Thiệt hại lớn trong cơn mưa lịch sử

Thứ Tư, 28/09/2016, 10:21
Hàng ngàn xe gắn máy bị nhấn chìm dưới nước, hàng chục hầm của các tòa nhà bị biến thành hồ chứa nước, hàng trăm xe ôtô chết máy, hư hỏng, máy bay phải hạ cánh tại các sân bay khác, đó là hậu quả của cơn mưa lớn tại TP Hồ Chí Minh chiều 26-9 với lượng mưa lớn từ 101mm đến 204mm.

Sáng 27-9, hàng trăm người đến bãi xe trên đường Nguyễn Siêu (phường Bến Nghé, quận 1) “xót của” khi thấy xe mình vẫn bị ngâm bên dưới hầm giữ xe chứa đầy nước. Bãi xe rộng hơn 800m2 với sức chứa 1.100 xe gắn máy đã bị nước bao phủ. Mặc dù nguyên đêm, Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 đã triển khai nhiều máy bơm công suất lớn đưa hàng ngàn mét khối nước ra ngoài nhưng nước vẫn còn ứ đọng đến thắt lưng người. Các chiến sĩ phải tiến hành ngâm mình dưới nước lặn mò vớt rác nghẹt cống thoát để mau chóng cho nước rút ra khỏi hầm.

Nhiều chủ xe nhận lại tài sản của mình mà xót xa. Nhiều người tặc lưỡi đưa chiếc xe của mình vào tiệm sửa với số tiền không nhỏ. Khuya 26-9, đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) vẫn bị ngập sâu hàng chục xe ôtô chết máy nổi bồng bềnh trong nước. Xe cứu hộ cũng không thể vào khu vực nước sâu này để di dời các phương tiện chết máy đi. Bởi vậy, các bác tài đành thức trắng đêm ngậm ngùi nhìn chiếc xe của mình bị sóng đánh dập dìu.

Đến sáng 27-9, con số thống kê chưa đầy đủ, có hàng trăm xe ôtô bị nước chảy vào hệ thống máy, ống xả phải thay bộ lọc khí, thay nhớt.

Mưa lớn tại TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân.

Người dân trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) vẫn chưa hết ám ảnh hình ảnh dòng nước trôi như thác cuộn trào trên đường cuốn nhiều xe gắn máy. Đến rạng sáng hôm sau nước mới rút hết, mặt đường tại khu vực này bị nước cuốn bong lên lồi lõm. “Chưa bao giờ tôi thấy cơn mưa lớn như thế này và chưa bao giờ đoạn đường này nước chảy như đang trong mùa lũ miền Trung. May mắn là người đi đường không ai hề hấn gì!” - chị Lan, một người buôn bán tại khu vực này cho biết.

Tại khu vực đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận có ít nhất 5 tầng hầm của các tòa nhà khu vực này bị nước tràn vào, tạo thành hồ nước có độ sâu từ 1,5 - 2m. Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh đã thức nguyên đêm vận hành máy bơm để đưa nước ra ngoài.

Lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp cùng nhân viên MTV Thoát nước đô thị  xử lý và hút nước ra khỏi các tầng hầm của tòa nhà.

Tầng hầm của nhà hàng Món Huế cũng bị nước tràn vào có độ sâu hơn 3m nhưng may mắn là nhân viên của nhà hàng đã kịp di dời hàng chục xe gắn máy của khách lên trên vỉa hè. Buổi sáng sau cơn mưa kinh hoàng, nhân viên bảo vệ khu vực nhà xe AH1, AH2 (khu A KTX Đại học Quốc gia) cùng với một số sinh viên đã vận hành máy bơm đưa nước từ hầm ra ngoài.

Bên trong hầm giữ xe, hàng trăm xe gắn máy của sinh viên bị ngâm nước, đến trưa  mới ló được phần đầu ra khỏi mặt nước. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết,  trong đêm các Phòng Cảnh sát PCCC đã huy động 100% quận số  cùng phương tiện hỗ trợ các quận, huyện tại 15 điểm ngập nặng để xử lý và hút nước ra khỏi các tầng hầm của các tòa nhà.

Tại tòa nhà cao nhất TP Hồ Chí Minh Bitexco (Bitexco Financial Tower, số 2 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1), nước chảy từ trên chảy xuống ở phía bên trong tòa nhà, khiến nước lai láng một khu vực ở phần sảnh tầng trệt. Hàng chục nhân viên phải quay cuồng lau dọn cả đêm mới hoàn tất. Một điều đáng nói là  đường hầm vượt sông Sài Gòn cũng chịu chung số phận trong cơn mưa lớn. Tại thời điểm cơn mưa diễn ra, đường hầm bị nước tràn vào ngập sâu hơn 20cm. Trung tâm Quản lý đường hầm vượt sông Sài Gòn phải tạm dừng các phương tiện lưu thông qua hầm hơn 1 giờ đồng hồ để xử lý sự cố.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm vượt sông Sài Gòn cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ khi đường hầm được đưa vào khai thác mới xảy ra tình trạng trên. Do mưa lớn khiến nước từ 2 đầu đường hầm tràn vào hầm khiến hệ thống thoát không kịp thoát. Nhân viên quản lý đường hầm đã sử dụng hệ thống máy bơm bơm nước thoát ra ngoài. Trước tình trạng này, phía đường hầm đang lên phương án xử lý những sự cố như trên khi các cơn mưa lớn xuất hiện.

Lượng mưa tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là 170,3mm nên các tuyến đường đổ về sân bay ngập sâu khiến giao thông bị ùn ứ. Phía bên trong sân bay, một số bãi đáp bị ngập, cao nhất là 30cm, tuy nhiên nước nhanh chóng rút bởi hệ thống thoát nước khu vực này đã được cải thiện.

Do lượng mưa lớn, tầm nhìn bị hạn chế nên có khoảng 12 chuyến bay không thể hạ cánh xuống sân bay mà phải hạ cánh tại các sân bay lân cận. Ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế  sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết một số sân đậu máy bay của sân bay  bị ngập nhưng không nặng như trận mưa ngày 26-8 do tốc độ thoát nước tốt hơn. Đến gần 18h, sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp tục tiếp nhận các chuyến bay đến.

Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, trận mưa chiều 26-9 là trận mưa cực đoan lớn nhất từ đầu năm đến nay với lượng mưa từ 101mm đến 204,3mmm. Với lượng mưa lớn như trên khiến cho 59 tuyến đường bị ngập sâu từ 0,1m đến 0,5m.

Trong cơn mưa, Trung tâm Điều hành chống ngập đã huy động nhân viên phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị triển khai công tác vớt rác trước miệng thu nước, hầm ga. Phối hợp với Cảnh sát PCCC hỗ trợ lực lượng tham gia ứng cứu khi xuất hiện ngập tại tầng hầm của các tòa nhà trên địa bàn thành phố.  

Một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa như: đường Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành QL22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân... Tuy nhiên, do rác thải bít lỗ thoát nước, một số dự án thoát nước đang trong quá trình thi công nên đã ảnh hưởng đến khả năng thoát nước.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác khiến đường phố tại TP.HCM bị ngập là do tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả (thuộc 23 tuyến đường); 104 hầm ga (thuộc 41 tuyến đường); 13,854km cống và 394 hầm ga (thuộc 92 tuyến đường); 61 vị trí lấn chiếm lòng, hành lang kênh, rạch phục vụ thoát nước. mưa lớn cộng với những nguyên nhân trên khiến TP Hồ Chí Minh gặp nhiều sự cố đáng tiếc. 

M.Đ.
.
.
.