ sách báo, mạng Internet và quyết định đầu tư cây cam theo hướng chuyên canh. Nắm rõ vùng đất Nam Đông thường có mưa, độ ẩm cao thích hợp với giống cam miền Nam (sau này người địa phương gọi là cam Sài Gòn) nên ông lặn lội vào mua giống đưa ra trồng thử nghiệm.

Đến năm 2004, gia đình ông đầu tư mua 4ha đất đồi làm trang trại, trong đó có 2ha đất dùng để trồng 1 nghìn gốc cam Sài Gòn. Sau 3 năm cây cam cho trái bói, đến năm thứ 4 thì vườn cam bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vụ cam năm 2015, ông thu hoạch gần 50 tấn quả (bình quân 1,2 tạ quả/gốc); với giá bán mỗi ký từ 20-25 nghìn đồng, ông thu về khoảng 1 tỷ đồng. Riêng những vụ cam trước, gia đình ông Xê cũng thu lợi từ 500-600 triệu đồng từ 1 nghìn gốc cam này.

“Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng khi mua trái cây thường lo sợ bị phun thuốc trừ sâu, hóa chất... nên trước mỗi vụ thu hoạch cam khoảng 5 tháng, tôi chỉ sử dụng dầu khoáng, thiên địch để diệt sâu bọ trên cây và sau đó không sử dụng bất cứ loại thuốc hóa học nào để đảm bảo tiêu chí “sạch” cho quả cam”, ông Xê cho biết thêm.

Ngoài trồng thành công giống cam Sài Gòn cho hiệu quả kinh tế cao và tạo dựng được thương hiệu, những năm qua, ông Xê còn trồng nhiều loại cam khác, như cam valencia, cam sành, cam Vân Du, cam ruột đỏ... để cung cấp giống cho người dân trong vùng và các địa phương lân cận. 

Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông bày tỏ, trước hiệu quả kinh tế cao do cây cam Sài Gòn được ông Xê trồng tiên phong, hiện huyện đang lập kế hoạch phát triển cây cam trên các xã Hương Phú, Hương Hòa, Hương Lộc... Tới đây, huyện sẽ hướng dẫn người dân trồng cam theo tiêu chuẩn Vietgap, qua đó xây dựng thương hiệu cam Nam Đông. Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng được 400ha cam, trong đó giống cam chủ yếu sẽ lấy từ vườn của ông Xê, để bà con xóa đói giảm nghèo…

Anh Khoa
.
.
.